Sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ gây hôn mê sâu, thậm chí đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.
Sản giật là gì?
Sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật.
Cơn sản giật thường đi sau tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp tăng cao xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh. Tuy nhiên trường hợp sau sinh lại hiếm gặp hơn. Khi tình trạng bệnh của thai phụ tiến triển nặng, gây tác động lên não dẫn đến các cơn co giật, lúc này thai phụ đã mắc chứng sản giật.
Nguyên nhân gây sản giật
Huyết áp cao
Tiền sản giật là khi huyết áp hoặc lực của máu lên thành động mạch quá cao làm hỏng động mạch và các mạch máu khác gây hạn chế lưu lượng máu dẫn đến sưng tấy các mạch máu trong não và thai nhi đang lớn. Nếu lưu lượng máu bất thường này qua các mạch làm cản trở khả năng hoạt động của não thì co giật có thể xảy ra.
Protein niệu
Tiền sản giật thường ảnh hưởng đến chức năng thận. Protein trong nước tiểu, còn được gọi là protein niệu, là một dấu hiệu phổ biến của tình trạng này.
Thông thường, thận lọc chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu từ những chất thải này. Tuy nhiên, thận cố gắng giữ lại các chất dinh dưỡng trong máu, chẳng hạn như protein, để phân phối lại cho cơ thể. Nếu bộ lọc của thận, được gọi là cầu thận, bị hỏng, protein có thể rò rỉ qua chúng và bài tiết vào nước tiểu.

Dấu hiệu nhận biết sản giật
Các dấu hiệu của tiền sản giật có thể gặp như:
- Huyết áp tăng cao.
- Sưng (phù), đặc biệt là ở mặt, tay và chân.
- Đau đầu.
- Tăng cân không kiểm soát.
- Buồn nôn, nôn, ói mửa.
- Đau bụng, đặc biệt là vùng bụng trên bên phải.
- Khó khăn trong tiểu tiện.
- Các vấn đề ở thị lực như nhìn mờ, mất thị lực.
Đối tượng thụ thai nào có nguy cơ bị sản giật
Tất cả thai phụ bị tiền sản giật hoặc có tiền sử mắc bệnh đều có nguy cơ xuất hiện cơn co giật.
Bên cạnh đó, một số đối tượng khác có nguy cơ cao mắc bệnh gồm:
- Thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc mãn tính.
- Thai phụ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
- Thai phụ mang thai đôi hoặc sinh ba.
- Thai phụ mang thai lần đầu.
- Thai phụ mắc chứng tiểu đường thai kỳ hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến mạch máu.
- Thai phụ mắc bệnh lý thận.
Các biến chứng bệnh Sản giật
Về phía mẹ
- Cắn phải lưỡi khi lên cơn giật.
- Ngạt thở.
- Phù phổi cấp.
- Xuất huyết não – màng não.
- Viêm gan cấp, viêm thận cấp.
- Mù mắt, thong manh, ngớ ngẩn.
- Để lại di chứng cao huyết áp mãn, viêm gan, viêm thận mãn.
Về phía con
- Thai kém phát triển trong tử cung.
- Đẻ non do phải can thiệp sản khoa.
- Thai chết lưu trong tử cung.

Phòng ngừa sản giật
- Thường xuyên tập thể dục có một thai kỳ khỏe mạnh, giảm nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ, trong đó có tiền sản giật.
- Uống nhiều nước bởi mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều hơn dẫn đến tình trạng mất nước.
- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Duy trì và kiểm soát cân nặng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ bầu và thai nhi phát triển tốt.
- Bổ sung vitim và các khoáng chất cần thiết: Để bù đắp lượng dinh dưỡng bị thiếu hụt trong chế độ ăn uống, mẹ bầu có thể uống viên bổ sung vitamin chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, bao gồm: các vitamin C, B, E; axit folic, sắt, iốt, phốt pho, magie và canxi…
- Khám định kỳ 6 tháng một lần để thoi dõi sự thay đổi về huyết áp, cân nặng, nước tiểu… mỗi ngày để sớm phát hiện bất thường.