Tắc tuyến lệ là hiện tượng gây ra tình trạng ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có gỉ mắt ở người bệnh. Tắc tuyến lệ có thể do bẩm sinh hay mắc phải sau chấn thương và xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt.
Tắc lệ đạo ở trẻ em là gì?
Tắc lệ đạo là hiện tượng tắc ống lệ mũi gây nên ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có rử mắt ở trẻ em. Là bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải. Tắc lệ đạo có thể ở một hoặc hai bên mắt của trẻ.
Nguyên nhân gây tắc lệ đạo
Một số nguyên nhân phổ biến như:
- Không có hoặc hẹp điểm lệ nằm ở góc trong của mắt (là điểm khởi đầu của ống lệ đạo).
- Dò ống lệ mũi bẩm sinh.
- Tắc lệ đạo bẩm sinh: thường gặp khoảng 50% trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên đầu dưới của ổng lệ mũi còn màng tắc, hoặc do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
- Bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo, gặp trong hội chứng Down.
- Polyp mũi làm tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi có thể là nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh.
- U: bất kỳ một khối u nào có khả năng gây chèn ép ống dẫn nước mắt đều là nguyên nhân của tắc lệ đạo.
Dấu hiệu nhận biết
Tắc tuyến lệ là rối loạn phổ biến nhất về hệ thống tuyến lệ ở trẻ sơ sinh. Khi mắc phải tình trạng này, bé thường có các dấu hiệu tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sau:
- Biểu hiện của tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh: Gào khóc nhưng không có nước mắt.
- Dịch tiết ra nhiều hơn khi đè nhẹ lên các góc trong của mí mắt dưới.
- Biểu hiện khó chịu hơn trong những ngày lạnh, có gió hoặc khi bị cảm.
- Tuyến lệ có ghèn, ảnh hưởng đến hai mắt trong khoảng 30% thời gian trong ngày.
- Dịch tiết ra từ mắt, mắt bé có thể chảy nước hoặc tiết ra chất nhầy và mủ, tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn.
Biến chứng tắc lệ đạo không thể xem thường
Tắc lệ đạo không phải bệnh hiếm gặp, cũng không quá phức tạp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm mủ túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc; gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt; gây dò túi lệ (trong trường hợp axpe vỡ).
Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ
Các triệu chứng của trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ xuất hiện từ sớm, thường sẽ trước khi trẻ được ba tháng tuổi. Các bác sĩ nhi cũng như nhãn khoa sẽ tìm kiếm những dấu hiệu sau để chẩn đoán:
- Chảy nước mắt quá nhiều.
- Mí mắt dưới sưng do tích tụ chất lỏng.
- Mắt hoặc lông mi dính lại sau khi ngủ.
- Khóe mắt sưng đỏ.
- Khu vực gần mũi sưng đau.
Các bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo các triệu chứng của trẻ không liên quan đến những vấn đề sức khỏe khác. Bên cạnh đó, họ cũng kiểm tra áp lực mắt cũng như sức khỏe của giác mạc để loại trừ trường hợp tăng nhãn áp. Những triệu chứng như mắt đỏ, sưng và kích ứng cũng sẽ được cân nhắc kỹ để loại từ viêm kết mạc (đau mắt đỏ).
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị tắc tuyến lệ thường được chọn lựa dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt trong một số trường hợp, bác sĩ cũng cần áp dụng nhiều cách chữa khác nhau. Những phương pháp điều trị tắc tuyến lệ phổ biến bao gồm:
- Làm giãn điểm lệ.
- Nong, thăm dò và rửa. Kỹ thuật này hay được áp dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi không thể tự mở tuyến lệ hoặc người trưởng thành bị tắc tuyến lệ một phần.
- Dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây tắc tuyến lệ là do viêm nhiễm. Thuốc kháng sinh có thể dưới dạng nhỏ mắt hoặc thuốc viên.
- Trong trường hợp nguyên nhân gây tắc tuyến lệ là do chấn thương vùng mặt, các bác sĩ có thể đề nghị bạn chờ thêm một thời gian đến khi vết thương đã lành để xem liệu tình trạng bệnh có cải thiện hay không.
- Massage túi lệ và ống dẫn lưu nước mắt.
- Giãn chỗ tắc nghẽn thông qua ống thông có bóng.
- Đặt stent hoặc luồn ống thông.
- Phẫu thuật mở thông túi lệ.
Bố mẹ cần chú ý giữ vệ sinh mắt cho bé hơn. Có thể dùng bông y tế thấm nước đun sôi để nguội nhẹ nhàng lau mắt cho bé 3-5 lần/ngày để lấy hết ghèn, gỉ bám quanh mắt. Nếu phát hiện mắt bé sưng đỏ, cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám ngay.
Các trường hợp tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh, tuyến lệ có thể tự khai thông mà không cần điều trị. Còn với người bị tắc tuyến lệ bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Do đó, nếu trẻ em trong gia đình có biểu hiện tắc tuyến lệ cũng không nên quá lo lắng mà cần đến bệnh viện để bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh. Từ đó đưa ra các phương án điều trị phù hợp với lứa tuổi và tình trạng tắc tuyến lệ đang mắc phải.
Leave a reply