Sa dây rốn (dây nhau) là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa dây rốn ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không được cấp cứu kịp thời tình trạng sa dây rốn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Sa dây rốn là gì?
Sa dây rốn là tình trạng dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai. Lúc này dây rốn sẽ sa xuống cổ tử cung, chui vào trong ống sinh trước cả thai nhi. Điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu, làm cho em bé không nhận được đủ lượng máu và oxy.
Sa dây rốn là biến chứng thường gặp xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc rốn bị sa, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ.
Các trường hợp thường gặp:
- Sa dây rốn: Dây rốn nằm trước ngôi thai khi màng ối vỡ ( Nguy hiểm nhất).
- Sa dây rốn trong bọc ối: Dây rốn nằm trước ngôi thai khi màng ối còn nguyên.
- Sa dây rốn bên: Dây rốn nằm ở một bên ngôi thai. Thăm khám đôi khi không phát hiện được. Trên lâm sàng thấy nhịp tim thai chậm, khi đẩy đầu lên hoặc thay đổi tư thế người mẹ nhịp tim thai về bình thường.
Sa dây rốn thường xảy ra ở giai đoạn nào?
Tình trạng rốn bị sa thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ, khoảng sau tuần thứ 38 khi thai nhi bắt đầu di chuyển nhiều. Đặc biệt thường xuất hiện nhiều nhất ở quá trình chuyển dạ.
Tình trạng này dễ gây suy thai khi mẹ chuyển dạ. Nếu không được xử lý kịp thời, thường là trong vòng 30 phút có thể gây nguy hiểm đối với thai nhi, thậm chí gây tử vong.

Nguyên nhân khiến dây nhau bị sa
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây nhau, có thể kể đến như:
- Nguyên nhân từ phía người mẹ: Những thai phụ sinh nở nhiều lần khiến sự bình chỉnh của ngôi thai không tốt gây nên tình trạng ngôi bất thường, có khối u tiền đạo, khung xương chậu bị méo hoặc hẹp…
- Nguyên nhân từ phía thai nhi: Thai nhi gặp tình trạng ngôi bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược…) do ngôi thai không tì được vào cổ tử cung. Ngoài ra, việc bé hiếu động quá mức cũng có thể gây ra tình trạng sa dây nhau.
- Nguyên nhân từ phần phụ của thai: Dây rốn dài bất thường, đa ối, nhau thai bám thấp, vỡ ối non đột ngột khiến dây rốn bị sa theo.
Thai phụ nào dễ bị sa dây rốn
Phụ nữ mang thai ai cũng có nguy cơ bị sa dây rốn. Tuy nhiên, nếu bạn là một trong những đối tượng dưới đây thì nguy cơ gặp phải tình trạng này sẽ cao hơn:
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông.
- Dây rốn bám rìa dưới.
- Tử cung bất thường, nhau thai bám thấp.
- Sinh quá nhiều lần.
- Người có khung chậu hẹp hoặc khung chậu méo.
- Dây rốn quá dài.
- Vỡ ối đột ngột.
Dấu hiệu nhận biết sa dây nhau
Tình trạng này rất nguy hiểm khi cuống rốn bị chèn giữa thành chậu hông và ngôi thai, hoặc thậm chí sa hẳn ra khỏi âm đạo, gây suy thai cấp. Thai có thể sẽ chết trong khoảng 30 phút nêu không mổ lấy thai ra kịp thời. Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng sa dây nhau thường gặp khi chuyển dạ như:
- Nhìn thấy thông qua siêu âm.
- Nếu chưa vỡ ối, mẹ bầu cảm thấy có dây rốn ở trong âm đạo.
- Sau khi vỡ ối, mẹ bầu nhìn thấy được dây rốn thò ra ngoài âm đạo kèm theo nước ối hoặc nhân viên y tế nhìn thấy khi khám cho mẹ.

Điều trị sa dây rốn
Một trong những phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất là truyền ối. Truyền ối là quá trình đưa dung dịch muối ở nhiệt độ phòng vào tử cung trong thời gian chuyển dạ nhằm làm giảm áp lực khiến dây rốn bị nén.
Nếu dây rốn chỉ bị nén ít thì phương pháp điều trị là tăng lượng oxy cung cấp cho người mẹ để làm tăng lượng máu truyền qua rốn. Nếu bị nặng, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem bé có rơi vào tình trạng nguy hiểm hay không. Nếu có thì cần phải được can thiệp ngay.
Nếu bé có dấu hiệu suy thai hoặc nhịp tim của bé bỗng giảm đột ngột thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho bé.
Sa dây rốn có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí cướp đi sinh mạng bé nhỏ của thai nhi nên mẹ cần khám thai định kỳ thường xuyên. Nhất là đối với những mẹ bầu nằm trong đối tượng có nguy cơ cao, từ tuần 38 mẹ nên đi kiểm tra thường xuyên. Để an toàn hơn, mẹ có thể lưu viện để được theo dõi sát sao cho đến khi sinh con an toàn.