Sốt trẻ em là tình trạng thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Sốt thường là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động để chống lại một bệnh hoặc tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Là những người trực tiếp chăm sóc trẻ, bố mẹ cần trang bị các kiến thức về xử trí và chăm sóc trẻ bị sốt để bảo vệ con mình.
Sốt ở trẻ em là gì?
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, trong khi nhiệt độ cơ thể bình thường trung bình là 37 °C (36,4°C < Phạm vi nhiệt độ bình thường < 37,5°C). Trẻ bao nhiêu độ thì sốt? Hầu hết các bác sĩ nhi khoa xem xét nhiệt độ 37,8 độ C hoặc cao hơn là dấu hiệu của một cơn sốt ở trẻ.
Nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ em
Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại một bệnh lý hoặc tình trạng nhiễm trùng. Trong đa số trường hợp sốt thường vô hại, tuy nhiên sốt cao có thể khiến trẻ dưới 6 tuổi co giật, tai biến. Do vậy, tìm ra nguyên nhân trẻ bị sốt để điều trị là điều tối quan trọng. Thông thường, sốt ở trẻ em chủ yếu do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,…Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tình trạng sốt ở trẻ em cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
- Phản ứng dị ứng.
- Các bệnh tự miễn: ung thư, Lupus …
- Chấn thương như gãy xương, tụ máu.
- Mọc răng cũng có thể khiến trẻ tăng thân nhiệt.
- Do sinh lý (vận động), thời tiết quá nắng nóng,…
- Sự mất cân bằng nội tiết tố.
- Một số loại thuốc.
- Tăng thân nhiệt ác tính là hiếm, bệnh di truyền.
Biểu hiện khi trẻ bị sốt
Thông thường tuỳ theo nhiệt độ sốt mà trẻ có triệu chứng hay không. Có thể phát hiện sốt khi trẻ có các biểu hiệu sau:
- Trẻ li bì, mệt mỏi hoặc kích thích, quấy khóc.
- Biếng ăn.
- Thở nhanh.
- Sờ nách hoặc bụng trẻ thấy ấm, nóng.
- Co giật.

Để đo nhiệt độ đúng khi trẻ sốt, bố mẹ cần nhớ
- Nhiệt độ cơ thể bình thường thay đổi theo tuổi, sức khỏe nói chung, mức độ hoạt động, và thời gian trong ngày.
- Trẻ sơ sinh thường có nhiệt độ cao hơn so với trẻ lớn hơn.
- Nhiệt độ cơ thể cao nhất giữa buổi chiều muộn và buổi tối, thấp nhất giữa nửa đêm và sáng sớm.
- Trẻ mặc nhiều quần áo có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
Những trường hợp cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế
Phụ huynh cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ bị sốt khi chưa được 2 tháng tuổi.
- Sốt trên 40 độ C.
- Trẻ quấy khóc không dỗ được hoặc bứt rứt nhiều.
- Trẻ khóc mỗi khi cử động hoặc khi cha mẹ chạm vào.
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
- Có dấu hiệu cứng cổ bất thường.
- Phát ban trên da.
- Khó thở và không cải thiện sau khi làm sạch mũi trẻ.
- Trẻ không thể nuốt thức ăn, không bú được, không uống nước được.
- Nôn ói nhiều.
- Tiêu ra máu, ói ra máu.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ trông rất yếu ớt và suy kiệt.
Cách xử trí sốt ở trẻ
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng.
- Bổ sung canxi và vitamin C.
- Mặc áo quần mỏng, phòng ở của trẻ thoáng mát.
- Lau mát bằng nước ấm.

Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt
- Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt.
- Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.
- Không được nặn chanh vào miệng trẻ.
- Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát người cho trẻ.
- Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não ( hội chứng Reye).
- Tránh tâm lý sốt ruột cần cho trẻ hạ sốt nhanh mà vừa cho trẻ uống hạ sốt vừa nhét hậu môn cùng lúc vì sẽ gây tình trạng quá liều
- Khi trẻ đang co giật, không giật tóc, vỗ vào người trẻ vì càng khiến trẻ bị kích thích và co giật nhiều hơn.
- Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực…mà vẫn không hạ nhiệt, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn.
Sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân như vi khuẩn, virus khi chúng tấn công và xâm nhập. Tuy nhiên, tình trạng sốt, nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời sẽ khiến trẻ bị mất nước, mệt mỏi, suy kiệt cơ thể và gây nên một số biến chứng nguy hiểm.