Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và trong tâm thần học nói riêng. Rối loạn giấc ngủ có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, xã hội và ảnh hưởng lớn đến cảm xúc.
Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?
Rối loạn giấc ngủ là thuật ngữ chỉ các tình trạng bất thường làm thay đổi giấc ngủ của bạn. Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có nhiều loại rối loạn giấc ngủ khác nhau. Các rối loạn giấc ngủ thường được phân loại dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, khả năng tác động đến tâm sinh lý của người bệnh và nhiều tiêu chí khác. Một số loại rối loạn giấc ngủ phổ biến bao gồm:
- Mất ngủ: Là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ, hay bị tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại.
- Ngưng thở khi ngủ: Là sự thay đổi nhịp thở bất thường trong khi ngủ. Người bệnh có thể ngừng thở hoặc thở thoi thóp trong 10-30 giây và lặp lại nhiều lần trong khi ngủ.
- Hội chứng chân không yên (RLS): Còn gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một loại rối loạn chuyển động khi ngủ. Hội chứng này gây ra cảm giác khó chịu, bồn chồn và thôi thúc người bệnh phải đứng lên di chuyển khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ.
- Chứng ngủ rũ: Đây là tình trạng khiến người bệnh buồn ngủ cực độ vào ban ngày. Người bệnh sẽ đột nhiên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ngủ thiếp đi mà không hay biết.
- Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias): Đây là một loại rối loạn giấc ngủ gây ra các cử động và hành vi bất thường trong khi ngủ, bao gồm mộng du, nói mớ, ác mộng, đái dầm, nghiến răng khi ngủ và nhiều tình trạng khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, bao gồm:
Dị ứng và các vấn đề về hô hấp
Dị ứng, cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể khiến bạn khó thở vào ban đêm. Việc không thể hít thở bình thường bằng mũi cũng là nguyên nhân gây khó ngủ.
Tiểu đêm
Tiểu đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và khiến bạn thức giấc vào ban đêm. Sự mất cân bằng nội tiết tố và các bệnh về đường tiết niệu có thể góp phần làm tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Đau mãn tính
Các cơn đau mãn tính có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Nó thậm chí còn khiến bạn tỉnh giấc giữa chừng vì quá đau và khó chịu.
Căng thẳng và lo lắng
Căng thẳng và lo lắng thường có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bạn có thể khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được.
Ngoài ra, người bị căng thẳng, lo lắng cũng có nguy cơ gặp ác mộng, mộng du, làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn giấc ngủ của bạn, chẳng hạn như khiến bạn ngủ nhiều hơn mức bình thường.
Di truyền
Các nghiên cứu cho thấy, nếu các thành viên trong gia đình của bạn như bố, mẹ, anh chị em ruột bị rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn.
Các yếu tố khác
Một số yếu tố có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như:
- Thường xuyên làm việc ca đêm.
- Hội chứng jet lag: Tình trạng giấc ngủ bị ảnh hưởng do di chuyển nhanh qua các múi giờ, cơ thể chưa thích nghi được (thường xảy ra khi bạn đi du lịch, công tác đến các quốc gia có sự chênh lệch lớn về múi giờ với đất nước mà bạn đang sinh sống).
- Sinh hoạt kém lành mạnh, thường xuyên dùng thuốc lá, caffeine và rượu, sử dụng các chất kích thích.

Triệu chứng của rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tuy nhiên, thông thường các rối loạn liên quan đến giấc ngủ sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
- Khó đi vào giấc ngủ.
- Mệt mỏi vào ban ngày.
- Cảm giác thôi thúc phải có những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
- Thường xuyên tỉnh giấc ban đêm.
- Gặp vấn đề về hô hấp.
- Luôn có cảm giác thúc giục phải di chuyển trong khi ngủ.
- Có hành vi bất thường hoặc các trải nghiệm khác khi ngủ.
- Có những thay đổi không chủ ý trong lịch trình ngủ – thức.
- Cáu kỉnh hoặc lo lắng.
- Giảm năng suất làm việc.
- Thiếu tập trung.
- Trầm cảm.
- Tăng cân.
Những triệu chứng vừa kể trên cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác. Người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sức khỏe giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch. Bởi vậy, tình trạng rối loạn giấc ngủ lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cụ thể:
- Giảm khả năng tập trung chú ý, dẫn đến giảm chất lượng công việc, cuộc sống.
- Giảm khả năng ghi nhớ, tư duy và suy luận logic của não bộ.
- Rối loạn cảm xúc, hay chán nản, vui buồn thất thường, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch,…
Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ được chẩn đoán như thế nào? Làm sao để biết một người có thật sự bị rối loạn giấc ngủ hay không? Với người bệnh có các vấn đề liên quan đến chất lượng giấc ngủ, trước tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe và thu thập thông tin về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.
Ngoài ra, một số câu hỏi về tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình, lối sống của bạn, các thực phẩm mà bạn sử dụng hằng ngày, các loại thuốc bạn đang dùng gần đây… cũng được bác sĩ đặt ra để xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Sau khi khai thác các thông tin cần thiết, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số bài kiểm tra như:
- Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá toàn bộ thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ, bao gồm nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy, điện não, chuyển động mắt,… cũng như chỉ số ngưng giảm thở để chẩn đoán người bệnh có bị hội chứng ngưng thở trong khi ngủ hay không.
- Đo điện não đồ (EEG): Đo điện não đồ giúp theo dõi và ghi chép các mẫu sóng não, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hoạt động điện đồ của não.
- Đo độ trễ giấc ngủ (MSLT): Phương pháp này giúp bác sĩ có thể xác định được có ngủ đủ giấc hay không, từ đó chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của bạn. .
Bên cạnh các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác để có thể xác định chính xác về tình trạng rối loạn giấc ngủ của bạn.

Khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ
Một số lời khuyên giúp cải thiện vệ sinh giấc ngủ:
- Giữ không gian yên tĩnh, tránh ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ… để dễ ngủ.
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ.
- Buổi sáng thức dậy không nên nằm nán lại giường quá lâu.
- Không nên đọc sách hoặc xem ti-vi trước khi ngủ.
- Không nhìn đồng hồ ban đêm.
- Không dùng các thức uống có tính kích thích như: cà phê, rượu, bia, thuốc lá.
- Không ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 tiếng trước giờ ngủ.
- Chỉ đi ngủ khi buồn ngủ và sẵn sàng ngủ.
- Không ngủ ngày nhiều.
- Tắm nước ấm trước khi ngủ giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể và ngủ dễ hơn.
- Tránh căng thẳng hoặc xúc động mạnh trước khi đi ngủ. Bạn có thể ngồi thiền để tĩnh tâm và thư giãn cơ thể trước khi đi ngủ.
Người cao tuổi nên duy trì kế hoạch luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để ngủ ngon hơn, từ đó bảo vệ sức khỏe tuổi 50 nhưng nên tránh luyện tập sau 6h chiều.
Ngoài các chế độ sinh hoạt như trên, người cao tuổi ăn uống đủ dinh dưỡng, nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, đồng thời hạn chế đường và chất béo để nâng cao sức đề kháng tạo hệ miễn dịch góp phần đẩy lùi bệnh mất ngủ ở người già và cả những bệnh khác nữa. Những thực phẩm có thể giúp người cao tuổi ngủ ngon hơn là:
- Một ly trà hoa cúc: Phương thuốc an thần thiên nhiên, giúp thư giãn, đưa vào giấc ngủ nhẹ nhàng.
- Bột yến mạch: Kích thích sản xuất ra melatonin thúc đẩy giấc ngủ.
- Hạnh nhân: chứa tryptophan và magie giúp thư giãn cơ bắp, giảm lo lắng, hỗ trợ giấc ngủ.
- Một ly sữa ấm cung cấp các vitamin nhóm B, A, C, E và các khoáng chất Kẽm, Magie, Selen giúp tăng cường sức đề kháng, giảm mệt mỏi, ăn ngủ ngon.
Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ
Chứng rối loạn giấc ngủ có thể được phòng ngừa bằng cách tuân theo một lịch trình sinh hoạt lành mạnh. Theo đó, để hạn chế rối loạn giấc ngủ bạn cần lưu ý:
- Duy trì lịch ngủ – thức vào một khung giờ nhất định.
- Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ.
- Tránh các yếu tố căng thẳng, gây kích thích thần kinh (đặc biệt là trước khi ngủ).
- Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Không dùng rượu bia; thuốc lá; thực phẩm nhiều đường, thực phẩm có chứa caffeine vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối.
- Hạn chế các món ăn nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ.
- Tập thể dục, vận động thường xuyên.
- Uống ít nước trước khi đi ngủ.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất, nên chủ động điều trị sớm để tránh bệnh tiến triển thành mạn tính. Nếu các biện pháp tự chăm sóc và cải thiện tại nhà không hiệu quả, bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được điều trị tốt hơn.
Leave a reply