Suy tim sung huyết là tình trạng suy tim mạn tính tiến triển ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim. Bệnh ở giai đoạn nặng có thể đe dọa tính mạng nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.
Suy tim sung huyết là bệnh gì?
Suy tim sung huyết hay còn gọi là suy tim mạn, suy tim ứ huyết, suy tim. Đây là tình trạng tim co bóp không đủ lượng máu đến các cơ quan và mô. Khi một bên hoặc cả hai bên tim không đẩy được máu ra ngoài, máu đọng lại trong tim hoặc tắc nghẽn tại các mô hay cơ quan, làm cho máu không chảy đều trong hệ tuần hoàn.
Nếu suy nửa bên trái của quả tim, hệ thống tim bên phải sẽ trở nên tắc nghẽn. Bên tim bị tắc nghẽn từ đó co bóp quá mức cố gắng đẩy máu đi cũng có thể dẫn đến suy tim. Ngược lại, nếu tim bên phải bị suy, tim bên trái cũng sẽ tắc nghẽn và dẫn đến suy tim.
Nguyên nhân gây bệnh suy tim sung huyết
Nguyên nhân gây bệnh
- Tăng huyết áp.
- Bệnh lý van tim như: Hẹp hở van hai lá, hẹp hở van ba lá, hẹp hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi.
- Bệnh cơ tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…
- Bệnh lý tim bẩm sinh.
- Một số rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh thất, nhịp nhanh bất thường, block nhĩ thất hoàn toàn…
- Bệnh lý toàn thân như: Bệnh tuyến giáp, thiếu máu, bệnh về phổi.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Tuổi cao.
- Bệnh lý động mạch vành.
- Béo phì.
- Bệnh đái tháo đường.
- Hút thuốc lá.
- Sử dụng nhiều thuốc có cồn.

Triệu chứng gây suy tim sung huyết
Suy tim huyết là bệnh mạn tính nhưng bệnh cũng có thể đột ngột hình thành. Các triệu chứng chung của bệnh gồm:
- Nhịp tim không đều.
- Thường xuyên ho ra máu.
- Thở khò khè.
- Chán ăn, giảm hoặc mất cảm giác ngon miệng.
- Buồn nôn.
- Đi tiểu vào ban đêm nhiều.
- Tăng cân, các cơ quan trong cơ thể sưng lên do các chất dịch không được bài trừ.
- Khó thở, thở gấp hoặc ho đặc biệt là khi nằm do máu ứ đọng qua phổi. Hiện thường này thường xảy ra ở bệnh nhân suy tim bên trái. Đôi khi, người bệnh cảm thấy kiệt sức.
- Đau vùng bụng, gan, hai chân và bàn chân bị sưng phù do suy tim phải.
Các triệu chứng này biểu hiện ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Khi có các dấu hiệu trên, đặc biệt là đau ngực, thở gấp và ngắn, ho ra máu và ngất xỉu hoặc bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác, hãy thăm khám ngay hoặc liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán kịp thời.
Chẩn đoán suy tim sung huyết
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp phát hiện các tế bào máu bất thường và nhiễm trùng. Phương pháp này gồm có xét nghiệm công thức máu, chức năng thận và chức năng gan. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra mức độ NT-proBNP, một loại hormone tăng lên khi bạn bị suy tim.
X-quang ngực
Chụp X-quang ngực được thực hiện để đánh giá kích thước tim cũng như lượng dịch tích tụ trong phổi và mạch máu.
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG) giúp ghi lại chính xác nhịp tim. Những bất thường trong nhịp tim của bạn, chẳng hạn như nhịp tim nhanh hoặc nhịp không đều, có thể cho thấy các thành của buồng tim dày hơn bình thường. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim.
Siêu âm tim
Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để ghi lại cấu trúc và chuyển động của tim. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ xác định được bạn có bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, dãn các buồng tim, cơ tim bị tổn thương hoặc cơ tim co bóp bình thường hay không.
Siêu âm tim gắng sức
Các bài kiểm tra gắng sức sẽ cho thấy tim của bạn hoạt động như thế nào ở các mức độ gắng sức khác nhau.
Thông tim
Phương pháp này kiểm tra mức độ tắc nghẽn của động mạch vành, lưu lượng máu và áp lực trong buồng tim.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI giúp bác sĩ kiểm tra có tổn thương tim hay không.
Biện pháp điều trị suy tim sung huyết
Dựa vào tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn và mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa
Một số loại thuốc được kê toa cho bệnh nhân suy tim sung huyết là:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Tác dụng giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Thuốc ức chế thụ thể là một lựa chọn thay thế nếu bạn không thể dung nạp thuốc ức chế ACE.
- Thuốc chẹn beta: Làm giảm gánh nặng cho tim, đồng thời hạ huyết áp và điều chỉnh nhịp tim nhanh.
- Thuốc lợi tiểu: Làm giảm lượng dịch trong cơ thể bạn (bệnh có thể khiến cơ thể tích trữ nhiều dịch hơn bình thường).
Điều trị ngoại khoa
Nếu phương pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, có thể bạn cần thực hiện thủ thuật can thiệp, chẳng hạn như:
- Nong động mạch vành: Một thủ thuật để mở rộng các động mạch vành bị tắc nghẽn.
- Phẫu thuật sửa van tim: Giúp van mở và đóng đúng cách.
- Ghép tim: Thay thế trái tim bị suy bằng tim của người hiến tặng. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân suy tim sung huyết giai đoạn cuối.

Biện pháp phòng ngừa
Mặc dù không thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác, tiền sử gia đình…, nhưng bạn có thể thay đổi lối sống để ngăn ngừa suy tim sung huyết. Những điều bạn có thể làm là:
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Ưu tiên những thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như trái cây và rau quả, sữa ít béo, protein nạc và chất béo có lợi (có trong dầu ô liu, cá, quả bơ…).
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh bị căng thẳng kéo dài.
- Bỏ thuốc lá.
- Không uống rượu.
- Không sử dụng chất kích thích.
- Khám và điều trị các bệnh lý liên quan có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh suy tim sung huyết nếu được phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống, vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bệnh cần đến khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Leave a reply