Sai khớp xảy ra khi các đầu xương bị lệch hoặc bật ra khỏi ổ khớp do chịu lực tác động mạnh từ bên ngoài. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là khớp vai, khớp gối và khớp ngón tay.
Sai khớp là gì?
Sai khớp hay trật (tên tiếng Anh là Dislocation) là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Sai khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng thường gặp nhất ở các khớp hoạt dịch.
Nguyên nhân gây sai khớp
Sai khớp xảy ra khi khớp phải chịu một tác động lớn do té ngã hoặc va chạm mạnh trong lúc chơi thể thao, lao động hay đơn thuần chỉ là di chuyển hoặc thực hiện các sinh hoạt đời thường. Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể bị sai khớp, trong đó nhóm đối tượng có nguy cơ cao phải kể đến:
- Vận động viên.
- Người lớn tuổi.
- Trẻ em trong độ tuổi cần sự giám sát của người lớn.
- Người không tuân thủ luật an toàn khi tham gia giao thông.
- Người có dây chằng lỏng lẻo bẩm sinh.
- Người làm công việc trên cao.
Một số trường hợp bị sai khớp có thể là do mang vác nặng hoặc thay đổi chuyển động đột ngột. Chính bởi vậy, chủ động bảo vệ xương khớp trước mọi cử động và hoạt động là cách giảm thiểu rủi ro trật khớp tối ưu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Sai khớp
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Sai khớp, bao gồm:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi (đặc biệt là trên 65 tuổi) có nguy cơ cao bị sai khớp hơn do xương khớp, các cơ, gân bắt đầu lão hóa và khả năng vận động bị suy giảm; trẻ em dễ bị sai khớp do năng động, đứng chưa vững…
- Đang mắc phải các bệnh về cơ xương khớp (hội chứng Ehlers – Danlos, viêm khớp…).
- Yếu tố môi trường (mưa gió làm tăng nguy cơ té ngã và tai nạn giao thông…).

Dấu hiệu và triệu chứng của sai khớp
Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của sai khớp có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tổn thương:
- Đau, đặc biệt là mỗi khi cử động.
- Bầm tím và sưng, tê ở nơi bị tổn thương.
- Khớp không ổn định và không cử động được.
- Khớp bị biến dạng.
Biến chứng nguy hiểm của trật khớp
Khớp bị trật nếu được điều trị sớm sẽ phục hồi hoàn toàn sau vài tuần. Nhưng nếu không được chữa trị đúng cách, trật khớp có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng sau:
- Rách cơ, dây chằng và gân ở khớp bị chấn thương.
- Tổn thương dây thần kinh và mạch máu trong hoặc xung quanh khớp.
- Nguy cơ tái trật khớp, thậm chí trật khớp lặp lại nhiều lần.
- Gia tăng nguy cơ viêm khớp khi về già.
Riêng phần khớp vai bị trật chữa trị chậm trễ hoặc sai cách có thể làm mất cảm giác vùng cơ delta, dẫn đến liệt cánh tay. Để tránh những biến chứng nguy hiểm này, bạn cần điều trị trật khớp sớm tại những bệnh viện chuyên khoa uy tín.
Biện pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sai khớp
Bác sĩ có thể chẩn đoán sai khớp bằng cách quan sát độ biến dạng khớp ở khu vực bị thương, cách bệnh nhân cử động khớp và hỏi về nguyên nhân chấn thương.
Để chẩn đoán chính xác hơn và xác định mức độ nghiêm trọng của sai khớp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang hoặc MRI vùng bị thương.
Phương pháp điều trị sai khớp hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Chườm đá để giảm đau và hạn chế di chuyển khớp bị thương đến khi gặp bác sĩ.
Bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp bạn nắn khớp về vị trí cũ. Sau đó, bạn có thể phải sử dụng đến đai, nẹp để cố định khớp hoặc bó bột nếu bị gãy xương cho đến khi lành hoàn toàn.
Thuốc giảm đau có thể được chỉ định để làm dịu cơn đau.
Tập các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường sự dẻo dai của cơ và dây chằng.
Một số trường hợp sau có thể phải cần phải phẫu thuật:
- Không thể nắn khớp về vị trí cũ được.
- Sai khớp có ảnh hưởng đến mạch máu và dây thần kinh.
- Sai khớp có ảnh hưởng đến xương, làm rách cơ hoặc dây chằng.
- Một khớp bị trật nhiều lần có thể cần phải phẫu thuật thay khớp.

Cách phòng ngừa trật khớp
Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ trật khớp bằng cách bảo vệ xương khớp khỏi chấn thương do chịu lực tác động mạnh từ những hành động thiết thực như:
- Tránh vấp ngã: Thường xuyên kiểm tra mặt sàn, ánh sáng trong không gian sống để loại bỏ nguy cơ vấp ngã, nhất là nhà tắm. Nếu mắt nhìn không rõ nên đi khám để cải thiện thị lực.
- Mặc đồ và dụng cụ bảo hộ: Khi tham gia thể thao hoặc làm các công việc trên cao hay ở công trường, cần mặc đồ bảo hộ để giảm lực tác động khi có va chạm.
- Tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông: Luôn cài dây an toàn, kiểm soát tốc độ và bảo dưỡng xe cộ định kỳ để phòng tránh tai nạn.
- Tập luyện thể chất điều độ: Thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai của xương khớp một cách điều độ.
Sai khớp hay rật khớp là chấn thương rất thường gặp trong sinh hoạt, thể thao,… và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Các tổn thương ở khớp tuy không gây nguy hiểm đến tình mạng nhưng chúng sẽ khiến cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Thay đổi thói quen sinh hoạt và rèn luyện thể chất sẽ giúp phòng tránh được đáng kể các nguy cơ dẫn đến chấn thương.
Leave a reply