Phụ nữ trong thời kỳ mang thai thường đi tiểu rất nhiều lần, bị són tiểu do hệ tiết niệu có một sự thay đổi lớn. Nhiều bà bầu bị són tiểu có thể đi tiểu không tự chủ, ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Són tiểu khi mang thai là gì?
Són tiểu là tình trạng không thể kiểm soát được lượng nước tiểu khi thải ra ngoài. Trong đó bao gồm một số biểu hiện như có thể cảm thấy cần đi tiểu gấp hoặc bị rò rỉ nước tiểu giữa các lần đi vệ sinh. Bạn cũng có thể thấy rằng bạn phải thường xuyên đi vệ sinh nếu bạn mắc chứng tiểu không tự chủ. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm cả mang thai, sinh con và tuổi tác.
Nguyên nhân gây són tiểu khi mang thai
- Thai nhi càng lớn thì áp lực trong bụng cũng càng tăng: Tử cung giãn nở gây áp lực lên bàng quang, khiến cơ vòng bàng quang (một van nằm ở đáy bàng quan có tác dụng kiểm soát dòng nước tiểu) và cơ đáy chậu chịu áp lực lớn, dần trở nên quá tải và không thể thực hiện tốt chức năng.
- Cơ quanh niệu đạo: Có tác dụng ngăn nước tiểu chảy ra cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Quá trình sinh nở làm yếu cơ đáy chậu: Không chỉ bị són tiểu khi mang thai, mà sau sinh, tình trạng này cũng có thể tiếp diễn, khiến dây thần kinh chi phối bàng quang bị ảnh hưởng.
Đối tượng có nguy cơ bị són tiểu khi mang thai
Phụ nữ vốn có bàng quang hoạt động quá mức có thể tiến triển thành các triệu chứng són tiểu khi mang thai. Ngoài ra, mẹ bầu có nguy cơ són tiểu cao hơn nếu có một trong các yếu tố nguy cơ, bao gồm:
- Mang thai khi lớn tuổi.
- Bị thừa cân hoặc béo phì.
- Đã từng sinh nở qua ngả âm đạo (sinh thường) trước đó.
- Tiền sử có phẫu thuật vùng chậu.
- Thói quen hút thuốc lá thường xuyên dẫn đến cơn ho mãn tính.
Dấu hiệu nhận biết són tiêu ở bà bầu
Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết tình trạng són tiểu chính là việc không thể kiểm soát được lượng nước tiểu rò rỉ ra bên ngoài. Đó có thể là cảm giác cần đi tiểu gấp, đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lượng nước tiểu thải ra ở mỗi lần không nhiều, tiểu đêm, bị rò rỉ nước tiểu giữa các lần đi vệ sinh hoặc rò rỉ nước tiểu ra ngoài quần mỗi lần cười, ho, hắt hơi… gây mùi khai, khiến mẹ bầu phải thay quần nhiều lần.
Khắc phục tình trạng són tiểu khi mang thai
Một số gợi ý để giúp giải quyết các vấn đề về kiểm soát bàng quang bao gồm:
- Đi tiểu đúng giờ, luyện bàng quang. Có thể ghi lại thời gian đi tiểu và thời gian bị rỉ nước tiểu để làm chủ quá trình đi tiểu, đặt kế hoạch đi tiểu.
- Thực hiện các bài tập đáy xương chậu giúp cơ đáy xương chậu rắn chắc.
- Không nên nhịn tiểu quá lâu, khiến bàng quang đầy nước. Ngay khi thấy tức bụng cần đi vệ sinh ngay.
- Dùng băng vệ sinh hàng ngày hoặc thay quần lót thường xuyên để tránh gây ẩm ướt, viêm nhiễm.
- Chuyển sang đồ uống hoặc nước đã khử caffein để giúp ngăn ngừa rò rỉ nước tiểu. Uống đồ uống có ga, cà phê và trà có thể khiến mẹ cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn.
- Hạn chế lượng chất lỏng bạn uống sau bữa tối để giảm số lần đi vệ sinh vào ban đêm.
- Ăn thức ăn có nhiều chất xơ để tránh bị táo bón, vì táo bón cũng có thể gây rò rỉ nước tiểu.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Trọng lượng cơ thể tăng thêm có thể gây thêm áp lực lên bàng quang. Giảm cân sau khi sinh con có thể giúp giảm bớt một số áp lực lên bàng quang của mẹ.
Bà bầu bị són tiểu khi mang thai tháng cuối nếu cảm thấy khó chịu với tình trạng này tốt nhất mẹ nên tham khám để được tư vấn chi tiết, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sống. Điều trị sớm để phần nào giúp mẹ giải tỏa căng thẳng nếu không may gặp trường hợp bị són tiểu khi mang thai tháng cuối này nhé. Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ để tránh ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản của bạn, như vậy mới góp phần giúp mẹ và bé khỏe mạnh, an toàn khi mang thai.