Nhiều năm trở lại đây, số lượng người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu đang ngày một tăng cao. Trong khi đó, phần lớn mọi người thường có thái độ thờ ơ khi mắc bệnh vì cho rằng bệnh lý này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới là gì?
Suy tĩnh mạch sâu chi dưới là tình trạng được hiểu biết khá cặn kẽ, trong đó có sự hư hỏng của các van tĩnh mạch dẫn tới sự xuất hiện các dòng máu trào ngược trong hệ thống tĩnh mạch theo tác dụng của trọng lực và hiệu ứng cơ bơm. Dòng trào ngược gây ra tình trạng ứ trệ máu tĩnh mạch tại ngoại vi, làm xuất hiện các triệu chứng cơ năng như nhức mỏi, vọp bẻ, sưng phù chân, rối loạn biến dưỡng, chàm da, loét không lành…
Giãn tĩnh mạch chân (varicose vein) là các thay đổi về hình thái của tĩnh mạch nông. Tĩnh mạch tăng kích thước, giãn trướng, nở phồng, dài ra, gập góc, xoắn cuộn lại, nhìn thấy rõ trên da và sờ được.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch sâu
- Do di truyền: Đây là nguyên nhân chủ yếu.
- Do khiếm khuyết van tĩnh mạch bẩm sinh.
- Tăng áp lực tĩnh mạch do thói quen thường xuyên đứng lâu hay ngồi lâu, mang thai.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu ngăn cản dòng máu trở về tim và làm hư hại van tĩnh mạch.
- Viêm tĩnh mạch có gây hình thành huyết khối ở tĩnh mạch nông hoặc sâu.
- Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ phẫu thuật, bất động lâu trong gãy xương.
- Các yếu tố nguy cơ: Nữ giới sinh đẻ nhiều lần, thừa cân, sử dụng nhiều thuốc tránh thai; người lười vận động, công việc ít thay đổi tư thế, hút thuốc lá, tuổi cao trên 50…

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới
Mỗi cá nhân có thể gặp các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Nặng mỏi chân.
- Đau chân.
- Phù chân về chiều.
- Tê chân.
- Vọp bẻ, chuột rút.
- Cảm giác dị cảm: nóng rát chân, kiến bò.
Suy tĩnh mạch nghiêm trọng có thể gây sưng nhẹ trong thời gian dài và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về thay đổi màu sắc da chàm, da xơ cứng bì diễn tiến cuối cùng là loét da mặt trong mắt cá chân và vết loét không lành.
Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới có nguy hiểm không?
Thông thường ở giai đoạn sớm, suy giãn tĩnh mạch sâu không gây nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ gây khó chịu, đau đớn, cản trở sinh hoạt.
Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh như:
- Hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, gây tắc mạch tại chỗ hay theo đường mạch máu trở về tim và gây ra biến chứng tắc mạch, nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi, nhồi máu não, nguy cơ tử vong rất cao.
- Đau mạn tính và loét chân.
- Xuất huyết do vỡ tĩnh mạch, thường là do chấn thương.
Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới
Việc xác định chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng bao gồm nhìn thấy những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, da đổi màu, rối loạn dinh dưỡng, loét và sự xuất hiện của các u máu
Cuối cùng, chẩn đoán được xác định bằng siêu âm Doppler màu mạch máu, với phương pháp này cho phép chúng ta xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch để từ đó có thái độ điều trị đúng đắn.
Biện pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới
Điều trị nội khoa
Là phương pháp điều trị chủ yếu nhằm bảo tồn tĩnh mạch bị suy, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. Phương pháp này bao gồm:
- Mang vớ áp lực, thun cuộn: Đeo liên tục ban ngày để hạn chế máu ứ trệ chảy ngược, giảm phù nề.
- Dùng thuốc: Các thuốc được dùng thông thường gồm giảm đau, chống viêm, tăng trương lực thành mạch, tan cục máu đông…
Chích xơ
Áp dụng trong trường hợp giãn tĩnh mạch nhỏ và khu trú.
Phẫu thuật
Cắt bỏ các tĩnh mạch giãn, lột tĩnh mạch, sửa van, tạo hình tĩnh mạch qua da….
Can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần hay laser
Kỹ thuật mới dùng nhiệt để đốt tĩnh mạch giãn, ít đau, mau hồi phục và đảm bảo thẩm mỹ, có thể dùng để thay cho phẫu thuật lột tĩnh mạch kinh điển trước đây.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Thay đổi thói quen sinh hoạt hạn chế đứng lâu hay ngồi lâu, tăng cường tập thể dục thể thao.
- Thay đổi tư thế thường xuyên, tránh đứng lâu ngồi nhiều.
- Uống đầy đủ nước, duy trì trọng lượng hợp lý, chế độ ăn uống nhiều chất xơ.

Các biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới
Thay lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà cho chứng giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Tập thể dục: Đi bộ là một cách tuyệt vời để khuyến khích lưu lượng máu ở chân.
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân thừa sẽ loại bỏ áp lực không cần thiết khỏi tĩnh mạch.
- Chọn giày dép phù hợp: Tránh mang giày cao gót thay vào đó, bạn nên đi giày gót thấp vì nó giúp hoạt động cơ bắp chân nhiều hơn. Điều này tốt hơn cho tĩnh mạch của bạn.
- Tránh quần áo bó sát: Không mặc quần áo chật quanh eo, chân hoặc háng vì những loại quần áo này có thể làm giảm lưu lượng máu.
- Nâng cao chân: Để cải thiện lưu lượng máu ở chân, ngồi kê cao chân, tối ngủ kê cao chân hơn mức tim khoảng 10cm hãy nghỉ ngơi vài lần mỗi ngày để nâng chân lên cao hơn tim. Ví dụ, nằm xuống với hai chân đặt trên ba hoặc bốn chiếc gối.
- Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài: Thay đổi vị trí của bạn thường xuyên để kích thích lưu lượng máu.
Suy giãn tĩnh mạch sâu có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị suy tĩnh mạch nội khoa và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng. Những người bị suy tĩnh mạch nghiêm trọng cần điều trị bằng các phương pháp nội khoa. Nhưng điều quan trọng, bạn cần tới bệnh viện thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ suy giãn tĩnh mạch để được điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Leave a reply