Rong kinh – rong huyết là nỗi lo lắng của rất nhiều chị em phụ nữ, không những gây nhiều triệu chứng khó chịu đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh sản.
Rong kinh – rong huyết là gì?
Một chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ bình thường sẽ kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, khi bị rong kinh rong huyết thì thời gian kinh nguyệt sẽ kéo dài bất thường (trên 7 ngày) và lượng máu mất đi lên tới hơn 80ml/chu kỳ kinh nguyệt (trong khi bình thường mỗi chu kỳ sẽ chỉ mất khoảng từ 50 – 80 ml).
Hiện tượng rong kinh rong huyết có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chị em do lượng máu mất đi trong mỗi chu kỳ nhiều hơn bình thường. Điều này dẫn tới cơ thể thiếu máu, đồng thời đi kèm với một số triệu chứng khác như mệt mỏi, khó chịu, khó thở, chóng mặt, nhức đầu,… Ngoài ra khi lượng máu mất nhiều tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín, gây viêm nhiễm, lâu ngày hình thành bệnh lý phụ khoa .
Nguyên nhân gây rong kinh rong huyết
Có 2 nguyên nhân gây rong kinh rong huyết đó là:
- Rong kinh cơ năng: nguyên nhân này thường gặp ở đối tượng nữ giới trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ sau sinh hoặc phụ nữ tiền mãn kinh. Đây là những giai đoạn kinh nguyệt thường không ổn định dẫn đến chu kỳ kinh dài, ngắn bất thường, dễ gây ra tình trạng rong kinh. Ngoài ra phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, phá thai nhiều cũng là nguyên nhân gây ra rong kinh rong huyết.
- Rong kinh do nguyên nhân thực thể: Nguyên nhân rong kinh rong huyết này xảy ra do các tổn thương ở tử cung, buồng trứng của phụ nữ. Nói dễ hiểu hơn thì nguyên nhân này là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm như: polyp tử cung, đa nang buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung,…

Dấu hiệu của rong kinh – rong huyết
- Cơ thể xuất huyết nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài liên tục trên 7 ngày. Phụ nữ phải thay băng liên tục mỗi giờ 1 lần do kinh ra nhiều.
- Xuất hiện nặng diễn ra trong 2 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
- Kinh nguyệt thường ra nhiều vào ban đêm.
- Máu kinh ra nhiều và vón thành cục lớn.
- Hay bị đau bụng dưới khi đến kỳ kinh nguyệt.
- Cơ thể mệt mỏi, thở dốc và có triệu chứng thiếu máu do mất máu nhiều.
Hậu quả rong kinh gây ra
Không những khiến chị em khó chịu, mệt mỏi vào ngày “đèn đỏ”, rong kinh còn mang lại khá nhiều hệ lụy khác như:
- Thiếu máu: Rong kinh kéo dài khiến phái nữ bị mất máu nhiều, dẫn đến bệnh thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt,…Thiếu máu nếu không điều trị kịp thời, nữ giới còn phải đối mặt với rối loạn kinh nguyệt kéo dài.
- Gây viêm nhiễm phụ khoa: ra máu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, dễ gây viêm “cô bé”.
- Đau dữ dội: Cùng với chảy máu kinh nguyệt nặng, bạn có thể bị đau bụng kinh. Đôi khi chuột rút liên quan đến rong kinh rất nghiêm trọng và cần đến bệnh viện.
- Rong kinh còn là triệu chứng của một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang,… Nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
- Ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, gây tâm lý sợ sệt và lo lắng khi đến kỳ kinh.

Chẩn đoán rong kinh rong huyết bằng cách nào?
Những kỹ thuật y tế được sử dụng để chẩn đoán rong kinh là:
- Chẩn đoán dựa trên tiền sử, khám thực tế và xét nghiệm máu kiểm tra thiếu máu. Thiếu máu xảy ra khi phụ nữ mất máu quá nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt kéo dài.
- Siêu âm.
- Thử pap’s: bác sĩ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào hay không.
- Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung: lấy mẫu mô nội mạc tử cung để kiểm tra ung thư nếu nghi ngờ nguyên nhân gây rong kinh là do ung thư ở tử cung.
- Soi ổ bụng: quan sát các cơ quan trong bụng thông qua một đường rạch nhỏ.
- Chụp tử cung vòi trứng: đưa một chất cản quang vào tử cung và ống dẫn trứng để chụp và bác sĩ sẽ quan sát tử cung trên phim X-quang.
- Soi tử cung: sử dụng một ống kim loại có gắn máy ghi hình đưa qua cổ tử cung đến tử cung để quan sát.
Rong kinh rong huyết là tình trạng thường gặp và gây nhiều trở ngại đến sinh hoạt cá nhân của phụ nữ. Tình trạng này có thể là báo hiệu của bệnh phụ khoa hay bệnh toàn thân. Ngoài ra, nếu không được điều trị, rong kinh rong huyết còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu thiếu sắt hay ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Vậy nên, khi phát hiện tình trạng rong kinh cần được thăm khám để có biện pháp khắc phục hiểu quả.