Run vô căn là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi run không kiểm soát ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Các phần cơ thể thường bị ảnh hưởng là tay, cánh tay, đầu, thanh quản, lưỡi, cằm. Run vô căn không phải một rối loạn đe dọa tính mạng trừ khi run khiến cho người đó không thể tự chăm sóc cho bản thân mình.
Bệnh run vô căn (run chân tay) là bệnh gì?
Bệnh run vô căn (hay còn gọi là bệnh run chân tay hoặc run không rõ nguyên nhân) là sự co cơ theo nhịp không có chủ ý. Run vô căn có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể, nhưng thường xuất hiện nhất là ở bàn tay, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng thực hiện những hành động đơn giản như cầm ly nước, buộc dây giày, viết chữ hoặc cạo râu. Run vô căn cũng thường ảnh hưởng đến đầu, giọng nói, cánh tay và chân.
Mặc dù run vô căn là một căn bệnh lành tính, tuy nhiên bệnh vẫn có thể nặng hơn theo thời gian và có thể trở nên nghiêm trọng ở một số người. Run vô căn không do các bệnh lý khác gây ra, mặc dù thường bị nhầm lẫn là triệu chứng của bệnh Parkinson.
Nguyên nhân gây bệnh ru vô căn
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của tình trạng run vô căn vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chứng run vô căn là do tổn thương thần kinh ở một số phần của não bộ gây ra tình trạng tăng động không kiểm soát và gây ra run.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng có hơn 50% số ca run vô căn là do đột biến gen. Có 2 loại gen được xác định gây ra bệnh run vô căn là ETM1 và ETM2. Đây là nghiên cứu cho thấy rằng có thể gen đóng một vài trò quan trọng trong việc gây ra tình trạng run vô căn.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị run vô căn bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu ba mẹ của bạn có đột biến gen gây ra run vô căn, bạn có 50% nguy cơ cũng sẽ bị run vô căn.
- Lớn hơn 65 tuổi: Run vô căn thường xuất hiện ở bệnh nhân trên 65 tuổi.
- Gia định có người bị run vô căn.
- Bị stress, mệt mỏi, lo âu.
- Thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh.
- Sử dụng đồ uống có caffeine.
- Hút thuốc lá.
Triệu chứng run vô căn
Những triệu chứng của run vô căn là:
- Run theo kiểu gật đầu hoặc lắc đầu.
- Run miệng ảnh hưởng tới giọng nói, có thể kèm theo giật nhẹ mí mắt, môi, hoặc tại mũi.
- Run ở các bộ phận trên cơ thể nhất là ở bàn tay và cánh tay.
- Khó khăn khi viết, vẽ, cầm, nắm và sử dụng các dụng cụ sinh hoạt khác vì cơn run tay.
- Không kiểm soát được tình trạng run trong thời gian ngắn.
- Tình trạng run nặng lên khi hoạt động, căng thẳng hoặc sử dụng chất kích thích.
- Khó nhai và nuốt khi ăn.
Bệnh run vô căn có nguy hiểm không?
Bệnh run vô căn không gây ra những nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hay các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, vì chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nên vẫn tiềm tàng mối nguy hiểm và chưa có phương pháp chữa khỏi dứt điểm căn bệnh này.
Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại khiến cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị khó khăn như khó cầm nắm bát cơm, ly nước hay các hoạt động giao tiếp xã hội đều trở nên cực kỳ bất tiện. Từ đó khiến cho họ mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, sống khép kín và lâu dần sẽ tích tụ và gây ra các hội chứng, căn bệnh nguy hiểm.
Một số yếu tố khiến cho bệnh run vô căn bị trở nên trầm trọng hơn bao gồm:
- Khi người bệnh bị stress, căng thẳng kéo dài.
- Khi người bệnh bị thiếu năng lượng do chế độ ăn quá ít dinh dưỡng hoặc nhịn đói lâu.
- Do nhiệt độ môi trường quá lạnh hoặc quá nóng.
- Do người bệnh lạm dụng các chất kích thích như: thuốc lá, bia, rượu, trà đặc, cà phê.
Biến chứng nguy hiểm của run vô căn
Run vô căn không đe dọa tính mạng nhưng các triệu chứng thường xấu dần theo thời gian. Nếu run trở nên nghiêm trọng hơn, bạn có thể gặp khó khăn trong các hoạt động đời sống như:
- Giữ một ly nước mà không bị đổ.
- Ăn uống như người bình thường.
- Trang điểm hoặc cạo râu.
- Nói chuyện nếu như lưỡi hoặc thanh quản của bạn bị ảnh hưởng.
- Viết chữ.
Chẩn đoán run vô căn
Để chẩn đoán run vô căn, bác sĩ sẽ cần khai thác bệnh sử. tiền căn gia đình và các triệu chứng của bạn, đồng thời sẽ tiến hành thăm khám. Một số thăm khám thần kinh như:
- Phản xạ gân cơ.
- Đánh giá sức cơ.
- Dáng đi.
- Phối hợp động tác.
- Khám cảm giác.
Để đánh giá run bác sĩ có thể yêu cầu bạn
- Uống một ly nước.
- Giữ thẳng bàn tay.
- Viết.
- Hoặc vẽ vòng xoắn ốc.
Xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ các nguyên nhân gây run, bao gồm:
- Bệnh tuyến giáp.
- Các vấn đề về trao đổi chất.
- Tác dụng phụ của thuốc.
Chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI) để loại trừ những nguyên nhân như viêm não, u não,…
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Điều trị bằng thuốc
Các cơn run nhẹ có thể không cần phải điều trị miễn là chúng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng hoạt động. Đối với các cơn run nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phải được điều trị bằng các phương pháp như:
- Thuốc ức chế beta như propranolol (loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất), đây là loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, nhưng cũng có thể giúp làm giảm các cơn run vô căn ở một số nguời.
- Các loại thuốc chống động kinh như primidone, gabapentin, topiramate cũng có thể được sử dụng.
- Các loại thuốc an thần nhẹ như prazolam và clonazepamcó thể được sử dụng nếu lo lắng hoặc căng thẳng khiến cho các cơn run trở nên tồi tệ hơn.
- Nếu thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp tiêm độc tố botulinum.
Vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể đề nghị bạn tập vật lý trị liệu. Nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập để cải thiện sức cơ, kiểm soát và phối hợp vận động.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu chứng run của bạn trở nên nghiêm trọng và không đáp ứng với thuốc.
Run vô căn có thể gây ra những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Có thể không ảnh hưởng gì đến đời sống nhưng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho một người trở nên tàn phế. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp bạn hòa nhập với cuộc sống. Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo. Vui lòng đi khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu trên.
Leave a reply