Rối loạn nhịp tim là một tình trạng bất thường ở tim, tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào. Có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là một nhóm bệnh lý mà trong đó các xung điện điểu khiển và điều hòa nhịp tim không hoạt động như bình thường. Khi đó, người bệnh có nhịp tim bất thường, có thể tim đập quá nhanh (tần số >100 lần/phút), quá chậm (tần số < 60 lần/phút) hoặc không đều, nhịp tim bất thường lúc nhanh lúc chậm. Được phân loại dựa vào 3 yếu tố: Tần số, vị trí tâm thất hay tâm nhĩ và mức độ thường xuyên.
Thế nào là nhịp tim bình thường?
Nhịp tim của bạn thường được điều khiển bởi nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải. Từ nút xoang, các xung điện truyền qua tâm nhĩ, khiến các cơ nhĩ co lại và bơm máu vào 2 tâm thất. Các xung điện sau đó đước lan truyền đến một cụm tế bào gọi là nút nhĩ thất (nút AV) – con đường duy nhất truyền tín hiệu từ tâm nhĩ đến tâm thất. Khi các xung điện đến các cơ của tâm thất, làm cho tâm thất co lại và bơm máu đến phổi (từ tâm thất phải) hoặc đến phần còn lại của cơ thể (từ tâm thất trái).
Nhịp tim bình thường của người khỏe mạnh:
- Tần số tim lúc nghỉ dao động từ 60 – 100 chu kỳ/phút.
- Nhịp xoang bình thường sẽ không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đôi khi bạn cảm giác hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh trong một số hoàn cảnh như: Xúc cảm, lo lắng, sốt,… và những triệu chứng này sẽ nhanh chóng trở về bình thường.
Các loại rối loạn nhịp tim
Các bác sĩ phân loại rối loạn nhịp tim không chỉ theo nơi chúng bắt nguồn (tâm nhĩ hoặc tâm thất) mà còn theo tốc độ của nhịp tim mà chúng gây ra:
- Nhịp tim nhanh (tachycardia): Nhịp tim nghỉ ngơi nhanh hơn 100 nhịp mỗi phút.
- Nhịp tim chậm (bradycardia): Nhịp tim nghỉ ngơi dưới 60 nhịp mỗi phút.
Nhịp tim nhanh
Nhịp tim nhanh xuất phát từ tâm nhĩ
Bao gồm:
- Rung nhĩ, cuồng nhĩ: là nhịp tim nhanh không đều gây ra bởi các xung điện hỗn loạn trong tâm nhĩ. Rung nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch não, tắc mạch chi, mạch tạng…
- Hội chứng Wolff-Parkinson-White: xảy ra khi có thêm một đường dẫn truyền phụ giữa các buồng nhĩ và buồng thất của tim gây ra cơn nhịp tim nhanh và thường xuất hiện khi gắng sức hoặc xúc cảm. Con đường này có thể cho phép các tín hiệu điện đi qua giữa tâm nhĩ và tâm thất mà không đi qua nút AV, dẫn đến cơn nhịp tim nhanh.
Nhịp tim nhanh xuất phát từ tâm thất
Một số rối loạn nhịp nhanh hay gặp như sau:
- Nhịp tim nhanh thất: bắt nguồn từ các tín hiệu điện bất thường trong tâm thất. Nhịp tim nhanh làm cho tâm thất co bóp không hiệu quả để bơm đủ máu cung cấp cho các cơ quan cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, nhịp nhanh thất có thể dẫn đến rung thất, tử vong.
- Rung tâm thất: xảy ra khi các xung điện nhanh, hỗn loạn khiến tâm thất rung lên và không bơm được máu. Và có thể dẫn đến tử vong nếu tim không được phục hồi nhịp bình thường trong vài phút.
- Hội chứng QT kéo dài: là một rối loạn tim mang theo nguy cơ nhịp tim nhanh, hỗn loạn. Nhịp tim nhanh, gây ra bởi những thay đổi trong hệ thống điện của tim, có thể dẫn đến ngất xỉu, và đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp, nhịp tim của bạn có thể thất thường đến mức gây ra đột tử.
Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nhịp tim chậm phản ánh vấn đề sức khỏe bình thường và khỏe mạnh ví dụ như ngủ sâu, lúc nghỉ ngơi sau khi hoạt động thể lực.
Ngoài ra, một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng khác, chẳng hạn như huyết áp cao cũng có thể làm giảm nhịp tim của bạn.
Một số rối loạn nhịp tim chậm hay gặp như nhịp chậm xoang, bloc nhĩ thất, hội chứng suy nút xoang…
Nhịp tim sớm (ngoại tâm thu):
Ngoại tâm thu là tình trạng rối loạn nhịp tim rất hay gặp, bao gồm ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu thất. ngoại tâm thu có thể lẻ tẻ, không gây ra triệu chứng gì và không cần điều trị. Tuy nhiên một số trương hợp ngoại tâm thu nhiều có thể gây nên tình trạng rối loạn nhịp nặng, nguy hiểm.
Những biến chứng của rối loạn nhịp tim
Một số rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Tắc mạch: Khi rối loạn nhịp tim, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả, làm hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Nếu một cục máu đông vỡ ra, nó sẽ đi từ tim đến não của bạn, khiến máu không thể lưu thông và gây ra đột quỵ não, nếu gây tắc mạch các cơ quan gây ra nhồi máu thận, nhồi máu lách, nhồi máu mạc treo, hoặc tắc mạch chi gây hoại tử chi…
- Suy tim: Suy tim có thể xảy ra nếu tim bạn bơm máu không hiệu quả trong một thời gian dài do nhịp tim chậm hoặc nhịp tim nhanh, chẳng hạn như rung tâm nhĩ.
Nguyên nhân dẫn tới rối loạn nhịp tim
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nhịp tim, bao gồm:
- Một cơn đau tim đang xảy ra ngay bây giờ
- Sẹo mổ tim từ một cơn đau tim trước đó
- Thay đổi cấu trúc tim, chẳng hạn như từ bệnh cơ tim
- Bệnh động mạch vành
- Huyết áp cao
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
- Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
- Sử dụng các loại chất kích thích như rượu, cafein, hoặc thường xuyên hút thuốc
- Lạm dụng ma túy
- Sử dụng một số loại thuốc và chất bổ sung
- Bệnh tiểu đường
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Yếu tố di truyền
Những triệu chứng thường gặp
Rối loạn nhịp đôi khi không gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh đặc biệt là các bệnh lý rối loạn nhịp mãn tính khiến cho người bệnh có thể không cảm nhận thấy những triệu chứng mà nó gây ra, tuy nhiên bệnh lý rối loạn nhịp cũng có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng mà bạn cần phải biết.
Một số triệu chứng rối loạn nhịp tim đáng chú ý bao gồm:
- Đánh trống ngực – triệu chứng điển hình và hay gặp của bệnh lý rối loạn nhịp.
- Cảm giác đột ngột xuất hiện cơn khó thở – cảm giác khó chịu ở ngực đi kèm
- Chóng mặt do rối loạn nhịp tim
- Ngất xỉu – triệu chứng báo hiệu rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm.
Điều trị rối loạn nhịp tim
Phương pháp chuẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và xem qua tiền sử bệnh, đồng thời thăm khám sức khỏe của bạn. Bên cạnh đó, họ sẽ cần thực hiện thêm một số thử nghiệm để biết được khả năng hoạt động của tim. Các thử nghiệm đó có thể là:
- Đo điện tâm đồ (ECG)
- Siêu âm tim
- Cấy máy ghi điện tim vào trong cơ thể (implantable loop recorder)
Phương pháp điều trị
Không phải trường hợp nào người bệnh cũng cần phải điều trị y tế cho chứng loạn nhịp tim. Thông thường, tình trạng này sẽ cần điều trị nếu có nguy cơ bị rối loạn nhịp nghiêm trọng, hay gặp phải biến chứng nguy hiểm. Nếu có một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nhịp tim, chẳng như bị suy tim, bác sĩ sẽ tập trung điều trị vấn đề đó.
Những phương pháp có thể lựa chọn trong điều trị rối loạn nhịp tim gồm:
- Sử dụng thuốc: giúp giải quyết hoặc ngăn ngừa loạn nhịp tim hoặc kiểm soát nhịp tim. Cách thức này thường chỉ được lựa chọn trong điều trị nhịp tim nhanh vì chưa có loại thuốc nào cho thấy tác dụng làm tăng nhịp tim rõ ràng ở người có nhịp tim chậm.
- Sốc điện chuyển nhịp (cardioversion): một phương pháp điều trị sử dụng dòng diện để giúp cho nhịp tim quay trở về bình thường. Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ được gây mê.
- Cấy ghép máy tạo nhịp tim (pacemarker): một thiết bị nhỏ hoạt động bằng pin được cấy vào trong lồng ngực. Thiết bị này sẽ tạo ra các tín hiệu điện giống như tín hiệu tự nhiên từ tim khỏe mạnh để giúp tim đập ở tốc độ bình thường.
- Cấy máy khử rung tim (ICD): một thiết bị tương tự máy tạo nhịp tim, giúp theo dõi nhịp tim và làm tim đập trở lại nhịp bình thường bất cứ khi nào cần.
Phòng ngừa bệnh
- Chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch: Nên tăng cường ăn thật nhiều các loại trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, quả, và thịt gia cầm bỏ da, đậu và các sản phẩm không có chứa các chất béo. Hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, và cholesterol như là lòng đỏ trứng, hay các loại thịt đỏ. Nên ăn cắt giảm lượng muối và lượng đường.
- Chế độ luyện tập: Bạn có thể thường xuyên luyện tập một số bộ môn thể thao yêu thích, và quan trọng hơn là phải phù hợp với sức khỏe, tốt nhất là nên duy trì từ 30 – 45 phút mỗi ngày, ở mức độ đều đặn thường xuyên.
- Thay đổi lối sống: Dừng việc hút thuốc và tránh xa môi trường có chứa nhiều khói thuốc. Duy trì tốt trọng lượng khỏe mạnh, phải giảm cân (nếu có thừa cân, béo phì). Giảm cân sẽ giúp cho việc ổn định lại chỉ số cholesterol và huyết áp.
- Khi nhịp tim tăng nhanh hoặc có cảm giác khó chịu ở ngực, chếnh choáng,…, nên ngồi nghỉ ngay tại chỗ, tìm người hỗ trợ và đừng quên việc đến khám và tư vấn chuyên khoa tim mạch khi triệu chứng đó khiến bạn thực sự khó chịu và bị lặp lại nhiều lần.
- Học một số phương pháp giúp cho kiểm soát hơi thở và cả nhịp tim như hít sâu thở chậm sẽ giúp cho việc ổn định lại nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim không phân biệt độ tuổi, có thể gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, tầm soát tim mạch định kỳ, khám sức khỏe thường xuyên cực kỳ quan trọng trong việc phòng bệnh, nhất là ở người cao tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao.