Sót nhau thai sau khi sinh là hiện tượng nhau thai bị sót lại trong tử cung sau sinh, điều này có thể gây viêm nhiễm nặng nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Chảy máu bất thường chính là hiện tượng cảnh báo dấu hiệu sót nhau thai.
Sót nhau thai là gì?
Nhau thai là cơ quan liên kết giữa mẹ và thai nhi. Nhau thai được gắn vào thành tử cung, đảm nhận nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, tiết ra một số kích thích tố cần thiết cho cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai. Ngoài ra, bánh nhau còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng.
Cơ thể người phụ nữ sau sinh không cần đến nhau thai nữa. Sau khi sinh thường khoảng nửa tiếng, nhau thai sẽ được tử cung co bóp đẩy hết ra ngoài. Trong trường hợp đẻ mổ, bác sĩ sẽ lấy bánh nhau thai khỏi tử cung.
Nếu nhau thai vẫn còn bên trong tử cung, hậu quả có thể đe dọa đến tính mạng, dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây sót nhau thai
Sót rau thai do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, có 4 nguyên nhân chính sau:
- Rau thai bị mắc kẹt: Sót rau sau sinh trong trường hợp nay xảy ra là do rau thai đã tách khỏi thành tử cung nhưng lại bị mắc kẹt ở sau cổ tử cung khiến cho lúc cổ tử cung co bóp thì nó không bị đẩy ra ngoài cho đến khi cổ tử cung đóng kín.
- Đờ tử cung: Đây là nguyên nhân gặp ở rất nhiều trường hợp sót rau sau sinh. Nguyên nhân là do tử cung không có bóp đủ mạnh hoặc đang co bóp bỗng nhiên ngừng lại khiến cho rau thai không được đẩy ra hết.
- Rau tiền đạo: Nhau tiền đạo là tình trạng bánh rau không bám ở đáy tử cung mà bám ở dưới hoặc cổ tử cung, gây cản trở con đường di chuyển của thai nhi trong giai đoạn chuyển dạ. Tình trạng này cũng là lý do cản trợ sự di chuyển ra ngoài của toàn bộ rau thai, khiến cho một phần bánh rau bị sót lại sau khi sinh.
- Rau cài răng lược: Đây là tình trạng một phần hoặc toàn bộ bánh rau xâm lấn thành tử cung và không thể tách khỏi. Thông thường, sau khi sinh bánh rau sẽ bong hết và bị đẩy ra ngoài nhưng với sản phụ bị rau cài răng lược thì bánh rau không thể bong tróc khỏi thành tử cung nên vẫn bị sót lại một ít, gây nên tình trạng sót rau sau sinh.
Ngoài những nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sót rau sau sinh là:
- Nhân viên y tế không kiểm tra kỹ, không biết vẫn đang còn sót rau.
- Do đã từng nạo phá thai, gây viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng và rau thai dính vào vị trí viêm nhiễm này của tử cung.
- Do vết sẹo của lần mổ lấy thai trước, rau thai bám vào vết sẹo đó và khó bong tróc hơn bình thường.
- Phụ nữ sinh con khi tuổi lớn, quá trình sinh diễn ra lâu cũng có thể gây sót rau sau sinh.

Yếu tố nguy cơ gây tình trạng sót rau sau sinh
Bất kỳ sản phụ nào cũng có thể bị sót rau sau sinh. Tuy nhiên, nếu nằm trong những trường hợp dưới đây thì nguy cơ bạn mắc phải tình trạng này sẽ cao hơn so với những người bình thường khác.
- Sinh non, sinh con trước tuần thứ 34 của thai kỳ.
- Từng có tiền sử bị sót rau ở những lần sinh trước.
- Người sinh nhiều con trước đó, sinh trên 5 đứa con.
- Sản phụ mang thai ở tuổi trên 35.
- Quá trình chuyển dạ kéo dài.
- Thai chết non.
- Sản phụ đã từng phẫu thuật tử cung trước đó.
Nếu có những yếu tố kể trên, sản phụ nên thông báo cho bác sĩ trước khi sinh để phòng ngừa nguy cơ và có các biện pháp xử trí sớm khi xảy ra tình trạng này.
Dấu hiệu nhân biết sót nhau thai
Khi có nhau thai bị sót trong cơ thể, sản phụ sẽ gặp các triệu chứng trong một ngày sau khi sinh, bao gồm:
- Sốt.
- Dấu hiệu sót nhau thai dễ nhận biết nhất là ra nhiều máu sau sinh. Nhiều người thường nhầm lẫn đó là sản dịch. Tuy nhiên, máu do sót nhau có màu đen, mùi hôi khó chịu, kèm theo những cơn đau âm ỉ kéo dài ở vùng bụng dưới.
- Xuất hiện mùi hôi trong dịch nhờn âm đạo.
- Chảy máu dai dẳng.
- Chuột rút và co thắt nghiêm trọng.
- Sữa về chậm.

Điều trị sót nhau sau sinh
- Loại bỏ nhau thai bằng tay: Bác sĩ thực hiện việc này trong phòng sinh hoặc phòng mổ. Bác sĩ sẽ đặt ống thông tiết niệu để dẫn nước tiểu ra ngoài và làm trống bàng quang, cho sản phụ dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sản phụ cũng sẽ được gây tê cục bộ, cột sống hoặc ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt tay vào bên trong tử cung để loại bỏ nhau thai. Sản phụ có thể cần thêm thuốc tiêm tĩnh mạch sau khi cắt bỏ nhau thai bằng tay để giúp tử cung co lại.
- Kéo dây rốn có kiểm soát (controlled cord traction): Kỹ thuật này được thực hiện khi nhau thai được tách ra khỏi tử cung, nhưng vẫn không thể ra ngoài. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo dây rốn để giúp nhau thai ra khỏi tử cung và cơ thể sản phụ.
- Nạo tử cung (Curettage) một thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa để làm sạch tử cung từ những phần còn sót lại của phá thai không hoàn chỉnh, nhau thai sau khi sinh bình thường hoặc sinh môt.
- Cắt tử cung: Trong trường hợp nhau cài răng lược (placenta percreta), nơi nhau thai phát triển sâu vào tử cung thì việc cắt tử cung có thể phải thực hiện trong trường hợp cần thiết để cứu sống sản phụ. Tuy nhiên, khi thực hiện cắt tử cung thì sản phụ không thể có thai trong tương lai.
- Thuốc kháng sinh đường uống sau bất kỳ phương pháp điều trị nào ở trên để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng.
Sót rau sau sinh rất nguy hiểm, do đó các mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa bằng cách bổ sung sắt cho cơ thể khi mẹ bước vào tháng thứ 4 của thai kỳ. Hạn chế việc nạo hút, phá thai trước khi mang thai, giữ vùng kín luôn sạch sẽ để tránh bị viêm nhiễm tử cung trong thời gian mang thai. Bên cạnh đó, điều chỉnh và xây dựng lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp phục hồi thể trạng nhanh hơn.