Sản dịch sau sinh là hiện tượng bình thường sau sinh, tuy nhiên điều này khiến phụ nữ cảm giác vô cùng khó chịu, nhất là khi sản dịch kéo dài.
Sản dịch là gì?
Sản dịch là dịch nhầy chảy ra từ âm đạo sau khi phụ nữ sinh, dù sinh thường hay sinh mổ. Khi nhau thai bong khỏi tử cung khiến các mạch mau tại nơi nhau thai và tử cung tiếp xúc mở ra, lượng máu chảy vào tử cung rồi chảy ra ngoài qua âm đạo. Các mẹ không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường.
Sản dịch cũng thay đổi màu sắc trong vài ngày. Những ngày đầu, sản dịch chứa nhiều máu và thường có màu đỏ tươi. Khoảng 2 đến 4 ngày sau khi sinh, sản dịch sẽ có nhiều nước hơn và ra ít hơn, có màu hồng nhạt. Sau khoảng 10 ngày, sản dịch chuyển sang màu vàng hoặc trắng vì có các tế bào bạch cầu và các tế bào từ niêm mạc tử cung.
Nguyên nhân gây ứ sản dịch sau sinh
Ứ sản dịch sau sinh có thể do một vài nguyên nhân dưới đây gây nên:
- Sinh mổ: Thông thường, quá trình sinh mổ sẽ khiến sản phụ bị mất nhiều máu hơn so với sinh thường. Hơn nữa, em bé không chui qua cổ tử cung, cũng nhiều trường hợp chưa xuất hiện chuyển dạ nên tử cung co bóp kém hơn khiến cho sản dịch bị đẩy ra ngoài chậm và ít, dễ bị ứ đọng trong tử cung.
- Biến chứng sau sinh: Một vài vấn đề xảy ra trong và sau sinh như thai to, đa ối, quá trình chuyển dạ kéo dài… có thể khiến sản phụ dễ bị ứ sản dịch.
- Mất nhiều máu: Mất máu là điều hiển nhiên trong quá trình sinh dù là sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, những trường hợp mất máu quá nhiều sẽ khiến tử cung co bóp kém, thậm chí nhiều trường hợp tử cung không thể co bóp nên không đẩy được sản dịch ra ngoài, gây ứ đọng.
- Chế độ hậu sản không đảm bảo: Sau sinh, nếu sản phụ nằm một chỗ lâu ngày, không vận động hoặc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ sẽ dẫn đến nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ bị ứ sản dịch sau sinh.
- Nguyên nhân khách quan: Ngoài những nguyên nhân trên, trường hợp sức khỏe sản phụ yếu, trương lực cơ tử cung kém hay cổ tử cung bị đóng kín cũng sẽ không đẩy được sản dịch ra ngoài.

Nhận biết sản dịch bất thường
Sản dịch có màu đỏ kèm mùi hôi khó chịu kéo dài nhiều ngày. Thỉnh thoảng trong sản dịch có lẫn cục máu tươi có khả năng lẫn dịch nhau thai hoặc nguy cơ bị ung thư thượng bì màng lông.
- Lượng máu ra ồ ạt quá nhanh có thể dẫn tới băng huyết.
- Sản dịch ra rất ít hoặc không có rất có thể là hiện tượng bể sản dịch (sản dịch vẫn còn trong tử cung).
- Sản dịch kéo dài kèm các triệu chứng như bị sốt, đau bụng,…
Vì sao sản dịch sau sinh có mùi hôi?
Ban đầu, sản dịch sẽ ra rất nhiều và có màu đỏ tươi, có thể xuất hiện cục máu trong đó. Màu sản dịch sau sinh sẽ thay đổi dần dần thành màu hồng và sau đó đến màu nâu, cuối cùng chuyển sang màu vàng – trắng.
Ngay sau sinh, sản dịch ra nhiều nhất. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng nếu thấy lượng máu tăng lên quá nhiều. Điều này có thể cho thấy bạn đang hoạt động khá nhiều và cần nghỉ ngơi.
Tuy nhiên nếu sản dịch sau sinh có mùi hôi thì tính trạng này rất có thể xuất phát từ việc vùng kín của bạn đang bị nhiễm trùng. Do vậy khi thấy sản dịch có mùi hôi bất thường, hãy đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Cách chăm sóc phụ nữ sau sinh trong quá trình ra sản dịch
- Tăng cường nghỉ ngơi: Phụ nữ sau sinh cần quan tâm chăm sóc phục hồi cơ thể, tránh để gặp vấn đề về hậu sản như nhiễm trùng, băng huyết, sa tử cung… Cần có chế độ nghỉ ngơi thích hợp, tránh vận động quá sức.
- Vận động nhẹ nhàng: Sau sinh các mẹ chú ý chỉ nên nằm nghỉ ngơi trong 8 giờ đầu tiên, sau đó đi lại, vận động nhẹ nhàng để giúp co dạ con lại, đẩy nhanh sản dịch ra ngoài, rút ngắn quá trình hậu sản.
- Tích cực cho bé bú mẹ: Khi bé bú, tử cung sẽ nhanh co hơn, từ đó quá trình tống sản dịch ra ngoài cũng nhanh hơn, giúp rút ngắn thời gian xuất hiện sản dịch.
- Dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Sau sinh, bà mẹ mất máu mà mất sức nhiều nên cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nhanh hồi phục sức khỏe. Sản phụ nên bổ sung các thực phẩm hỗ trợ tăng co bóp tử cung, giúp tống sản dịch ra ngoài và thực đơn hàng ngày như rau ngót, dứa,…
- Tránh dùng tampon sớm: Hạn chế dùng tampon tránh gây nguy cơ nhiễm trùng trong thời gian 1 tháng rưỡi đầu tiên, đặc biệt đối với các mẹ sinh thường.
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Vi khuẩn và vi trùng sẽ phát triển gây viêm nhiễm âm đạo nếu vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, nhất là khi có sản dịch.
- Mặc quần áo rộng rãi: Sau sinh, mẹ nên mặc quần áo rộng rãi để cơ thể được thoải mái cũng như sản dịch tống ra ngoài dễ dàng hơn.
Sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường. Do đó, bạn không cần lo lắng, tình trạng này sẽ thường mất sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, khi bắt gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn cần đến bệnh viện thăm khám sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo dõi nghiêm ngặt việc bài tiết sản dịch và vệ sinh vùng kín đúng cách sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe “cô bé” đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé sau sinh.
Leave a reply