Sốt virus là một trong những bệnh lý mà trẻ em thường xuyên gặp phải. Sốt virus có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho trẻ. Chính vì vậy, hiểu rõ về sốt virus ở trẻ em là điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các bậc phụ huynh.
Sốt virus là tìnhh trạng gì?
Hiện tượng sốt virus gặp ở trẻ em còn gọi là sốt siêu vi. Đây là bệnh lý thường gặp, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng lên vào thời điểm giao mùa. Virus gồm rất nhiều loại và các chủng khác nhau. Theo thống kê trên thế giới hiện nay, có tới 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết và có tới hàng triệu dạng virus khác nhau, mỗi loại virus lại được phân ra thành rất nhiều chủng.
Điều đặc biệt, là virus không có thuốc điều trị dứt điểm như vi khuẩn (vi khuẩn có thuốc kháng sinh để điều trị dứt điểm). Điều trị virus chủ yếu là điều trị kết hợp với chăm sóc làm giảm nhẹ các triệu chứng, sau một thời gian hệ miễn dịch trong cơ thể bé sẽ tự “đào thải” virus, bệnh của con sẽ tự khỏi.
Hiện nay, có một số loại thuốc kháng virus hay thuốc chống virus. Tuy nhiên, phần lớn sốt virus ở trẻ em là những virus hay gặp và lành tính. Vì vậy việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus cần có sự cân nhắc thật kỹ và có chỉ định từ bác sĩ nhi khoa, dựa trên căn cứ vào tình trạng bệnh, loại virus, mức độ nguy hiểm và sức khỏe của con.
Nguyên nhân gây bệnh
Sức đề kháng của trẻ còn yếu, trong khi virus lại dễ lây lan qua đường nước, đường không khí và truyền từ người này sang người khác, nên các bé rất dễ lây nhiễm dẫn đến bị sốt siêu vi. Sốt siêu vi ở trẻ có thể xảy ra do:
- Trẻ tiếp xúc với người bị nhiễm virus hoặc người mang mầm bệnh nhưng chưa có triệu chứng của nhiễm virus.
- Giọt bắn chứa virus của người bệnh xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường hô hấp.
- Trẻ ăn chung hoặc uống chung với người bị nhiễm virus (bạn bè, cha mẹ…)
- Trẻ bị cắn bởi côn trùng (muỗi, bọ ve…) mang virus gây bệnh. Một số bệnh sốt siêu vi ở trẻ do côn trùng cắn là sốt xuất huyết, sốt vàng da, Zika và Chikungunya.
- Sốt siêu vi ở trẻ cũng có thể do nguồn nước bị ô nhiễm.

Dấu hiệu của sốt virus
Sốt siêu vi thường kéo dài hơn các loại sốt khác nên khiến nhiều mẹ rất lo lắng. Vậy trẻ sốt siêu vi mấy ngày hết? Dưới đây là 3 dấu hiệu giúp mẹ nhận biết trẻ sắp khỏi sốt siêu vi:
- Trẻ hết sốt hoặc chỉ sốt nhẹ dưới 38 độ C: Trẻ có thể khỏi hoàn toàn sốt siêu vi sau 2 – 3 ngày.
- Trẻ không ho, không chảy nước mũi, ngạt mũi: Thường sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày.
- Trẻ ăn uống ngon miệng, không mệt mỏi: Thường bé sẽ khỏe sau khoảng 5 – 7 ngày.
Sốt virus ở trẻ có gây nguy hiểm?
Sốt virus ở trẻ em thường chỉ gây ra các biểu hiện sốt dữ dội trong vòng từ 3 đến 5 ngày sau khi nhiễm virus. Sau đó sốt sẽ tự giảm dần và lành hẳn. Tuy nhiên, có một số trường hợp sốt không biểu hiện quá rõ ràng, trẻ chỉ bị sốt nhẹ. điều này dễ khiến cho các bậc phụ huynh chủ quan và thiếu phương pháp can thiệp kịp thời. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ gặp phải một số biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim hay viêm thanh quản, thậm chí là ảnh hưởng tới não bộ.
Các biện pháp xử trí khi trẻ bị sốt virus
Cặp nhiệt độ
Chính xác nhất là dùng nhiệt kế thủy ngân cặp ở nách hoặc hậu môn trong 5 phút. Chú ý trước khi cặp phải vẩy nhiệt kế cho cột thủy ngân về mức thấp nhất.
Uống thuốc hạ sốt
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5ºC; giữa các lần uống thuốc cách nhau ít nhất từ 4 – 6 giờ và không quá 6 lần/24h. Thuốc thường dùng là: Paracetamol với liều từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần. Ngoài ra cho trẻ mặc quần áo mỏng, lau trán – nách – bẹn bằng khăn nhúng nước ấm. Tuyệt đối không chườm bằng khăn nhúng nước lạnh.
Thuốc chống co giật
Nếu trẻ sốt cao trên 39ºC, có biểu hiện run chân tay… có nguy cơ co giật phải cho trẻ uống thêm thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ.
Bù nước và điện giải
- Với trẻ nhỏ: cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.
- Với trẻ lớn hơn: cho trẻ uống nhiều nước Oresol theo nhu cầu.
Chống bội nhiễm
Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần/ngày, mỗi bên mũi từ 2 – 4 giọt để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
Dinh dưỡng
Nên cho trẻ ăn những đồ ăn dễ tiêu như cháo, súp… có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu cần. Cho trẻ uống thêm nước hoa quả nếu trẻ không bị tiêu chảy phân lỏng.

Phòng ngừa sốt virus
Sốt virus là bệnh lây truyền rất dễ gây thành dịch. Do đó khi có dịch sốt virus, cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa sốt virus để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Một số nguyên tắc phòng ngừa sốt virus bao gồm:
- Trẻ bị nhiễm virus cần được nghỉ học để tránh lây truyền với trẻ khác.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ và các loại vitamin để tăng sức đề kháng cơ thể cho trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh, lau chùi nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, không cho trẻ ngậm tay, đồ chơi, thường xuyên rửa tay cho trẻ.
- Hạn chế đến nơi đông người. Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài thời tiết mưa, lạnh.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu sốt virus ở trẻ em như ho, sổ mũi, sốt cao…cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị, tránh lây lan cho anh/chị em trong nhà và các bạn cùng lớp.
- Hiện nay một số loại bệnh do virus gây ra đã có vắc xin phòng ngừa như Vacxin viêm não Nhật Bản, Sởi – Quai bị – Rubella… cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh và tạo độ miễn dịch cho trẻ.
Sốt virus ở trẻ em nếu không được điều trị hiệu quả và kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hiểm cho trẻ. Vậy nên, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần được thăm khám và có biện pháp điều trị hợp lý. Các bậc phụ huynh không nên quá chủ quan mà phải chăm sóc trẻ chu đáo, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn ngừa các mầm bệnh.