Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận- tiết niệu mạn tính. Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh.
Bệnh suy thận mạn
Suy thận mạn hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Bệnh gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.
Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo từng đợt và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận,… tốn kém rất nhiều tiền của và gây mệt mỏi chán nản cho người bệnh.
Suy thận mạn tính cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện triệu chứng của bệnh đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân gây suy thận mạn
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy thận như:
- Các bệnh lý ở cầu thận: Chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn bao gồm: Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,….
- Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
- Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác:
- Bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport).
- Bệnh tự miễn (như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì).
- Nhiễm độc trong thời gian kéo dài.
- Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
- Bất kì trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận hoặc làm tổn thương thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh: Tắc mạch động mạch thận, nhiễm trùng đường niệu, suy tim sung huyết…
Yếu tố có nguy có cao mắc bệnh
- Những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận đặc biệt bệnh lý về cầu thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn.
- Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống.
- Sử dụng một số loại thuốc gây suy giảm chức năng thận: kháng sinh, NSAID.
Những triệu chứng của bệnh
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, người bệnh có thể có ít triệu chứng, nên không nhận ra cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo đó, các triệu chứng của bệnh thận mạn tính phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất chức năng thận mà người bị suy thận mạn tính có những triệu chứng sau đây:
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Ăn uống kém ngon miệng.
- Mệt mỏi, suy nhược, uể oải.
- Gặp các vấn đề về giấc ngủ.
- Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn, tiểu đêm.
- Chuột rút các cơ bắp.
- Sưng phù bàn chân và mắt cá chân hoặc phù toàn thân.
- Da ngứa, khô, nhợt nhạt xanh xao do thiếu máu.
- Tăng huyết áp khó kiểm soát.
- Khó thở, nếu chất lỏng tích tụ trong phổi.
- Đau ngực, chất lỏng tích tụ ở màng tim.
- Giảm khả năng tình dục.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán suy thận mạn
Các triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn:
- Tăng urê máu >3 tháng.
- Có hội chứng tăng urê máu kéo dài (khi không xác định được thời gian tăng urê máu).
- Định lượng creatinin trong máu tăng cao, từ đó ước được mức lọc cầu thận theo nồng độ creatinin . Mức lọc cầu thận giảm ≤ 60ml/phút, kéo dài > 3 tháng.
- Chẩn đoán hình ảnh (Xquang, UIV, siêu âm) cho thấy: kích thước thận giảm đều hoặc không đều cả 2 bên. có thể gặp 1 số hình ảnh như sỏi thận, nang thận, dị dạng thận,..
- Xét nghiệm nước tiểu có protein trong nước tiểu, trụ niệu, hồng cầu niệu.
- Các triệu chứng hay gặp nhưng ít giá trị để chẩn đoán suy thận mạn: tiền sử bệnh thận-tiết niệu, thiếu máu, tăng huyết áp, phù.
Điều trị suy thận mạn
Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Chữa bệnh suy thận mãn tính bằng các phương pháp sau:
Điều trị nguyên nhân
Điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.
Điều trị các triệu chứng
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của suy thận mạn. Thường rất khó khống chế huyết áp ở những bệnh nhân suy thận mạn. Huyết áp mục tiêu ≤ 130/80 mmHg. Hạn chế muối: <2g/ ngày. Thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT), lợi tiểu,…
- Kiểm soát rối loạn lipid máu: Suy thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch do rối loạn lipid máu. Điều trị bằng các thuốc giảm nồng độ các cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Nhóm thuốc có thể sử dụng là statin, gemfibrozil.
- Điều trị thiếu máu: Thiếu máu rất thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn do thận không sản xuất đủ một chất có tên là erythropoietin (EPO).EPO giúp duy trì quá trình tạo hồng cầu bình thường của cơ thể. Ở bệnh nhân suy thận mạn, mục tiêu với Hb là 11-12g/dL. Việc điều trị bao gồm: Erythropoietin: tiêm dưới da, bổ sung sắt, acid folic.
- Điều trị loãng xương: Bổ sung Vitamin D, và canxi, hạn chế phospho trong khẩu phần ăn giúp cho xương khỏe mạnh.
- Điều trị rối loạn điện giải: Tùy từng trường hợp mà có biện pháp điều trị khác nhau. Trong suy thận mạn, hay gặp là tăng kali máu. Nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ.
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Khi chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường, đi vào suy thận giai đoạn cuối. Điều này có nghĩa là cơ thể không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, phương pháp điều trị: lọc máu, ghép thận. Chạy thận nhân tạo là 1 trong 2 phương pháp lọc máu. Khi chức năng lọc máu của thận không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, lúc này chạy thận nhân tạo sử dụng máy móc hỗ trợ quá trình lọc máu thay thế cho thận. chạy thận nhân tạo được coi là giải pháp tốt nhất cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể duy trì được sự sống.
Điều trị bằng chế độ ăn, sinh hoạt
Thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Bạn có thể kiểm soát suy thận một cách dễ dàng nếu bạn:
- Theo một chế độ ăn mà bác sĩ khuyên, bao gồm việc hạn chế chất lỏng.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không bỏ lỡ liều dùng thuốc.
- Ghi lại cân nặng hằng ngày. Ghi lại lượng chất lỏng bạn uống và lượng nước tiểu thoát ra nếu bác sĩ yêu cầu.
- Tập thể dục thường xuyên hơn nhưng tránh các hoạt động mạnh.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn ớn lạnh, sốt, đau đầu, đau cơ, thở gấp, buồn nôn, nôn mửa và đau ngực.
Leave a reply