Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực gây ra không ít phiền toái và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, nên trang bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc tốt cho chính bản thân và người bệnh.
Rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực là rối loạn cảm xúc được đặc trưng bằng một giai đoạn rối loạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ, có phối hợp với các giai đoạn rối loạn trầm cảm trong quá trình phát triển của bệnh. Rối loạn lưỡng cực là tình trạng mà người bệnh không thể kiểm soát được chỉ bằng sức mạnh ý chí của mình.
Tỷ lệ rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1% dân số, giữa 2 giới không có sự khác biệt, tuổi khởi phát thường thấp hơn rối loạn trầm cảm chủ yếu.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh có yếu tố di truyền và thường truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế bệnh nhân không có lỗi khi mắc phải bệnh này.
Thay đổi lối sống
Nhìn chung, bên cạnh tư vấn tâm lý hay liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), một loạt thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực có thể giúp người mắc chứng rối loạn lưỡng cực bằng cách:
- Kiểm soát tốt các triệu chứng.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chú trọng giấc ngủ
Chứng rối loạn lưỡng cực có thể làm đảo lộn giờ giấc sinh học của cơ thể. Trong thời kỳ hưng cảm, bạn có thể ngủ rất ít. Ngược lại, khi tiến vào giai đoạn trầm cảm, bạn có khả năng ngủ liên tục trong thời gian dài bất thường.
Rối loạn giấc ngủ có khả năng kích thích tâm trạng, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Vì vậy, ngủ đủ giấc rất quan trọng để kiểm soát tốt tâm trạng.
Lên kế hoạch, giải pháp cho những trường hợp khủng hoảng
Thực tế, bạn và những người thân trong gia đình không thể bên cạnh người bệnh 24/24. Người bệnh cũng cần tự mình học tập, làm việc và tham gia các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, cần lên kế hoạch cho những trường hợp khủng hoảng có thể phát sinh.
Bạn nên trao đổi vấn đề này với người bệnh khi họ ở trạng thái tỉnh táo. Đầu tiên, cần ghi số điện thoại người thân, địa chỉ nhà, bệnh viện và số điện thoại của bác sĩ trong sổ tay, đặt trong túi xách, ví tiền và lưu vào điện thoại. Trao đổi với bệnh nhân về việc gọi điện thoại cho người thân, bác sĩ nếu nhận thấy bản thân có ý nghĩ điên rồ nhưng không thể nào kiểm soát.
Thực tế, bệnh nhân rất khó để có thể nhớ ra điều này trong các cơn hoảng loạn. Do đó, bác sĩ sẽ kết hợp với tâm lý trị liệu để giáo dục bệnh nhân về cách xử lý khủng hoảng.
Giúp đỡ người bệnh trải qua giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ
Nếu nhận thức của bệnh nhân đang gặp phải tình trạng này, người thân cần thuyết phục họ nhằm làm giảm nguy cơ gây hại tiềm tàng:
- Trao đổi với bệnh nhân để làm giảm thiểu thiệt hại khi xuất hiện những hành vi nguy hiểm (như cờ bạc, lái xe nguy hiểm, tiêu xài lãng phí, lạm dụng ma túy).
- Cách ly bệnh nhân khỏi trẻ em, người tàn tật, và những người dễ bị tổn thương khác nhằm tránh làm phiền cho họ.
- Trao đổi với bác sĩ hoặc gọi đường dây cấp cứu nếu người bệnh có nguy cơ làm hại bản thân hoặc những người khác.
Thực hiện lối sống lành mạnh khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao hằng ngày, đi ngủ sớm hơn đều là những lối sống lành mạnh không chỉ tốt cho người bệnh mà còn tốt cho tất cả mọi người. Hãy cùng người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh hạnh phúc để tạo động lực cho người bệnh cùng nhau cố gắng hơn. Bên cạnh đó lối sống lành mạnh vui vẻ cũng rất tốt cho quá trình cải thiện tâm trí, tăng cường sức khỏe để người bệnh nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.
Một số cách đơn giản để cùng người bệnh có lối sống tích hơn như
- Cùng nhau tập thể dục, chạy bộ buổi sáng.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh trong thực đơn hằng ngày.
- Uống đủ nước mỗi ngày, nên bổ sung thêm các loại nước trái cây.
- Học thiền, học yoga vừa tốt cho trí não, tăng các hormone hạnh phúc đồng thời kiểm soát được tâm trạng.
- Đi ngủ sớm hơn.
- Hòa mình vào thiên nhiên, có thể chỉ đơn giản như đi dạo tại công viên hay đi du lịch tại những vùng đất mới đều rất tốt cho tâm trạng, giúp gia tăng những cảm xúc vui vẻ và tích cực.
- Cười nhiều hơn, kết bạn với những người lạc quan vui vẻ.
- Cùng nhau nấu những món ăn yêu thích.
- Cùng nhau xem một bộ phim hài hướng.
- Ôm nhau và khích lệ nhau mỗi ngày.
- Thực hiện sở thích của nhau.
Các hoạt động trên tưởng rằng đơn giản nhưng lại đem đến rất nhiều tác dụng tích cực cho người bệnh và cả những người chăm sóc. Khi tinh thần luôn trong trạng thái vui vẻ hạnh phúc, lạc quan thì sức khỏe cũng ổn định, các dấu hiệu rối loạn cảm xúc cũng được cải thiện rất nhiều.
Rối loạn lưỡng cực là rối loạn cảm xúc mà người bệnh không thể kiểm soát được hành vi của bản thân. Do vậy, khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực cần cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu họ.
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh lý liên quan đến tâm thần kinh và là bệnh mạn tính. Hiện nay chưa có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên bằng cách thay đổi lối sống, kết hợp tìm kiếm những sự trợ giúp từ các bác sĩ, chuyên gia tâm thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể duy trì một cuộc sống lạc quan, vui vẻ. Việc tìm kiếm một cộng đồng những người cùng mắc rối loạn lưỡng cực để cùng nhau chia sẻ, động viên trong cuộc sống cũng là một phương pháp hữu ích để sống chung với bệnh rối loạn lưỡng cực.