Sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp ở hệ tiết niệu và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó cần nhận biết đúng các dấu hiệu sỏi tiết niệu để điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm.
Sỏi tiết niệu là bệnh gì?
Sỏi tiết niệu hay sỏi niệu là những viên sỏi được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Đa phần chúng bắt đầu hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên nhiều người quen gọi là sỏi thận. Ở Mỹ, hằng năm có hơn 400.000 bệnh nhân nhập viện vì sỏi niệu. Đa số bệnh nhân có tuổi từ 30 – 50. Nam có tỉ lệ mắc bệnh gấp 3 lần nữ. Người da trắng nhiều hơn gấp 4 – 5 lần so với người da đen.
Sỏi ở hệ tiết niệu là bệnh có thể xảy ra trong suốt đời người bệnh, vì vậy người bệnh phải được quản lý, theo dõi và có chế độ sinh hoạt hợp lý để hạn chế sự tái phát sỏi.
Phân loại
Có hai cách phân loại sỏi: Theo thành phần hoá học, hoặc theo vị trí của sỏi:
Phân loại theo thành phần hoá học
- Sỏi Calci là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80-90%, gồm sỏi Calci Oxalate, Calci Phosphate, sỏi rất cứng và cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hoặc màu nâu.
- Sỏi Magnésium Ammonium Phosphate hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng, thường do nhiễm trùng niệu lâu ngày gây ra, có màu vàng và hơi bở, sỏi loại này thường rất lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.
- Sỏi Cystine: Bề mặt trơn láng, có nhiều cục và ở cả hai thận.
- Sỏi Urate: Có thể kết tủa ngay trong chủ mô thận, không cản quang nên không thấy được trên phim X-quang.
Nguyên nhân gây bệnh
Nhắc tới sỏi tiết niệu và lý do diễn ra bệnh lý này, chúng ta không thể không nhắc tới một số nguyên nhân sau:
- Sự hòa tan của các muối khoáng trong nước tiểu: Oxalat, canxi, urat,…
- Uống không đủ lượng nước trung bình mỗi ngày và thường xuyên nhịn không đi tiểu. Khi nước tiểu bị đọng lại quá lâu sẽ hình thành nên sỏi.
- Người mắc các bệnh lý liên quan tới đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến,…
- Ảnh hưởng từ yếu tố di truyền,…
- Ăn uống không khoa học, quá nhiều muối, hấp thụ quá nhiều canxi,…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi tiết niệu:
- Giới tính: Phổ biến ở nam giới trưởng thành hơn nữ giới.
- Địa lý: Tỷ lệ mắc bệnh sỏi cao hơn ở các vùng khí hậu khô nóng như vùng núi, sa mạc hoặc các khu vực nhiệt đới.
- Điều kiện khí hậu: Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất được quan sát thấy trong những tháng mùa hè.
- Nước: Lượng nước thấp có liên quan trực tiếp đến việc hình thành sỏi thận.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng: Nguy cơ mắc bệnh sỏi liên quan trực tiếp đến cân nặng và chỉ số BMI.
Triệu chứng sỏi tiết niệu
Triệu chứng cơ năng
Khi sỏi không di chuyển hoặc dính vào mô, hoặc sỏi san hô thì thường không có hoặc có ít triệu chứng dù có nhiễm trùng niệu.
Khi sỏi đã gây bế tắc có thể có các triệu chứng sau:
- Các cơn đau: Đau lưng bụng hoặc vùng hông. Đau do sỏi thận còn được gọi là cơn đau quặn thận, là một trong những loại đau dữ dội nhất có thể tưởng tượng được, một số người từng bị sỏi thận so sánh cơn đau như việc sinh con hoặc bị dao đâm.
- Tiểu ra máu đại thể do sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu.
- Tiểu đục hoặc có mùi hôi: Do nhiễm khuẩn niệu.
- Thiểu niệu hoặc vô niệu: Sỏi thận 2 bên tắc nghẽn hay sỏi thận trên thận độc nhất.
- Tiểu đau hoặc gắt buốt.
- Tiểu ra sỏi.
- Triệu chứng toàn thân: Có thể sốt cao lạnh run, buồn nôn hay nôn, phù toàn thân…
Triệu chứng thực thể
Khám bụng: Bụng chướng nhẹ, ấn đau nhiều vùng hông lưng bên thận có sỏi, nghiệm pháp rung thận (+), nếu thận ứ nước nhiều sẽ có nghiệm pháp chạm thận (+), nếu thận ứ mủ sẽ có phản ứng thành bụng.
“Sỏi im lặng” là sỏi tiết niệu đã bị mắc kẹt lâu ngày gây tắc đài bể thận mà không có triệu chứng đau. Đây là trường hợp cần đặc biệt chú ý bởi người bệnh thường chủ quan, không chịu đi khám và điều trị. Khi phát hiện, nó đã gây nhiễm trùng nặng, có thể gây tổn thương chức năng thận vĩnh viễn, có thể phải cắt bỏ thận.

Biến chứng sỏi tiết niệu
Cũng chính vì rất khó nhận biết vào thời điểm đầu, nên nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã để lại nhiều biến chứng. Cụ thể hơn:
- Ứ đọng nước tiểu: Sỏi to khiến ống dẫn tiểu xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến thận bị tổn thương chức năng.
- Suy thận: Do sỏi bị tắc nghẽn quá lâu.
- Viêm nhiễm ở đường tiết niệu do sự cọ xát của sỏi khiến niêm mạc bị rách, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Sỏi gây ra những cản trở nghiêm trọng cho công việc bài tiết. Nặng hơn, sỏi làm cho chức năng lọc và đào thải ở thận giảm, thậm chí là biến mất hoàn toàn.
- Một số biến chứng khác: Thận bị phù nề, viêm thận kẽ, nhiễm trùng,…
Chẩn đoán sỏi tiết niệu
Dựa vào các triệu chứng, dấu hiệu, vị trí đau nhức mà bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận ban đầu. Để chắc chắn có được kết quả chính xác, bệnh nhân cần tiến hành làm một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng:
- Siêu âm ổ bụng.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Chụp CT.
- Chụp X-quang.
Các xét nghiệm sẽ được thực hiện với nhiều loại máy móc hiện đại.
Biện pháp điều trị sỏi tiết niệu
Nhiều phương pháp điều trị ra đời đã mang lại nhiều tin vui đến với bệnh nhân không may bị mắc sỏi tiết niệu. Bệnh lý có thể điều trị khỏi khi sỏi còn chưa tăng kích thước. Tuy nhiên, nếu đã để sỏi to hơn, gây ra nhiều biến chứng phức tạp thì thời gian điều trị chắc chắn sẽ lâu hơn, chi phí cũng tốn kém hơn.
Một số phương pháp điều trị phổ biến, bao gồm cả nội và ngoại khoa:
- Phương pháp điều trị nội khoa tại nhà chỉ dành cho sỏi có kích thước < 5mm, nhỏ và chưa để lại biến chứng gì.
- Đối với sỏi > 9mm và để lại biến chứng và không thể can thiệp phẫu thuật do thận đã bị ảnh hưởng nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ là giảm đau và không thể điều trị dứt điểm. Một số loại thuốc thường được sử dụng: thuốc giảm đau, thuốc làm mòn sỏi và thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn niệu quản.
- Khi sỏi quá lớn, khiến chức đào thải bị vô tác dụng, thì cần phải loại bỏ sỏi. Một số biện pháp y học tiên tiến thường được sử dụng là: phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da (PCNL); tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), nội soi tán sỏi ngược dòng,… Đây đều là các kỹ thuật mới, ít rủi ro.

Phòng tránh sỏi tiết niệu
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập luyện hợp lý:
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Giữ vệ sinh tốt, tránh nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Tránh thói quen nhịn tiểu.
- Chăm vận động, tập luyện thể dục thể thao.