Tuyến yên là tuyến nội tiết kích thước nhỏ, nằm ngay ở hố yên tại não, nơi sản xuất nhiều hormone có vai trò quan trọng điều hòa hoạt động của các tuyến khác trong cơ thể. Vì thế, suy tuyến yên sẽ gây nhiều vấn đề sức khỏe khó điều trị. Căn bệnh này khá ít gặp nên ít trường hợp tự phát hiện qua dấu hiệu bệnh cũng như biết cách điều trị, chăm sóc hợp lý.`
Suy tuyến yên là bệnh gì?
Tuyến yên là một trong những tuyến nội tiết quan trọng nhất của cơ thể nằm ở hố yên tại não, tuyến yên còn tham gia vào quá trình cân bằng điện giải và quá trình điều hòa huyết áp, chức năng tình dục. Suy tuyến yên là một rối loạn hiếm gặp, trong đó tuyến yên hoặc không sản xuất hoặc sản xuất không đủ một hoặc nhiều hormone.
Suy tuyến yên là bệnh lý khá hiếm gặp, do đó ít người biết đến căn bệnh này cũng như hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và tiến triển bệnh. Một vấn đề nữa khiến việc phát hiện sớm và điều trị suy suy tuyến yên gặp khó khăn do căn bệnh này thường tiến triển âm thầm, từ từ. Khi suy tuyến yên ở mức độ nào đó, ảnh hưởng đến các tuyến mới rõ ràng và triệu chứng lúc này mới xuất hiện nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh suy tuyến yên
Có nhiều nguyên nhân gây suy tuyến yên, như:
- Nhiễm trùng: Giang mai, lao, nấm, viêm não, màng não.
- Viêm động mạch thái dương, phình động mạch cảnh, chấn thương sọ não.
- Phẫu thuật vùng tuyến yên.
- Hoại tử tuyến yên sau sinh: Do rối loạn tuần hoàn và chảy máu nhiều, co thắt động mạch, tắc nghẽn mạch máu tuyến yên dẫn đến hoại tử thuỳ trước tuyến yên.
- Nhồi máu tuyến yên ở những bệnh nhân tiểu đường bị thoái hoá mạch máu.
Đối tượng nguy cơ bệnh suy tuyến yên
Những bệnh nhân có các yếu tố dưới đây có nguy cơ suy tuyến yên:
- Có u tại tuyến yên hoặc các khối u chèn ép vùng dưới đồi.
- Dị dạng bẩm sinh.
- Tiền sử phẫu thuật bóc u ở tuyến yên.
- Tiền sử xạ trị vào tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
- Chấn thương, xuất huyết tuyến yên.
- Tiền sử chấn thương sọ não, đặc biệt là ở nền sọ.
- Nhiễm trùng não – màng não, úng não.
- Đột quỵ não.
- Tiền sử mất máu hậu sản.

Triệu chứng bệnh suy tuyến yên
Những dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của suy tuyến yên thay đổi, tùy thuộc vào kích thích tố tuyến yên bị thiếu và thiếu trầm trọng như thế nào. Có thể bao gồm:
Mờ mắt, đau đầu, cứng cổ, một số trường hợp tăng độ nhạy cảm với ánh sáng.
Các dấu hiệu của bệnh sẽ phụ thuộc nhiều vào hệ thống cơ quan tuyến yên tác động vào như :
- Vị trí tuyến giáp: Người bệnh sẽ thấy dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, táo bón, đầy hơi, tăng cân…
- Vị trí cơ quan sinh dục: Tại đây có thể gây nên tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt , giảm tình dục, mất lông mu và không có khả năng sản xuất sữa để nuôi con bằng sữa mẹ ở phụ nữ.
- Vị trí tuyến thượng thận: Khiến người bệnh mệt mỏi, chóng mặt nhiều khi đứng, đau dạ dày, đau vùng bụng…
Biện pháp điều trị bệnh suy tuyến yên
Để có một phác đồ điều trị nội khoa hay phẫu thuật thì các bác sĩ sẽ cần xem xét về thể trạng của người bệnh, đặc tính và kích thước của khối u.
Điều trị bằng các loại hormon thay thế tuyến yên
- Đối với người bệnh thiếu hormone sinh dục, bác sĩ sẽ cho dùng oestrogen (nữ) hoặc testosterone (nam) ở liều thấp nhất có thể đem lại hiệu quả.
- Người bệnh bị suy tuyến yên do bệnh lý của vùng dưới đồi cũng có thể điều trị thành công bằng hormone GnRH giúp phục hồi khả năng sinh dục và sinh sản cho đối tượng nam và nữ.
- Trong khi người bệnh bị thiếu hormone tuyến giáp do suy chức năng tuyến yên sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chức năng tuyến thượng thận và điều trị bằng steroid trước khi dùng hormone tuyến giáp thay thế.
- Người bị thiếu hormone vỏ thượng thận sẽ được dùng hydrocortisone.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến yên được đặt ra khi người bệnh có suy tuyến yên, có sự phát triển bất thường ở các mô tuyến yên.

Cách phòng ngừa bệnh suy tuyến yên
Bệnh nhân suy tuyến yên có thể phòng ngừa các biến chứng xấu của bệnh nhờ các biện pháp:
- Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và tránh bia rượu, thuôc lá.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe.
- Bổ sung vitamin C, B và các nguyên tố vi lượng.
- Uống thuốc theo liều lượng được chỉ định; không được tự ý ngưng sử dụng thuốc.
- Khám bác sĩ thường xuyên theo hẹn để theo dõi và điều chỉnh liều thuốc hormone.
- Liên hệ bác sĩ nếu bạn xuất hiện sốt, buồn nôn, nôn mửa.