Tắc ruột là gì?
Tắc ruột là tình trạng các chất trong ruột không di chuyển, bị ứ đọng lại một chỗ, có thể ở bất cứ vị trí nào từ ruột non đến ruột già. Dựa vào nguyên nhân có thể phân chia thành:
- Tắc ruột cơ học: sự tắc nghẽn xảy ra do nguyên nhân thực thể, thường là dính ruột, ung thư đại tràng, lồng ruột (hay gặp ở trẻ em), thoát vị, xoắn ruột…
- Tắc ruột cơ năng: liên quan đến tổn thương thần kinh và giảm nhu động ruột trong khi không có vấn đề thực thể nào. Loại tắc nghẽn này thường xảy ra sau khi phẫu thuật ổ bụng.
Đối tượng nào dễ mắc hội chứng tắc ruột?
Hội chứng tắc ruột khá phổ biến và có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn có thể kiểm soát căn bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tắc ruột, bao gồm:
- Chấn thương đường ruột hoặc chấn thương trong quá khứ.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Từng thực hiện chiếu xạ tại hoặc gần vùng bụng.
- Bệnh Crohn.
- Viêm túi thừa.
- Phẫu thuật ổ bụng, nhiễm trùng hoặc chấn thương.
- Tiền sử mắc bệnh tắc ruột.
- Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali và canxi.
- Lão hóa.
- Bệnh động mạch ngoại biên.
- Sụt cân nhanh.

Dấu hiệu khi bị tắc ruột
Các triệu chứng tắc ruột thường thấy gồm:
- Đau, co thắt dạ dày.
- Đầy bụng, sưng bụng.
- Cảm giác khó chịu ở bụng.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng từng ít một.
- Đầy hơi, chướng bụng, căng tức bụng.
- Mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn.
Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu tắc ruột trên, nhất là sau khi trải qua phẫu thuật, hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Sự tắc nghẽn này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tắc ruột có nguy hiểm không?
Tình trạng này khi không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Hoại tử tế bào mô ruột.
- Nhiễm trùng lan rộng, có thể dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán tắc ruột thế nào?
Khi có biểu hiện nghi ngờ tắc ruột, người bệnh tìm đến các địa chỉ y tế. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng vùng bụng và đặt câu hỏi về các triệu chứng người bệnh gặp phải. Bác sĩ sẽ hỏi cả về tiền sử mắc bệnh của bạn, gia đình bạn cũng như những loại thuốc bạn dùng gần đây. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận bệnh chính xác nhất.
Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán về tắc ruột bao gồm:
- Chụp X Quang cản quang bơm thuốc barium. Phương pháp này còn có tác dụng điều trị chứng lồng ruột với trẻ em.
- Chụp CT giúp xác định vị trí đoạn ruột bất thường.
- Siêu âm ổ bụng cho thêm dữ liệu về tình trạng ruột đang tắc nghẽn, phình to hay có bất thường thực thể nào…

Điều trị và phòng bệnh tắc ruột
Cấp cứu một trường hợp tắc ruột gồm: trợ tim phổi, bồi phụ chất điện giải, đặt ống thông mũi – dạ dày để giảm đè ép, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn.
Do khó phân biệt một tắc ruột non nghẹt với một tắc ruột non hoàn toàn, nên cần hội chẩn ngoại khoa sớm. Nếu tắc ruột không hoàn toàn thường được xử trí không phẫu thuật trong khoảng 48 giờ, nếu không kết quả phải can thiệp ngoại khoa sớm.
Điều trị liệt ruột cần duy trì thể tích trong huyết quản. Hạn chế ăn uống bằng đường miệng, điều chỉnh các chất điện giải, đặc biệt là giảm kali-huyết. Cần đặt một ống thông mũi-dạ dày hay miệng-dạ dày để điều trị triệu chứng trướng bụng và gây khó chịu.
Ngưng ngay các thuốc làm chậm nhu động ruột như opiate. Trường hợp liệt ruột kéo dài trên 3 – 5 ngày, cần chụp hình ảnh để phát hiện nguyên nhân gây tắc ruột.
Phòng bệnh: cần điều trị tốt các bệnh là nguyên nhân gây dính ruột, thoát vị, hậu phẫu nội soi, ung thư, viêm ruột, sỏi mật, lồng ruột, áp-xe, giun đũa…
Tắc ruột là một trong những bệnh lý cần được cấp cứu khẩn trương để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh. Nếu được chẩn đoán và can thiệp trong vòng 24 giờ đầu tiên thì tiên lượng tốt, còn trường hợp chậm xử lý thì khả năng phục hồi của ruột sau điều trị càng ít. Người bệnh sẽ bị sốc nặng do mất máu, do hấp thụ độc tố qua thành ruột bị hoại tử và viêm màng bụng, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.