Rung thất là một trường hợp khẩn cấp yêu cầu chăm sóc y tế trực tiếp. Một người bị rung thất sẽ mất ý thức trong vòng vài giây và nhanh chóng sẽ ngừng thở hoặc mất mạch.
Rung thất là bệnh gì?
Rung thất, còn gọi là rung tâm thất, là tình trạng tim đập nhanh bất thường, xung điện rối loạn khiến cơ tim ở tâm thất rung lên với tần số cao hơn bình thường nhiều lần, không có giá trị bơm máu ra động mạch như co bóp thông thường. Rung thất xảy ra khiến máu không được bơm tốt đến các cơ quan trong cơ thể khiến chúng nhanh chóng rối loạn và dẫn tới tử vong.
So với các rối loạn nhịp tim khác, rung thất là cấp cứu y tế nguy hiểm bởi bệnh tiến triển nhanh, có thể khiến người bệnh mất ý thức trong vài giây. Tình trạng nặng hơn khiến người bệnh mất mạch hoặc ngừng thở, gây tử vong nếu không can thiệp y tế kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh rung thất
Nguyên nhân của rung thất không phải lúc nào cũng được tìm ra, nhưng đa số bắt nguồn từ nhịp nhanh thất và các vấn đề tại tim, ngoài tim khác…
Nguy cơ bị rung thất
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rung thất, bao gồm:
- Tiền sử trước đó có rung thất.
- Một cơn đau tim trước đó.
- Khuyết tật tim bẩm sinh.
- Bệnh cơ tim.
- Thương tích gây thiệt hại đến cơ tim, chẳng hạn như điện giật.
- Sử dụng các loại thuốc không phù hợp, chẳng hạn như cocaine hoặc methamphetamine.

Triệu chứng của bệnh rung thất
Dấu hiệu phổ biến nhất của rung tâm thất là mất ý thức.
Một tình trạng sức khỏe trong đó tâm thất đập quá nhanh có thể dẫn đến rung thất. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của tình trạng này bao gồm:
- Đau ngực.
- Nhịp tim nhanh.
- Chóng mặt.
- Buồn nôn.
- Thở nông.
Rung tâm thất có nguy hiểm không?
Rung tâm thất là nguyên nhân thường gặp nhất gây đột tử do tim. Nhịp tim nhanh và thất thường của tình trạng sẽ khiến tim đột ngột ngừng bơm máu vào cơ thể. Cơ thể thiếu máu càng lâu, nguy cơ tổn thương não và các cơ quan khác càng lớn. Tình trạng tử vong có thể xảy ra trong vòng vài phút.
Tình trạng này phải được điều trị ngay lập tức bằng khử rung tim, gây sốc điện cho tim và phục hồi nhịp tim bình thường. Tỷ lệ biến chứng lâu dài và tử vong liên quan trực tiếp đến tốc độ khử rung tim.
Chuẩn đoán bệnh rung thất
Đa phần rung thất được chẩn đoán trong tình huống khẩn cấp, vì thế bác sĩ thường lựa chọn các kĩ thuật chẩn đoán nhanh như:
- Kiểm tra mạch: Người bệnh rung thất bị mất mạch hoàn toàn.
- Theo dõi điện tâm đồ tim: Bác sĩ sẽ sử dụng máy theo dõi tim để đọc các xung điện, từ đó sẽ cho thấy tim có đang đập và đập bình thường hay không.
Để tìm ra các nguyên nhân gây rung thất, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm:
- Điện tâm đồ: Để theo dõi hoạt động của tim, các tổn thương cơ tim nếu có, nhịp tim bình thường hay bất thường.
- Đo men tim: Khi cơn đau tim xảy ra, một số men tim sẽ đi vào máu, làm gia tăng nồng độ trong máu như men troponin I hoặc troponin T và men CK. Xét nghiệm này giúp xác định mức độ tổn thương của tế bào cơ tim.
- Chụp X-quang ngực: Để xem xét các bất thường trong mạch máu của tim và bóng tim có to hơn bình thường hay không.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim cho những hình ảnh động về tim, giúp bác sĩ xác định bệnh lý liên quan tới cấu trúc tim.
- Chụp động mạch vành qua ống thông: Việc thông tim cho thấy các mạch máu và sự tuần hoàn bên trong trái tim khi tim đập, giúp bác sĩ phát hiện các vị trí tắc nghẽn của động mạch vành.
Biện pháp điều trị rung thất
Điều trị tùy chọn có thể gồm:
- Thuốc.
- Máy khử rung tim (ICD).
- Ống đỡ động mạch vành.
- Phẫu thuật.
- Cắt bỏ nhịp nhanh thất.

Phòng ngừa bệnh rung thất
Một chế độ sinh hoạt phù hợp cũng có thể giúp bệnh tránh xa nguy cơ tái phát căn bệnh này. Bao gồm
- Sử dụng các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây, ngũ cốc, các loại protein nạc, tránh xa các loại gia vị như muối, đường hay mỡ động vật.
- Tập luyện thể thao một cách điều độ, thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút bằng cách đi bộ hoặc bài tập vừa sức khác.
- Không sử dụng thuốc lá, đồ uống chứa cồn.
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.
- Kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol bằng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Rung thất là tình trạng nguy hiểm, làm giảm lưu lượng máu nuôi đến các cơ quan, đặc biệt là não. Vì thế ngay khi có triệu chứng bệnh, cần sớm đưa người bệnh đi cấp cứu để can thiệp kịp thời, hiệu quả.