Các vấn đề về sức khỏe luôn không phân biệt tuổi tác. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ ở các mức độ khác nhau. Hiểu rõ về các nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ là cách hữu ích nhất để xây dựng biện pháp phòng ngừa và tăng cường sức khỏe thần kinh, giúp phục hồi trí nhớ hiệu quả.
Tình trạng trí nhớ kém ở người trẻ là như thế nào?
Trí nhớ kém ở người trẻ được hiểu là tình trạng suy giảm chức năng hoặc quá trình truyền tải thông tin của não bộ. Theo các chuyên gia, khi tình trạng trí nhớ suy giảm ở người trẻ kéo dài có thể gây diễn biến thành các chứng sa sút trí tuệ thường gặp ở người già. Nghiệm trọng nhất có thể dẫn tới bệnh lý Alzheimer.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi. Trong đó, nhiều nguyên nhân liên quan đến lối sống có thể được kiểm soát ngay từ khi còn trẻ.
Tác động của các gốc tự do có trong quá trình chuyển hóa
Một trong những yếu tố gây nên hội chứng này là tác động của các gốc tự do có trong lúc chuyển hóa của cơ thể. Các gốc tự do này ảnh hưởng trực tiếp lên những mô nào có chứa nhiều lipid (não là nơi sử hữu 60% lượng lipid có trong cơ thể).
Ở người trẻ thì hoạt động chuyển hóa diễn ra khá mạnh mẽ. Đặc biệt là trong trường hợp bạn thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm như: đồ ăn nhanh, chất kích thích, hoặc thức ăn chứa nhiều năng lượng,…dễ sinh ra nhiều gốc tự do làm tế bào thần kinh dễ bị tổn thương. Từ đó, não bộ sẽ bị hư hỏng gây suy giảm trí nhớ.
Thường xuyên bị stress và trầm cảm
Người trẻ tuổi thường trong trạng thái stress kéo dài do phải chịu nhiều áp lực từ các vấn đề trong cuộc sống như học tập, công việc, gia đình,… Việc này tác động trực tiếp đến sự nhận thức và trung tâm thần kinh làm bạn khó tập trung, dễ bị phân tán và tốc độ phản ứng cũng chậm hơn. Sau một thời gian mà không có cách khắc phục đúng đắn sẽ gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi.
Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Khi chúng ta ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi, đào thải độc tố và tái tạo năng lượng. Lúc này, sóng não được tạo ra nhằm lưu trữ các thông tin trong quá trình ta ngủ sau đó chuyển đến vỏ não để lưu giữ lại ký ức. Việc thiếu ngủ làm ngưng trệ quá trình chuyển thông tin đến não làm bạn mau quên.
Công việc quá tải
Khi bạn phải đảm nhận quá nhiều việc cùng một lúc, não bộ sẽ hoạt động quá tải gây nên chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi. Do đó, bạn chỉ nên tập trung làm từng việc một cách tuần tự, tránh trường hợp cùng một thời điểm phải giải quyết quá nhiều vấn đề.
Thiếu dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp não khỏe hơn Đôi khi, việc ăn uống thiếu chất sắt gây thiếu máu làm cho bạn dễ bị mệt mỏi, da dẻ xanh xao, chóng mặt,… từ đó dẫn đến tình trạng trí nhớ bị giảm sút.
Bệnh giảm trí nhớ ở người trẻ do lạm dụng rượu, bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, ngay cả khi tác dụng của rượu đã hết. Các chuyên gia khuyến nghị bạn không nên uống quá 2 ly bia/ngày (đối với nam) và không quá 1 ly bia/ngày (đối với nữ).

Dấu hiệu thường gặp
Những người trẻ bị suy giảm trí nhớ thường có các biểu hiện sau:
- Thường xuyên quên mất vị trí để các đồ đạc.
- Khó tập trung, lơ đãng trong học tập và công việc.
- Khó khăn khi ghi nhớ các thông tin mới.
- Không nhớ các mốc thời gian và sự kiện trong quá khứ.
- Đầu óc luôn trong trạng thái trống rỗng, mơ hồ.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, hay phiền muộn, dễ nóng giận.
- Giảm khả năng phán đoán và đánh giá sự việc.
- Hay gặp phải các vấn đề như: quên khóa cửa, quên tắt vòi nước, quên tắt bếp,..
Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống của người trẻ tuổi như thế nào?
Các nghiên cứu cho thấy, tế bào thần kinh thoái hóa ở độ tuổi trên 20. Từ 25 tuổi trở đi, mỗi ngày có tới 3.000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm. Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài và các gốc tự do bên trong ảnh hưởng tiêu cực làm sự thoái hóa tế bào thần kinh diễn ra nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và cuối cùng gây ảnh hưởng đến trí nhớ và tác động tiêu cực đến cuộc sống của người trẻ.
Về công việc
Đối tượng bị suy giảm trí nhớ thường lơ đãng, thiếu tập trung vào việc học hay làm việc. Khả năng ghi nhớ suy giảm cũng khiến tư duy và suy nghĩ về các vấn đề sa sút theo. Do đó, người bệnh thường phản ứng chậm chạp với mọi thứ và không còn khả năng đáp ứng được các công việc, các bài học.
Về cuộc sống
Những ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh suy giảm trí nhớ có thể biểu hiện ở những việc đơn giản như: đi chợ quên mang tiền, không nhớ tắt điện khi đi ra ngoài… Lâu dần làm người bệnh thay đổi tâm trạng và hành vi, cảm xúc, hay cáu gắt và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
Về sức khỏe
Các chuyên gia khẳng định nếu tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ không được giải quyết kịp thời thì trong vòng 3 năm có thể sẽ chuyển sang giai đoạn sa sút trí tuệ.
Khi đó, não bộ mất dần khả năng điều khiển các cơ quan chức năng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong. Khi đã sa sút trí tuệ, các tế bào não tổn thương và không còn khả năng phục hồi, bao gồm: chết tế bào não, teo não, tổn thương mạch máu não hoặc tổn thương chất trắng.

Cải thiện tình trạng hay quên, chậm nhớ ở người trẻ
Tình trạng trí nhớ giảm sút kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và công việc. Khi bạn nhận thấy các triệu chứng trí nhớ bị suy giảm thì hãy thăm khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp điều trị sớm.
Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn tăng cường cải thiện trí nhớ:
- Thường xuyên luyện tập thể thao để tăng cường dinh dưỡng và oxy cho não bộ, cơ thể và tinh thần luôn khỏe mạnh. Thiền hoặc yoga có thể giúp máu lưu thông lên não và cải thiện tâm trạng.
- Giải tỏa tâm lý, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
- Tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí.
- Sắp xếp công việc khoa học, không làm quá nhiều việc cùng lúc.
- Chơi các trò chơi trí tuệ như tính nhẩm, giải ô chữ, cờ vua, cờ tướng,… để rèn luyện khả năng ghi nhớ cho não bộ.
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Bổ sung chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng tốt cho não bộ. Trái cây, rau xanh, cá, đậu, thịt gia cầm, trứng, sữa,… là các thực phẩm tốt cho não..
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích để ngăn ngừa nguy cơ suy giảm trí nhớ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi thường không quá nguy hiểm. Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, nếu nghi ngờ về các vấn đề sức khỏe khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.