Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh có khả năng gây ra các ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Hệ thần kinh thực vật còn được gọi với cái tên khác là hệ thần kinh tự chủ. Nó có cấu tạo bao gồm: hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Theo đó, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động đối lập nhưng cân bằng và thực hiện nhiệm vụ trong việc giúp điều hòa huyết áp, nhịp tim, đồng thời là hoạt động hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, thân nhiệt,…
Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh xảy ra khi xuất hiện tình trạng trong đó hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm bị mất cân bằng hoạt động, khiến nhiều cơ quan của cơ thể bị ảnh hưởng do chúng bị rối loạn hoạt động.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó cụ thể là do:
- Các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh Parkinson, bệnh thoái hóa thần kinh, một số bệnh tự miễn như loét dạ dày, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,…
- Điều trị bằng dùng thuốc, nhất là hóa trị ung thư.
- Nhiễm virus hay vi trùng do bệnh HIV, bệnh Lyme…
- Do yếu tố di truyền.
- Tuổi già cũng làm suy yếu đi hoạt động của các cơ quan.
- Tình trạng gặp phải áp lực, căng thẳng kéo dài, tâm lý bị rối loạn.
Triệu chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật
Với việc tác động đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, bệnh rối loạn thần kinh thực vật có các triệu chứng rất đa dạng. Trong đó, một số triệu chứng hay gặp phải của bệnh lý này được nêu ra ngay dưới đây.
- Tim đập nhanh bất thường, luôn có cảm giác hồi hộp làm người bệnh cảm thấy hốt hoảng, sợ hãi.
- Chóng mặt, choáng váng khi đứng hoặc khi thay đổi tư thế, dễ ngất xỉu.
- Khó thở, cảm giác hụt hơi, có thể tăng lên khi ở những nơi tập trung đông đúc nhiều người.
- Ở vùng ngực xuất hiện những cơn đau thắt hoặc đau nhói một cách bất ngờ khiến tạo cảm giác nghẹt thở ở người bệnh.
- Tay chân run, ra nhiều mồ hôi.
- Giấc ngủ bị rối loạn như thường xuyên mất ngủ, ngủ không được ngon, ngủ không sâu giấc,…
- Cơ thể cảm giác mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Không thể vận động mạnh.
- Tiểu khó, giảm cảm giác buồn tiểu, bí tiểu,…
- Tiêu hóa bị rối loạn như bị đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, chán ăn,…
- Mắt gặp khó khăn khi không nhìn rõ trong đêm do phản xạ đồng tử giảm.
- Cảm giác mất tự tin, lo âu, trầm cảm hoặc tính tình thay đổi như trở nên hay cáu gắt.
Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
Bệnh ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống và tâm lý của người bệnh. Nếu bệnh kéo dài dai dẳng sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi trầm trọng, trầm cảm, thậm chí có xu hướng tự tử.
Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến đổi tại các cơ quan trong cơ thể. Từ đó sẽ gây ra một số bệnh khác, cụ thể là:
- Bệnh Raynaud: Mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân co thắt lại khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Từ đó gây tím tái.
- Chứng đỏ đau đầu chi: Các đầu ngón tay, ngón chân sẽ bị đau, bỏng rát. Cơ đau tăng khi vận động hoặc gặp nhiệt độ nóng, giảm khi gặp lạnh.
- Bệnh cứng bì: Xuất hiện tổn thương ở động mạch, mao mạch nhỏ. Từ đó làm xơ cứng, tác nghẽn mạch máu ở da, ống tiêu hóa, tim, phổi, thận và các cơ quan khác. Trên cơ thể xuất hiện các mảng da bị xơ cứng, tẹo lại và hình thành sẹo với các dạng tròn, bầu dục, giọt nước, băng dài.
Chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật
Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ xem xét tới các yếu tố bệnh lý khác mà người bệnh đang gặp phải. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng và có thể chỉ định:
- Test thần kinh thực vật.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện.
- Phân tích nước tiểu, xét nghiệm chức năng bàng quang.
- Test phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định tính.
- Siêu âm.
Biện pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật không phải là một loại bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động. Rối loạn thần kinh thực vật không gây tử vong nhưng làm giảm hoạt động hoặc ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như: nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa…
Việc điều trị bệnh phải là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh (viêm não, …). Tuy nhiên, cho đến nay thì đa số chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh.
Về thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật, các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh nhu động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi.
Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.
Phòng tránh ối loạn thần kinh thực vật
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung rau quả, cá béo vào thực đơn. Hạn chế thức ăn mặn. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước trà đặc, thuốc lá. Chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Luôn sống vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng. Có nhiều cách giúp bạn giảm stress như: nghe nhạc, đọc sách, trò chuyện cùng bạn bè, ngồi thiền, tập thể dục…
- Tập luyện thể thao đều đặn. Mỗi ngày nên dành ra 30 phút để luyện tập. Các môn thể thao bạn có thể lựa chọn là: yoga, dưỡng sinh, thiền, đi bộ, bài tập thể dục.
- Tập trung điều trị các bệnh lý có nguy cơ gây rối loạn thần kinh tự động. Khám sức khỏe định kỳ.
Rối loạn thần kinh thực vật là một thuật ngữ còn khá xa lạ nhưng bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao và xuất hiện các dấu hiệu dù là mơ hồ hãy đi khám bác sĩ ngay.
Leave a reply