Bàng quang hay còn gọi là bọng đái là cơ quan chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài cơ thể bằng cách đi tiểu. Một trong những bệnh lý hay gặp ở đây là sỏi bàng quang. Bệnh là nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu… nếu để lâu ngày có thể nguy hại đến sức khỏe người bệnh.
Sỏi bàng quang là bệnh gì?
Sỏi bàng quang được hình thành bởi sự tích tụ của các khoáng chất. Sỏi bàng quang thường có hình tròn, ít khi xù xì góc cạnh.
Sỏi bàng quang có thể là do sỏi từ thận, niệu quản (hoặc cả hai) rơi xuống. Chiếm khoảng 1/3 số ca mắc sỏi đường tiết niệu, thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi sỏi xuống bàng quang, trường hợp sỏi nhỏ, có thể được đào thải ra ngoài theo đường tiểu nhưng với những viên sỏi lớn hơn, chúng nằm tại bàng quang, lâu ngày tích tụ lớn dần do các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào gây nên các cơn đau khó chịu.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, có một số nguyên nhân chính như:
- Sa bàng quang: Ở phụ nữ, thành bàng quang có thể suy yếu và sa xuống âm đạo, điều này có thể chặn dòng chảy nước tiểu và hình thành sỏi.
- Phì đại tiền liệt tuyến: Ở nam giới, khi tuyến tiền liệt to lên sẽ chặn dòng chảy nước tiểu và làm cho nước tiểu đọng lại trong bàng quang.
- Hội chứng bàng quang thần kinh: Dây thần kinh gửi tín hiệu từ não bộ đến các cơ bàng quang của bạn. Nếu chúng bị thương tổn hoặc bị hư hỏng do một số bệnh, bàng quang sẽ không làm việc hiệu quả và dẫn đến sỏi.
- Viêm: Khi bị viêm bàng quang, sỏi có thể được hình thành.
- Thiết bị y tế: Những dụng cụ y tế được đặt trong bàng quang của bạn như ống thông tiểu, thiết bị tránh thai cũng có thể gây hình thành sỏi.
- Sỏi thận: Sỏi thận có kích thước nhỏ và có thể trôi xuống bàng quang qua niệu quản và trở thành sỏi thận bàng quang nếu không được loại bỏ.
Những triệu chứng thường gặp
Bệnh nhân sẽ không xuất hiện triệu chứng nếu sỏi trong bàng quang nhỏ có thể tự tiêu và theo nước tiểu ra ngoài. Nhưng khi sỏi lớn dần, bệnh nhân có thể xuất hiện một số dấu hiệu như:
- Đái ngắt ngừng.
- Đái rắt: Đi tiểu thành nhiều lần, mỗi lần rất ít, tiểu nhiều vào ban đêm.
- Đau ở vùng bụng dưới.
- Nước tiểu bị vẩn đục, có váng hoặc có màu bất thường.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu và có mùi.
- Đi tiểu ra máu.
- Đau lưng, đau mạn sườn.
- Tiểu nhiều lần trong ngày đặc biệt vào ban đêm, tiểu rắt.
- Nước tiểu bị vẩn đục, có váng hoặc có màu bất thường.
Sự nguy hiểm khi có sỏi ở bàng quang
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:
- Viêm bàng quang: Khi sỏi còn nhỏ, người bệnh có thể không thấy vấn đề gì. Sỏi phát triển lớn hơn 2cm thường có triệu chứng kích thích bàng quang như tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu ngắt quãng hoặc tiểu máu. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, tình trạng viêm ở bàng quang có thể trở thành mạn tính, dẫn tới teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang.
- Viêm thận: Do nhiễm khuẩn ngược dòng từ bàng quang, có thể làm suy giảm chức năng thận. Biến chứng này có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, điều trị rất khó khăn.
- Đau hạ vị: Người bệnh thường có cảm giác đau buốt vùng hạ vị do bàng quang kích thích, sỏi kẹt cổ bàng quang. Cơn đau hạ vị có thể lan đến tầng sinh môn hay phía đầu đầu bộ phận sinh dục ngoài, gây khó chịu cho người bệnh.
- Rò bàng quang: Sỏi lớn có thể gây rò bàng quang, rò tầng sinh môn hoặc âm đạo ở nữ giới. Nước tiểu rỉ liên tục qua đường rò gây nhiễm khuẩn vùng âm đạo hoặc hậu môn. Người bệnh sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Chẩn đoán và điều trị bệnh
Chẩn đoán sỏi bàng quang
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ lưu ý vùng bụng dưới của người bệnh để kiểm tra dấu hiệu cầu bàng quang, là tình trạng có ứ đọng nhiều nước tiểu trong bàng quang. Ở nam giới > 50 tuổi cần khám tuyến tiền liệt qua trực tràng.
Những xét nghiệm thường được áp dụng khi chẩn đoán như:
- Siêu âm bụng: Giúp bác sĩ xác định sỏi, ghi nhận kích thước sỏi và các bất thường khác của thận, bàng quang và tuyến tiền liệt .
- Tổng phân tích nước tiểu: Giúp đánh giá nhiễm khuẩn bàng quang, xác định vi khuẩn và các khoáng chất kết tinh có trong nước tiểu.
- Chụp X-quang: X-quang Thận – Niệu quản – Bàng quang (KUB) sẽ giúp bác sĩ xác định sỏi có trong hệ tiết niệu hay không. Tuy nhiên, một số loại sỏi không cản quang sẽ không thể nhìn thấy được trên kết quả chụp X-quang thông thường.
- Soi bàng quang: Giúp bác sĩ xác định số lượng, kích thước và vị trí của sỏi trong bàng quang. Ngoài ra, soi bàng quang còn giúp xác định hẹp niệu đạo, tuyến tiền liệt to và các tổn thương trong bàng quang.
- Đo áp lực bàng quang: Giúp đánh giá chức năng bàng quang, trương lực cơ bàng quang
Điều trị sỏi bàng quang
Nhằm mục đích điều trị sỏi hiệu quả và triệt để, cần xác định chính xác loại sỏi và kích thước của sỏi.
Điều trị sỏi bằng các phương pháp sau:
- Nếu sỏi trong bàng quang có kích thước nhỏ thì chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bằng dòng nước tiểu.
- Khi sỏi quá lớn và bị mắc kẹt trong bàng quang, thường bác sĩ sẽ điều trị bằng phẫu thuật hoặc các thủ thuật sau như: Nội soi lấy sỏi, tán sỏi nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể.
Tán sỏi
- Các bác sĩ sẽ tiến hành cho nội soi niệu đạo (lỗ ở đầu dương vật, hoặc lỗ tiểu phía trên âm đạo), có thể nhìn thấy những viên sỏi thông qua camera gắn trên ống nội soi và phá vỡ chúng bằng cách sử dụng máy bắn tia laser hoặc sóng âm thanh. Bệnh nhân sẽ được gây tê trước khi tiến hành phẫu thuật. Các biến chứng của thủ thuật này là rất hiếm, nhưng đôi khi có thể gây nhiễm trùng. Bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng;
Loại bỏ sỏi bàng quang bằng phẫu thuật
- Nếu sỏi quá lớn đến nỗi không thể tán được, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Dùng thuốc
Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị như:
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Thuốc giúp xoa dịu cơn đau và cảm giác khó chịu do sỏi gây ra.
- Thuốc giãn cơ trơn tiết niệu: Thuốc giúp giãn rộng đường kính cổ bàng quang. Từ đó, sỏi có thể di chuyển ra khỏi cơ thể dễ dàng.
- Thuốc kiềm hóa nước tiểu: Thuốc giúp điều chỉnh độ pH nước tiểu, có thể hiệu quả trong việc làm tan sỏi axit uric.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc giúp tăng lưu lượng nước tiểu.
- Thuốc kháng sinh: Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Phòng ngừa mắc bệnh
Để hạn chế nguy cơ bị sỏi ở bàng quang, bạn nên lưu ý:
- Uống nhiều nước: Mỗi ngày bạn nên uống 2-3 lít nước, giúp cơ thể đào thải những chất độc, cặn bã ra khỏi thận, bàng quang, từ đó tránh sự kết tủa tạo sỏi.
- Bổ sung thực phẩm ít chất béo: Các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hay không béo nên được bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên hạn chế các món ăn chiên xào rán, không dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn hộp.
- Ở những người có tăng axit uric trong máu nên hạn chế thức ăn giàu đạm: Đạm có khả năng làm tích tụ axit uric trong máu, làm hình thành tinh thể muối urat và tích tụ ở bàng quang. Khi đó, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị sỏi. Mỗi ngày bạn chỉ nên bổ sung tối đa 200g thịt, ưu tiên thịt nạc, ức gà và hạn chế hải sản, tôm, cua.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào mà bạn nên bổ sung hằng ngày là rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu… Nam giới bổ sung khoảng 30-38g/ngày và nữ giới là 21-25g/ngày.
- Tránh sử dụng các chất kích thích: Bạn nên hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác. Vì các hóa chất này tích tụ trong cơ thể rất dễ tạo thành sỏi.
- Khi có dấu hiệu sỏi ở hệ tiết niệu, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị sớm.
Bệnh sỏi bàng quang có thể làm giảm chất lượng cuộc sống do những rối loạn tiểu tiện gây ra. Thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được điều trị sớm. Do vậy, việc phòng bệnh ngay từ sớm là rất quan trọng hoặc ngay khi có triệu chứng bệnh, người bệnh nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.