Niềm vui có lẽ sẽ nhân lên gấp bội khi bạn biết mình mang đa thai, nhưng kèm theo đó là những rủi ro bạn phải đối mặt trong hành trình sắp tới. Hãy tìm hiểu kỹ về những biến chứng có thể gặp phải để có một thai kỳ khỏe mạnh và an yên.
Đa thai là gì?
Là khi trong bụng có hơn một em bé. Hai, ba, bốn, thậm chí năm bé chia nhau ngôi nhà nhỏ là tử cung của Mẹ. Mang thai tự nhiên cũng có; sau khi điều trị hiếm muộn cũng có. Đứng về phía bác sĩ, thật lòng chỉ mong mỗi bà mẹ mang một em bé trong bụng. Cái đó là tự nhiên nhất, là ít rủi ro nhất.
Rủi ro khi mang đa thai
Mẹ bầu còn có thể gặp những nguy cơ như sau:
- Sảy thai: Phổ biến nhất trong số các rủi ro khi mang đa thai là sảy thai. Nguy cơ này thường xảy ra trong 3 tuần đầu của thai kỳ, khi mẹ bầu thấy có triệu chứng ra máu kèm co thắt.
- Sinh non: Một trong những rủi ro thường gặp khi mang đa thai là sinh non. Khi sinh non, bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe do các cơ quan chưa hoàn thiện.
- Thiếu máu: Một rủi ro khác của đa thai là người mẹ dễ bị thiếu máu hơn so với người mẹ mang đơn thai.
- Tăng huyết áp: Những phụ nữ mang thai đôi, thai ba… có nguy cơ tăng huyết áp gấp 2 lần so với người chỉ mang thai đơn. Huyết áp cao kéo theo nguy cơ nhau bong non – biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.
- Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Hầu hết những mẹ mang đa thai đều xét nghiệm mắc tiểu đường thai kỳ. Những người mẹ trên 35 tuổi hoặc gia đình bị tiểu đường thì nguy cơ mắc tiểu đường càng cao.
- Xuất huyết: Diện tích nhau thai lớn và tử cung phải căng lên vì nhiều thai làm tăng nguy cơ xuất huyết khi sinh.
- Phải mổ lấy thai: Sinh thường ít rủi ro hơn so với sinh mổ. Trong trường hợp mang đa thai, các vị trí của thai sẽ làm tăng tỷ lệ phải sinh mổ lấy thai và dẫn tới nhiều biến chứng ở thời điểm chuyển dạ.
- Em bé có nguy cơ bị các khiếm khuyết bẩm sinh: Những em bé đa thai có nhiều nguy cơ bị khuyết tật bẩm sinh hơn. Một trong số này bao gồm khuyết tật ống thần kinh, hoặc những bất thường ở hệ tiêu hóa và hệ tim mạch,…/.
Sanh thường hay sanh mổ an toàn hơn?
Việc chọn lựa phương pháp sanh tuỳ thuộc vào:
- Vị trí, ngôi thai.
- Cân nặng mỗi thai.
- Sức khoẻ của mẹ – sức khoẻ của thai.
Không có phương pháp nào an toàn tuyệt đối hơn phương pháp nào, và bác sĩ có trách nhiệm thảo luận và chọn lựa phương pháp thích hợp.
Ngăn ngừa rủi ro khi mang thai
Việc xác định sớm tình trạng mang thai song sinh và liệu các thai nhi có cùng trứng hay không sẽ giúp bác sĩ của bạn có nhiều thời gian để phát hiện, theo dõi và điều trị bất kỳ biến chứng khi mang thai đôi nào có thể phát sinh.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến những vấn đề sau để trải qua những tháng thai kỳ an toàn nhất có thể:
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong thai kỳ.
- Tìm hiểu rõ về dấu hiệu của các biến chứng có thể gặp phải.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp khi mang thai.
- Uống đủ nước hàng ngày.
- Tập luyện trong thai kỳ với các bài tập nhẹ như yoga, đi bộ, pilates hoặc bơi lội.
- Cầu dưỡng thai tại giường vào một vài thời điểm trong thai kỳ để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai đôi nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không có chỉ định của bác sĩ, bạn không nên thực hiện điều này.
Một số phụ nữ có thai mang thai song sinh trải qua thai kỳ khá tốt đẹp. Họ không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro cũng như biến chứng nào. Tuy nhiên, tìm hiểu về các biến chứng khi mang thai đôi vẫn là một việc làm cực kỳ cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn và thai nhi.