Rối loạn sàn chậu là tình trạng không nguy hiểm tới tinh mạng, nhưng gây không ít phiền toái trong việc sinh hoạt như: tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, bế tắc đường tiết niệu dưới, táo bón, gây khó chịu vùng chậu, nhiễm khuẩn niệu tái phát và rối loạn chức năng tình dục như đau khi giao hợp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Sàn chậu nữ là gì?
Sàn chậu là khối cân cơ, dây chằng căng ra như tấm lưới lò xo từ trước ra sau khung xương chậu, nâng đỡ cho các cơ quan vùng bụng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng. Sàn chậu bình thường sẽ giúp các cơ quan này không sa ra khỏi cửa mình người phụ nữ và chức năng các cơ quan như sinh dục, đường tiểu dưới và tiêu hóa dưới hoạt động ổn định, đem lại cho chúng ta sự thoải mái trong mọi sinh hoạt, vận động và làm việc.
Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?
Rối loạn chức năng sàn chậu là tình trạng khi các khối cơ và dây chằng vùng sàn chậu bị lão hóa và không có khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí của nó nữa. Rối loạn chức năng sàn chậu có thể gây ra do yếu tố tuổi tác hoặc ảnh hưởng từ quá trình mang thai ở người phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, 1/3 phụ nữ sau sinh mắc chứng són tiểu trong đó 50% là phụ nữ trên 40 tuổi. Ngoài ra khoảng 40% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên bị sa các cơ quan vùng chậu, cụ thể cứ 5 người thì sẽ có 1 người bị sa trên 2 cơ quan (sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng).

Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây bệnh không được tìm thấy. Chấn thương vùng chậu (trong một tai nạn) và các biến chứng sau khi sinh tự nhiên có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng các cơ này.
Một số trường hợp bị rối loạn do những hành động lặp đi lặp lại gây căng thẳng đến các cơ sàn chậu khiến chúng không còn phối hợp hoạt động chính xác.
Ai có nguy cơ mắc các bệnh
Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc các bệnh lý về rối loạn chức năng sàn chậu, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng:
- Phụ nữ đã từng sinh con, sinh nhiều lần.
- Phụ nữ bị thiếu nội tiết tố, tiền mãn kinh.
- Phụ nữ béo phì.
- Phụ nữ có triệu chứng của bệnh lý sàn chậu: sa tử cung, són tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu khó hoặc bí tiểu, són hơi, đi đại tiện gấp, hoặc són phân, táo bón, đau khớp vệ, đau lưng.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn sàn chậu
Các triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu có thể bao gồm:
- Có cảm giác muốn đi vệ sinh nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn.
- Có cảm giác như chưa đi vệ sinh xong.
- Táo bón hoặc đau quặn do co thắt cơ trong khi đi vệ sinh.
- Tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ.
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên, có thể đi tiểu ngắt quãng.
- Đau khi tiểu tiện.
- Đau thắt lưng mà không tìm được nguyên nhân khác.
- Đau liên tục ở vùng chậu, bộ phận sinh dục hoặc trực tràng cả khi có hay không có nhu động ruột.
- Đau khi quan hệ tình dục.

Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước/ngày, kiểm soát cân nặng và có phương pháp giảm cân.
- Tập luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn.
- Kỹ thuật thư giãn như thiền, tắm nước nóng, tập yoga hay tập luyện thích hợp.
- Thuốc điều trị tại chỗ khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.
- Sử dụng vòng nâng Pessary điều trị sa tạng chậu, són tiểu.
- Phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.
Rối loạn chức năng sàn chậu tuy không đe dọa tính mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người chủ quan không đi khám và điều trị do tâm lý ngại ngùng, xấu hổ cũng như chưa nhận thức rõ được mức độ ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống về sau này. Việc này khiến bệnh trở nên ngày càng nặng, thậm chí gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy, khi bản thân chị em hay người thân có vấn đề nghi ngờ về rối loạn chức năng sàn chậu, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuân thủ lối sống khoa học để có sức khỏe lâu dài, nói không với bệnh tật bạn nhé!