Sâu răng trẻ em là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết cách điều trị và chăm sóc bé như thế nào cho đúng. Không chỉ vậy, sâu răng còn tồn tại nhiều nguy hiểm, khả năng lây lan cao và dễ gặp biến chứng, ảnh hưởng đến cấu trúc răng miệng sau này.
Sâu răng ở trẻ em là gì?
Răng ở trẻ em là một cấu trúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Răng giúp cắt và nghiền nát thức ăn trước khi được nuốt và tiêu hóa. Bên cạnh đó, răng ở trẻ em có thể giúp trẻ phát âm một cách chính xác. Ở trẻ em, sâu răng có thể dẫn đến một số vấn đề dinh dưỡng và các vấn đề khác về giọng nói.
Sâu răng ở trẻ em tương tự như các loại sâu răng khác, xảy ra khi men răng bị phá hủy. Men răng là lớp bề mặt cứng bên ngoài của răng. Trẻ có nguy cơ sâu răng kể từ lúc mọc chiếc răng đầu tiên, xảy ra khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân gây sâu răng
- Vệ sinh răng miệng kém: Nếu trẻ không đảm bảo vệ sinh răng miệng, các mảng bám sẽ tích tụ trên bề mặt răng. Mảng bám răng là một màng dính, không màu của vi khuẩn, có thể gây phát sinh các bệnh sâu răng, viêm lợi hoặc viêm nha chu.
- Chế độ ăn nhiều đường: Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ hay bú bình kéo dài đều làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Vệ sinh răng miệng: Đóng vai trò quan trọng nhất trong các yếu tố nguy cơ gây sâu răng, là yếu tố làm sạch cơ học giúp làm giảm hoặc mất các tác động gây sâu răng của các yếu tố gây sâu răng khác.
- Không nhận đủ lượng fluor cần thiết: Fluor đóng vai trò quan trọng trọng việc ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em.
Ngoài ra, khi răng mới chớm sâu nhưng chủ quan không điều trị sớm, là nguyên nhân khiến tình trạng sâu răng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các dấu hiệu sâu răng ở trẻ em
- Răng đổi màu ở một vài vùng, vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng.
- Đau răng, đau khi ăn nhai hoặc có cơn đau tự phát mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Răng nhạy cảm, đau buốt khi ăn uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh hoặc khi có thức ăn giắt vào kẽ răng.
- Xuất hiện lỗ sâu trên răng.
- Bề mặt, xung quanh lỗ sâubiến đổi sang màu nâu, đen.
Dù dấu hiệu nào thì bố mẹ cũng nên đưa bé đến gặp nha sĩ sớm.
Tác hại của sâu răng ở trẻ em
- Sâu răng ở trẻ em gây tổn thương đến tủy răng. Nếu không điều trị tủy răng kịp thời có thể gây viêm tủy và có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng (mủ trong răng).
- Sâu răng ở trẻ em còn là nguyên nhân gây viêm hạch, viêm tủy xương, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm.
- Trẻ em bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Chẩn đoán sâu răng ở trẻ em
Nha sĩ có thể phát hiện sâu răng trong giai đoạn đầu và có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Do đó, điều quan trọng là đưa trẻ đến gặp nha sĩ định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm.Các phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra sâu răng ở trẻ em, bao gồm:
- Kiểm tra khoang miệng: Nha sĩ thường sử dụng gương nha khoa và đầu dò để phát hiện các lỗ sâu răng ở răng trên và răng dưới của trẻ.
- Chụp X – quang quanh răng: Nha sĩ có thể chụp X – quang toàn bộ răng từ thân răng đến chân răng xung quanh chiếc răng bị ảnh hưởng để phát hiện các bất thường ở chân răng và xương quanh răng.
- Chụp X – quang toàn bộ miệng: Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra tình trạng đã mọc và chưa mọc để xác định các vấn đề liên quan. Ngoài ra, loại xét nghiệm X – quang này cũng có thể kiểm tra sự phát triển và mọc răng của trẻ có bình thường hay không.
Biện pháp điều trị răng sâu ở trẻ
Đối với các trường hợp tổn thương sâu răng sớm:
- Tăng cường tái khoáng. Nên cung cấp các yếu tố nhằm tăng cường quá trình tái khoáng, ngăn chặn hủy khoáng để phục hồi các tổn thương.
- Liệu pháp Fluor: Dùng Fluor có độ tập trung cao ở dạng gel, dung dịch hoặc véc ni áp lên bề mặt vùng tổn thương để tái khoáng.
- Bổ sung canxi, phot pho ở dạng gel lên bề mặt vùng tổn thương để tái khoáng.
- Bệnh nhân chải răng với kem răng có Fluor.
- Bệnh nhân ăn uống hợp lý, bổ sung thêm các khoáng chất để tái khoáng.
- Đối với các trường hợp đã tạo thành lỗ sâu thì phải lấy bỏ toàn bộ mô nhiễm khuẩn, bảo vệ tuỷ và hàn kín phục hồi mô cứng bằng các loại vật liệu thích hợp.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sâu răng an toàn cho trẻ nhỏ
Các bố mẹ nên có những biện pháp phòng ngừa sâu răng trẻ em. Cụ thể cần nhớ những điều sau:
- Tập cho bé thói quen đánh răng sáng và tối trước khi đi ngủ. Cho bé dùng nước súc miệng từ muối hoặc các loại thảo dược tự nhiên.
- Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp cho bé cùng loại kem đánh răng giàu fluoride để giúp răng được chắc khỏe nhất.
- Giúp bé loại bỏ thức ăn thừa kẹt lại ở kẽ răng bằng chỉ nha khoa trước khi đánh răng.
- Tập cho bé uống nhiều nước để tránh khô miệng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh sâu răng.
- Tăng cường ăn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu canxi, vitamin D, Kali,… để răng chắc khỏe.
- Hạn chế những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ ăn vặt, đồ ăn ngọt, thức ăn nhanh, đồ chiên dầu mỡ.
- Đưa bé đi thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần để sớm phát hiện ra bệnh.
Sâu răng là bệnh không thể tự khỏi nhưng hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị càng sớm càng tốt. Răng có thể bị tổn thương vĩnh viễn và cần loại bỏ răng để tránh các rủi ro không mong muốn. Việc kiểm soát chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng, kiểm soát vệ sinh răng miệng đóng vai trò quan trọng trong dự phòng sâu răng, giúp bé có nụ cười đẹp và hàm răng khỏe.
Leave a reply