Suy hô hấp cấp là tình trạng nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, gây tổn thương não, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Suy hô hấp là gì?
Suy hô hấp là tình trạng phổi không nhận đủ lượng oxy, hoặc sự tích tụ quá nhiều carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này làm suy giảm oxy máu động mạch, kết quả làm chậm quá trình phân phối oxy đến các mô.
Hội chứng này được chia ra làm 2 loại cấp tính và mãn tính. Thông thường khi nhắc tới tình trạng suy phổi này, tức là người ta muốn nhắc tới tình trạng cấp tính. Về mặt thực hành, suy hô hấp được định nghĩa bởi PaO2 (áp lực riêng khí oxy trong động mạch) < 60mmHg và/hoặc PaCO2 (áp lực riêng khí carbon dioxide trong động mạch) > 50mmHg.
Các mức độ bệnh
Hội chứng suy hô hấp cấp tính cần xác định là cấp cứu hô hấp nghiêm trọng, cần can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Bác sĩ cần phân biệt mức độ nghiêm trọng của suy hô hấp cấp tính để định hướng điều trị và phòng ngừa biến chứng:
- Mức độ nặng: Với mức độ này¸ bệnh có thể kiểm soát được bằng thuốc và một số thủ thuật không đáng kể, song cần điều trị sớm kết hợp theo dõi phòng ngừa biến chứng.
- Mức độ nguy kịch: Yêu cầu phải can thiệp bằng thủ thuật càng sớm càng tốt để cứu sống bệnh nhân, sau đó mới dùng thuốc hoặc dùng thuốc từ đầu để giảm triệu chứng.
Nguyên nhân gây bệnh suy hô hấp cấp
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này gồm nguyên nhân ở phổi và nguyên nhân ngoài phổi.
Nguyên nhân ở phổi
- Các bệnh phổi nhiễm trùng như viêm phế quản, xơ phổi, lao phổi, viêm phổi, thuyên tắc động mạch phổi, tắc nghẽn phế quản,…
- Phù phổi cấp do tim.
Nguyên nhân ngoài phổi
- Tắc nghẽn thanh – khí quản do u thanh quản, u thực quản vùng cổ, u khí quản; do việc nhiễm trùng ở thanh quản, mắc kẹt thức ăn hoặc các dị vật gây tắc thanh quản,…
- Tràn dịch màng phổi, lượng dịch tăng nhanh làm tăng nguy cơ gây hội chứng/bệnh suy hô hấp cấp.
- Các chấn thương ở lồng ngực gây gãy xương sườn, tổn thương màng phổi và phổi.
- Tổn thương hệ thần kinh như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não làm tổn thương đến hoạt động của hệ hô hấp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy hô hấp cấp
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc suy hô hấp cấp như:
- Trẻ sinh non: Phổi chưa phát triển hoàn thiện, trẻ sinh non có nguy cơ suy phổi, tăng áp phổi và các dị tật bẩm sinh khác ở phổi.
- Người lớn trên 65 tuổi: Sức đề kháng suy yếu dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương ở ngực và phổi.
- Người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất độc hại.
- Người nghiện thuốc lá, nghiện bia rượu.
- Người có tiền sử chấn thương đường hô hấp.

Triệu chứng khi bị suy hô hấp cấp
Bệnh nhân suy hô hấp cấp tính có triệu chứng rất rõ ràng và tiến triển nhanh, bao gồm:
- Khó thở: Chức năng hô hấp của phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới khó thở, thiếu oxy máu kèm theo tăng hoặc không tăng CO2 trong máu.
- Biên độ hô hấp tăng: Ở bệnh nhân suy hô hấp cấp tính, biên độ hô hấp tăng nhằm bù vào lượng oxy cung cấp thiếu.
- Nhịp thở bất thường: Bệnh nhân có thể tăng nhịp thở nếu có viêm phế quản phổi hoặc giảm nếu không có cơ kéo, cần can thiệp thở máy ngay để duy trì nhịp thở.
- Xanh tím cơ thể: Tình trạng thiếu oxy trong máu sẽ gây xanh tím cơ thể, nếu tăng nhiều PaCO2 trong máu thì sẽ đỏ tía, vã mồ hôi.
- Rối loạn tim mạch: Bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính có thể bị ngừng tim, rối loạn nhịp tim, rung thất, huyết áp tăng giảm bất thường,… cần cứu cấp càng sớm càng tốt. Đặc biệt, ngừng tim do thiếu oxy nặng phải cấp cứu trong vòng 5 phút nếu không sẽ gây ra tổn thương không thể phục hồi.
- Rối loạn ý thức: Bệnh nhân có dấu hiệu lờ đờ, phản ứng chậm, li bì, hôn mê.
- Rối loạn thần kinh: Não là cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên khi oxy trong máu sớm nên rối loạn thần kinh thường xuất hiện khá sớm ở bệnh nhân suy hô hấp cấp tính.
Biến chứng có thể gặp khi mắc suy hô hấp cấp
Bệnh nhân suy hô hấp cấp nếu được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể lui hoàn toàn. Ngược lại, bệnh có thể tiến triển nặng dần gây ra các biến chứng nguy hiểm:
- Loạn nhịp tim.
- Chấn thương, tổn thương não.
- Suy thận.
- Tổn thương phổi.
- Tử vong.
Trong quá trình suy hô hấp cấp tiến triển có thể gây bội nhiễm phổi hay bội nhiễm ở đường tiểu, thường gặp ở bệnh nhân đặt nội khí quản hoặc thông tiểu.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy hô hấp cấp
Để chẩn đoán suy hô hấp cấp, bác sĩ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp.
- Kiểm tra màu sắc da, môi, đầu chi của bệnh nhân.
- Nghe phổi và kiểm tra bất thường khi thở, kiểm tra ngực di động khi thở.
- Kiểm tra nhịp tim.
- Đo huyết áp, đo nhiệt độ cơ thể.
Các xét nghiệm khác có thể có:
- Xét nghiệm máu: Nguyên nhân gây suy giảm chức năng phổi và hoạt động của cơ quan khác trong cơ thể.
- Xét nghiệm đờm, nước tiểu có nhiễm vi khuẩn hay không.
- Nội soi phế quản phát hiện khối u và nguyên nhân khác gây suy phổi.
- Chụp X–Quang ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện thương tổn, viêm nhiễm.
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm phổi.
- Sinh thiết phổi.
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Kiểm tra O2, CO2, pH,… xác định các vấn đề hô hấp.
Điều trị suy hô hấp cấp
Oxy liệu pháp
Được áp dụng cho bệnh nhân thở khi thiếu oxy, trường hợp vừa thiếu oxy vừa ưu thán thì phải làm bệnh nhân thở tốt, tống hết CO2 thừa ra ngoài trước khi thở oxy.
Các phương pháp thở oxy thường dùng:
- Thở oxy qua thông đặt ở mũi.
- Thở qua mặt nạ.
- Thở oxy trong lều hoặc lồng ấp.
- Thở oxy cao áp.
Điều trị thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm điều trị nguyên nhân hoặc cải thiện triệu chứng, gồm:
- Thuốc kháng sinh: Dùng để điều trị các nhiễm trùng ở phổi như viêm phổi.
- Thuốc giãn phế quản: Giúp mở đường thở, hoặc điều trị các cơn hen suyễn.
- Corticoid: Thu nhỏ đường thở, điều trị các triệu chứng viêm đường thở.
Các phương pháp điều trị khác
Trường hợp người bệnh phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp bổ sung để quản lý và ngăn ngừa các biến chứng suy cơ quan hô hấp xảy ra.
- Chất lỏng: Chất lỏng được truyền từ tĩnh mạch vào mạch máu của người bệnh, giúp cải thiện lưu lượng máu khắp cơ thể.
- Hỗ trợ dinh dưỡng: Người bệnh cần được truyền dinh dưỡng trong suốt quá trình thở máy, đảm bảo cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này giúp duy trì sức mạnh cơ thể, ngăn ngừa hình thành các vết loét, đồng thời giúp rút ngắn thời gian thở máy, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của người bệnh.
- Phục hồi chức năng phổi: Người bệnh được hướng dẫn các bài tập cải thiện mức oxy, phục hồi chức năng phổi.
- Thuốc làm loãng máu: Trường hợp người bệnh bị ốm nặng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc làm loãng máu, ngăn ngừa việc hình thành các cục máu đông.

Phương pháp phòng ngừa suy hô hấp cấp
Không phải tất cả nguyên nhân gây suy hô hấp cấp đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, trong trường hợp suy hô hấp cấp do viêm phổi và một số bệnh liên quan đến đường thở khác, có thể thực hiện một số cách phòng tránh để bảo vệ phổi:
- Bỏ thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.
- Không nên tiếp xúc những chất có nguy cơ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.
- Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường chức năng phổi.
- Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng, cân bằng cảm xúc.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các bệnh lý khác.
- Tiêm vaccine phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn – nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Suy hô hấp cấp là căn bệnh tiến triển nhanh, có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, người bệnh cần hết sức lưu ý những triệu chứng ban đầu của bệnh và cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Song song đó, cần giữ thói quen sống lành mạnh, và tiêm phòng vắc xin đầy đủ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp. Hãy chủ động phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình bạn nhé!