Rối loạn tiểu tiện thường gặp ở người mắc các bệnh liên quan đến hệ tiết niệu và người cao tuổi; gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và sức khỏe. Hiểu biết về rối loạn tiểu tiện giúp phòng ngừa tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Rối loạn tiểu tiện là gì?
Rối loạn tiểu tiện là sự mất kiểm soát bàng quang, là bệnh rối loạn thường gặp và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân, triệu chứng có thể từ nhẹ như rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi đến nặng như buồn tiểu là són tiểu không kịp đi nhà vệ sinh. Nếu rối loạn tiểu tiện ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của mình thì bệnh nhân nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Do bệnh lý
- Phì đại tuyến tiền liệt với nam giới: Người bệnh sẽ có các biểu hiện như tiểu khó, tiểu không hết, tia nước tiểu yếu.
- Viêm đường tiết niệu: Viêm bàng quang gây tình trạng kích thích đi tiểu liên tục, đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, khó chịu… Các triệu chứng này thường tái phát khi không được chữa trị triệt để.
- Sỏi tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo): Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tiểu đêm mất ngủ kèm theo là tiểu khó, tiểu đục, rát buốt, đau và mỏi lưng… cả ban ngày lẫn ban đêm.
- Một số bệnh lý nội khoa như đái tháo nhạt, đái tháo đường gây lợi niệu làm bệnh nhân tiểu nhiều.
Do chế độ sinh hoạt
- Thói quen uống nước nhiều vào buổi tối (nước canh, rượu bia, cà phê, trà…) làm tăng bài tiết nước tiểu, gây ra tình trạng tiểu đêm.
- Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu (điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, suy thận).
- Yếu tố tâm lý (căng thẳng, lo âu…): Tiểu tiện nhiều lần nhưng khi xét nghiệm nước tiểu, kết quả lại bình thường.
- Mang thai: Vì khi mang thai, thai phát triển ngày càng lớn, gây chèn ép bàng quang; do các nội tiết tố từ nhau thai tiết ra, làm tăng số lần đi tiểu.
- Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, chức năng cô đặc nước của thận ngày càng giảm (suy thận tuổi già), rối loạn thần kinh điều khiển bàng quang.

Tác động của rối loạn tiểu tiện đối với sức khỏe
Rối loạn tiểu tiện gây nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày:
- Người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu, đi vệ sinh liên tục gây ra những khó chịu, bất tiện và tự ti.
- Người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhân.
- Cảm giác đau buốt, rát và tiểu dắt mỗi khi đi tiểu.
Do đó, khi có những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán bệnh rối loạn tiểu tiện
Để chẩn đoán rối loạn tiểu tiện, người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử – bệnh sử, nhật ký đi tiểu, sau đó tiến hành thăm khám lâm sàng, thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu, đo niệu động học, đo niệu dòng đồ…
- Niệu động học: Là một phương pháp rất quan trọng trong việc chẩn đoán bất thường của bàng quang, cơ thắt bàng quang. Khi thực hiện, bạn sẽ được đặt 1 catheter có đầu cảm biến vào bàng quang và trực tràng để đo áp lực của bàng quang, ổ bụng và xác định hoạt động của bàng quang ở giai đoạn đổ đầy (giai đoạn tích trữ nước tiểu).
- Niệu dòng đồ: Là phương pháp giúp xác định chính xác hoạt động đi tiểu hàng ngày . Khi đánh giá, người bệnh sẽ được đi tiểu vào hệ thống bồn tiểu kết nối trực tiếp với máy giúp xác định được bất thường dòng tiểu, thể tích đi tiểu của bạn.
Điều trị bệnh rối loạn tiểu tiện
Nguyên tắc điều trị:
Việc điều trị thận ứ nước tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Bệnh nhân được xét nghiệm, phân tích kỹ càng, xác định rõ căn nguyên của bệnh rồi sau đó mới bắt đầu lựa chọn phương án điều trị tối ưu.
Phương pháp điều trị:
Một số cách điều trị bệnh hiệu quả:
- Dùng thuốc: Các loại thuốc được sử dụng: Chẹn alpha – adrenergic, kháng cholinergic,…
- Phẫu thuật: Khi điều trị bằng cách sử dụng thuốc không đáp ứng.

Khắc phục chứng rối loạn đi tiểu
- Cần hạn chế uống nước vào buổi tối để giảm việc đi tiểu về đêm. Bạn nên chia lượng nước uống nhiều vào ban ngày.
- Không sử dụng các loại thức uống chứa cồn (rượu, bia) vì sẽ làm lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.
- Hạn chế uống trà, cà phê vì các loại thức uống này có tác dụng như thuốc lợi tiểu.
- Hạn chế bổ sung các loại thực phẩm có tính axit (cam, chanh, bưởi, cà chua, khế, sấu…); thức uống có gas; những món ăn có gia vị cay, ngọt. Vì các nhóm thực phẩm này sẽ gây kích ứng bàng quang, khiến bạn phải đi tiểu nhiều lần hơn trong ngày.
- Với người bệnh rối loạn tiểu, nếu dùng thuốc để điều trị bệnh nào đó, bạn cũng nên thông báo với bác sĩ để tránh các loại thuốc gây lợi tiểu.
- Nếu đi tiểu nhiều lần do bệnh lý, người bệnh nên đi khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Tình trạng rối loạn tiểu tiện là chứng bệnh không quá nguy hiểm nhưng sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về tiểu tiện, bạn cần đi đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng nặng.
Leave a reply