Rối loạn giọng là tình trạng bất thường của một hoặc nhiều đặc tính của giọng nói, gồm rối loạn âm vực, cao độ, cường độ, chất lượng giọng.
Rối loạn giọng nói là bệnh gì?
Rối loạn giọng nói (Voice Disorders hay Dysphonia) là tình trạng khiến giọng nói của người bệnh thay đổi khác thường so với trước đây. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể nhận thấy những biến đổi của một hoặc nhiều đặc tính của giọng nói, như rối loạn tần số, cường độ , âm sắc hay chất lượng giọng nói.
Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói
Tình trạng rối loạn giọng nói có thể do nhiều yếu tố kết hợp khiến cho việc sử dụng giọng nói quá mức:
- Viêm và phù nề: Chấn thương, dị ứng, phù mạch do bẩm sinh hoặc bỏng do hít khí độc.
- Tổn thương dây thanh: U nhú dây thanh, phù nề dây thanh, hạt dây thanh, nang dây thanh, polyp dây thanh.
- Nhiễm trùng: Do viêm thanh quản thường gặp trong bệnh nhiễm trùng hô hấp trên mà nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, nhất là lao thanh quản, nấm thanh quản.
- Tổn thương ác tính: Ung thư tuyến giáp, ung thư phổi, ung thư thanh quản, lymphoma.
Nguyên nhân thần kinh gây nên tình trạng rối loạn giọng nói bao gồm:
- Đến từ yếu tố rối loạn phát âm chức năng: Giảm/tăng động dây thanh, rối loạn giọng nói co thắt, tuổi dậy thì, tâm lý.
- Liệt dây thanh quản do u, đột quỵ, phình động mạch chủ ngực.
- Bệnh thần kinh vận động, bệnh Parkinson, nhược cơ.
- Bệnh hệ thống: To đầu chi, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, bệnh tự miễn.
- Vỡ giọng tuổi dậy thì.
- Các rối loạn giọng, vỡ giọng do chuyển giới tính.
Những yếu tố nguy cơ gây rối loạn giọng nói:
- Hút thuốc: Nguy cơ ung thư thanh quản.
- Nghiện rượu, caffeine: Gây kích thích và làm mất nước dây thanh.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Bệnh nghề nghiệp: Ca sĩ, diễn viên, giảng viên, buôn bán.
- Môi trường sống: Ồn ào, độ ẩm thấp.
- Đái tháo đường loại 2: Bệnh lý thần kinh.

Dấu hiệu rối loạn giọng nói
Triệu chứng của rối loạn giọng nói khá rõ ràng, bạn có thể nhận ra ngay những thay đổi bất thường ở giọng nói như:
- Giọng nói run rẩy, ngắt quãng, kém ổn định.
- Giọng nói yếu, thều thào.
- Giọng nói nghe miễn cưỡng, căng thẳng hoặc bị rè.
- Giọng nói quá cao, quá trầm hoặc thay đổi giọng nói theo từng thời điểm trong ngày.
- Khàn giọng.
- Mất giọng.
Hậu quả của rối loạn giọng nói
- Ảnh hưởng đến sức khoẻ: Rối loạn giọng nói là biểu hiện bất thường của sức khoẻ. Nguyên nhân có thể lành tính, nhưng cũng có thể là tiềm ẩn của tổn thương nguy hiểm gây nên.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Giọng nói chính là phương tiện để giúp mỗi cá nhân giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Rối loạn giọng nói sẽ gây khó khăn, cản trở người bệnh hoà nhập với xã hội.
- Ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ nhỏ: Giọng nói bất thường làm trẻ không dám nói, do sợ bị chê cười. Từ đó, gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý, cũng như khả năng học hành của trẻ.
- Ảnh hưởng đến công việc và kinh tế: Điều này càng rõ rệt ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói do tính chất công việc. Nhiều người đã phải từ bỏ công việc của mình do tình trạng bệnh kéo dài.
Biện pháp điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị giọng nói:
Sử dụng phương pháp điều trị phù hợp, đúng chỉ định, đúng giai đoạn của bệnh. Đồng thời có biện pháp dự phòng tái phát.
- Điều trị nội khoa.
- Trị liệu giọng nói – ngôn ngữ (luyện giọng).
- Phẫu thuật.
- Giáo dục và tư vấn về sử dụng giọng.

Cách phòng tránh rối loạn giọng
Giọng nói rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu biết cách bảo vệ giọng nói, bạn sẽ phòng tránh được rối loạn giọng và giữ được chất giọng ngọt ngào, trong rõ. Các bạn nên thực hiện những điều sau để bảo vệ giọng nói của mình:
- Tránh lạm dụng giọng nói: Hạn chế la hét, bỏ thói quen tằng hắng, chỉ sử dụng giọng nói khi cần thiết.
- Bỏ hút thuốc lá. Hút thuốc không chỉ gây hại đến mô dây thanh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
- Luôn giữ ẩm cho cổ họng bằng cách uống nhiều nước lọc, nước trái cây.
- Hạn chế caffein, rượu bia vì những thức uống này có thể khiến bạn dễ bị mất nước hơn.
- Chủ động phòng tránh các tình trạng bệnh có thể gây rối loạn giọng như viêm họng, viêm thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản…
Rối loạn giọng nói do la hét nhiều hoặc các tình trạng viêm nhiễm như viêm họng thanh quản cấp là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu tình trạng khàn tiếng, thay đổi đặc điểm giọng nói tồn tại hơn 3 tuần, người bệnh không thể loại trừ nguyên nhân do các bệnh lý nguy hiểm gây ra. Bệnh nhân cần nhanh chóng đến các bệnh viện uy tín, có bác sĩ chuyên về thanh học để được nội soi thanh quản tìm nguyên nhân, có thể phát hiện các tổn thương dây thanh và điều trị kịp thời phục hồi giọng nói.