Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng gây phiền toái tới cuộc sống thường ngày của chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, còn cảnh báo nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Hầu hết thời gian hành kinh ở phụ nữ kéo dài từ 4–7 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt thường lặp lại sau mỗi 28 ngày nhưng khoảng thời gian này bình thường có thể dao động từ 21–35 ngày.
Rối loạn kinh nguyệt là một nhóm các vấn đề gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Các vấn đề đó có thể là:
- Đau bụng kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt.
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh (mất kinh).
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường hay kéo dài (rong kinh).
- Chảy máu hoặc xuất hiện những đốm máu ở giữa các kỳ kinh, sau khi mãn kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Rối loạn kinh nguyệt và các triệu chứng xảy ra có thể can thiệp đến cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Tình trạng này còn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố tác động, có thể kể đến như:
- U xơ tử cung hay polyp tử cung.
- Mất cân bằng nội tiết tố.
- Rối loạn đông máu.
- Ung thư tử cung hay cổ tử cung.
- Bệnh lây qua đường tình dục (STI).
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Di truyền.
- Uống thuốc tránh thai.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu.
- Suy buồng trứng sớm (xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi).
- Các bệnh lý khác như bệnh tuyến giáp, rối loạn chức năng tuyến yên…
Dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Rong kinh, rong huyết
Rong kinh, rong huyết là một trong những biểu hiện thường thấy của chứng rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt là chị em lúc mới dậy thì và chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh.
Thiểu kinh
Lượng máu mà chị em mất đi sau mỗi kỳ hành kinh thường dao động trung bình từ 50 đến 150ml. Như vậy, nếu chị em chỉ mất máu trong 2 ngày và lượng máu nhỏ hơn 20ml, thì chị em đang gặp phải tình trạng thiểu kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn và lượng máu mất đi quá ít là nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ.
Cường kinh
Ngược lại với thiểu kinh, thì thường kinh là hiện tượng lượng máu kinh nhiều hơn bình thường.
Vô kinh
Vô kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Trong đó
- Vô kinh nguyên phát: Có nhiều trường hợp chị em phụ nữ đã quá tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do bộ phận sinh dục bị dị dạng: không có tử cung, hoặc không có bộ phận sinh dục.
- Vô kinh thứ phát: Xảy ra ở chị em đã từng có kinh, nhưng sau một khoảng thời gian lại bị mất kinh trong vòng 3 tháng. Chủ yếu là do chị em nạo phá thai quá nhiều lần hoặc băng huyết quá nhiều sau khi sinh,…
- Màu kinh: Thường là máu đỏ thẫm, có mùi hơi tanh, không đông, nếu máu kinh có lẫn máu cục hoặc máu đỏ tươi hay hồng nhạt là bất thường.
Cách khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt
Cải thiện chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc phù hợp.
Các chị em phải điều chỉnh chế độ ăn uống của mình cho hợp giờ giấc và bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tích cực tập thể dục thể thao thường xuyên, dù là một vài động tác vận động nhỏ mỗi sáng 15-30 phút cũng giúp đẩy lùi chứng rối loạn kinh nguyệt.
Giữ tâm lý thật thoải mái
Cố gắng làm việc và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành và ít căng thẳng nhất có thể. Bạn có thể tập nghĩ đến những điều vui vẻ, tích cực, có thể nghe nhạc hoặc trò chuyện với bạn bè nhiều hơn để thư giãn đầu óc.
Sử dụng thuốc tránh thai
Lời khuyên cho bạn là không nên lạm dụng thuốc quá nhiều. Thuốc tránh thai là loại thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, các chị em nên tư vấn bác sĩ nếu muốn sử dụng thuốc tránh thai và có nhiều phương pháp tránh thai khác để bạn có thể lựa chọn.
Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác
Việc sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá không những ảnh hưởng đến nội tiết, gây rối loạn kinh nguyệt mà còn ảnh hưởng đến làn da của bạn nữa. Vì vậy, hãy hạn chế đến mức thấp nhất có thể để có một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn nhé!
Cách hạn chế rối loạn kinh nguyệt
Sau đây là một vài lời khuyên giúp giảm bớt khả năng bị rối loạn kinh nguyệt mà bạn nên áp dụng thử:
- Cố gắng duy trì lối sống lành bằng cách tập luyện thể dục đều đặn, vừa phải cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.
- Thực hiện các biện pháp giúp thư giãn cơ thể và giảm bớt căng thẳng.
- Ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu.
- Quan hệ tình dục: Cảm giác cực khoái có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đau bụng kinh.
- Chườm nóng: Lót một miếng đệm nóng vào vùng bụng có thể giúp làm giảm đau bụng kinh.
- Thay đổi băng vệ sinh từ 4-6 giờ.
- Bạn hãy tránh sử dụng băng vệ sinh có mùi thơm vì chất khử mùi có thể gây kích ứng vùng sinh dục.
- Bạn không nên thụt rửa âm đạo vì nó có thể tiêu diệt các vi khuẩn tự nhiên thường trú trong âm đạo mà chỉ cần tắm rửa thường xuyên để làm sạch.
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thăm khám phụ khoa thường xuyên, định kỳ.
Phụ nữ là một nửa của thế giới. Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ là điều quan trọng để thể hiện sự yêu thương cũng như nâng niu dành cho phái đẹp. Các chị em phụ nữ hãy học cách yêu thương và tự bảo vệ mình, đừng ngại ngùng khi đi khám sức khỏe và khám phụ khoa thường xuyên định kỳ. Đừng quên, môt chế độ ăn uống dinh dưỡng kết hợp việc tập luyện rất quan trọng cho sức khỏe bền vững bạn nhé!