Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường xuyên bị sợ hãi, lo âu quá mức mà không rõ lý do. Có rất nhiều loại rối loạn lo âu nhưng chung quy lại thì biểu hiện ban đầu chung của những loại này đó là hoảng sợ và lo lắng.
Rối loạn lo âu là bệnh gì?
Rối loạn lo âu là một rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ.
Có sự khác biệt giữa lo âu trong đời sống bình thường và lo âu do bệnh lý đó là:
- Lo âu thông thường: Xảy ra khi có một sự kiện nào đó phù hợp với trạng thái cảm xúc lo âu. Cảm giác này sẽ mất đi khi sự việc đã được giải quyết.
- Lo âu bệnh lý: Không xuất phát từ một nguyên nhân rõ ràng nào hoặc người bệnh biểu hiện quá mức. Triệu chứng thường gây khó chịu, căng thẳng kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Phân loại rối loạn lo âu
Chứng rối loạn lo âu được chia thành 5 loại và con người có thể mắc một hoặc nhiều loại rối loạn lo âu cùng lúc, đó là:
Rối loạn lo âu lan tỏa
Chứng rối loạn lo âu lan tỏa (hay còn gọi là rối loạn lo âu toàn thể), sẽ khiến người bệnh trở nên lo lắng với hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống. Bất kỳ tác động nào đó xuất hiện cũng làm gia tăng sự căng thẳng, sợ hãi và kèm theo đó là triệu chứng suy nhược cơ thể, mất ngủ,…
Rối loạn lo âu hoảng loạn
Chứng rối loạn lo âu hoảng loạn sẽ khiến người bệnh luôn sống trong tình trạng sợ hãi, hoảng loạn kinh hoàng. Những cảm xúc này có lúc thì âm ỉ nhưng đôi khi lại kéo đến một cách dữ dội, bất chợt mà không cần bất cứ tác động ngoại lực nào.
Người mắc phải hội chứng này sẽ tự cô lập bản thân; không muốn tiếp xúc với mọi thứ xung quanh nhằm mục đích bảo vệ bản thân.
Rối loạn stress sau chấn thương
Rối loạn stress sau chấn thương là tình trạng dễ gặp phải với những ai vừa trải qua một sự kiện kinh hoàng; hay một khoảng thời gian khó khăn nhưng sau đó không thể giải tỏa được tư duy tiêu cực và giải phóng cơ thể khỏi những ám ảnh đã qua.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là chỉ những người luôn bị ám ảnh với một sự vật hay một sự việc nhất định như: sợ máu, sợ bẩn,… một cách quá độ.
Rối loạn lo âu xã hội
Chứng rối loạn lo âu xã hội có biểu hiện như: Sợ đám đông, sợ người lạ; luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi phải tiếp xúc với những người xa lạ hay những nơi đông người.
Những người mắc hội chứng này sẽ luôn tìm mọi cách để tránh né dù là đến các sự kiện vui vẻ, thoải mái.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu thường khó để xác định rõ nguyên nhân nhưng những yếu tố sau cũng làm gia tăng nguy cơ bị bệnh:
- Do tâm lý: Tính cách dễ bị lo âu hoặc sang chấn tâm lý từ nhỏ.
- Do di truyền: Nếu trong gia đình có người bị mắc các bệnh tâm lý thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng.
- Do môi trường, xã hội: Căng thẳng, stress kéo dài từ công việc, môi trường sống, gia đình,…
- Do yếu tố về thần kinh.
Triệu chứng khi bị bệnh
Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Các triệu chứng cụ thể của bạn phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu bạn có. Các triệu chứng thường gặp là:
- Hoảng loạn, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn.
- Khó ngủ, sợ hãi, lo lắng cả trong giấc ngủ.
- Không thể giữ bình tĩnh và đứng yên.
- Lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân.
- Khó thở, hoặc thở nhanh hơn bình thường.
- Tim đập nhanh.
- Khô miệng, buồn nôn.
- Cơ bắp căng thẳng.
- Chóng mặt.
- Giảm khả năng tập trung.
- Ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nhiều lần.
- Có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần.
- Khó khăn giữ bình tĩnh hoặc vượt qua cơn lo âu.
Biến chứng nguy hiểm rối loạn lo âu
Một số những tác hại mà hội chứng rối loạn lo âu có thể gây ra cho con người như:
- Biến chứng thành bệnh lý nguy hiểm: Suy nhược cơ thể, trầm cảm, bệnh về tim mạch, huyết áp; rối loạn tiêu hóa, suy giảm khả năng tình dục; mất dần khả năng tư duy, suy nghĩ.
- Ảnh hưởng tới bản thân người bệnh: Có thể xuất hiện mong muốn tự sát và tự hành hạ cơ thể.
- Ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ và xã hội: Người mắc hội chứng này thường rất khó chia sẻ, tự cô lập và luôn cáu gắt, đổ lỗi cho người khác dẫn tới các mối quan hệ trở nên xấu hơn rất nhiều.

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu
Điều trị hiệu quả nhất của rối loạn lo âu là điều trị kết hợp các liệu pháp tâm lý, điều trị thuốc. Việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian dù là điều trị với thuốc hay tâm lý.
- Liệu pháp tâm lý trị liệu: Tâm lý gia sẽ dành nhiều thời gian để hỗ trợ tâm lý cho bạn. Qua những cuộc trò chuyện tâm lý nhằm mục đích giúp bạn hiểu thêm về tình trạng của mình, những điều gì đang góp thành khó khăn cho bạn, khám phá bản thân qua đó tìm được hướng giải quyết phù hợp cho mình.
- Dùng thuốc: Điều trị thuốc có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn tùy tình hình của mỗi cá nhân. Bạn cần được thăm khám, để bác sĩ có thể xác định loại thuốc nào là phù hợp với bạn, và cần tái khám đều đặn để điều chỉnh liều phù hợp với tình hình thực tế của bạn.
- Để điều trị rối loạn lo âu, bạn cần sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn (bác sĩ tâm thần, tâm lý gia…). Cùng với việc điều trị, có một số điều bạn có thể làm để tự giúp mình giảm nhẹ một số triệu chứng của rối loạn lo âu.
Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày: Có thể là 20 phút thư giãn hoặc một hoạt động nào đó giúp bạn cảm thấy thú vị, thoải mái, dễ chịu.
Tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…): Tùy vào sức khỏe của bạn mà chọn hoạt động phù hợp. Hoạt động thể dục rất cần thiết, và hiệu quả đối với những người bị rối loạn lo âu.- Chăm sóc giấc ngủ.
- Tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích.
- Tập luyện hít thở sâu.
Những cách trên sẽ giúp bạn trang bị thêm giải pháp giúp bạn giải tỏa, giảm nhẹ căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế không có những cách chung cho tất cả người bệnh, mà cần cá thể hóa. Có thể có người phù hợp với cách này, và bạn thì phù hợp với cách khác. Do đó, bạn có thể thử khám phá thêm các hoạt động khác giúp bạn thư giãn, dễ chịu, hoặc thảo luận với nhà tâm lý của bạn.
Lo âu là một phản ứng tự nhiên với những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, một số người lại không kiểm soát tốt trạng thái lo âu và họ thường phải chịu các triệu chứng cơ thể khó chịu kèm theo. Việc không kiểm soát này ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt thường ngày.
Leave a reply