Viêm tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là tình trạng một lượng sữa bị giữ lại phía bên trong bầu ngực tại các ống dẫn sữa. Điều này gây khó khăn cho quá trình bú sữa của bé yêu hay việc mẹ hút sữa tích trữ.
Tắc tia sữa không gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ. Tuy nhiên, nếu không được xử lý và khắc phục kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của mẹ. Cụ thể như bệnh lý viêm, nhiễm trùng tuyến vú, áp xe vú, u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc sữa làm tăng khả năng mẹ có thể phải nuôi con bằng sữa ngoài.
Nguyên nhân gây tắc tuyến sữa sau sinh
Tắc tuyến sữa sau sinh do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể kể đến như:
- Mới sinh: Sau khi sinh, sữa đã được sản xuất nhiều trong bầu ngực nhưng lại chưa thể chảy ra ngoài cho bé bú dẫn đến ứ đọng khiến bầu ngực căng cứng và gây tắc tia sữa.
- Mẹ nhiều sữa: Nhiều sản phụ có nhiều sữa nhưng bé lại không bú hết dẫn đến sữa dư thừa tồn đọng trong bầu ngực, gây tắc nghẽn. Với trường hợp này, mẹ nên hút sữa ra ngoài thay vì chỉ cho bé bú trực tiếp.
- Bé bú không đúng khớp: Nhiều trường hợp bé vẫn ngậm vú và mút nhưng nếu bé ngậm không đúng khớp thì con sẽ không bú được hết lượng sữa mẹ sản xuất ra. Sữa dư thừa sẽ tồn đọng lại và gây tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: Nếu mẹ không cho bé bú hoặc hút sữa thường xuyên, thường là trên 5 tiếng sẽ khiến sữa bị tồn đọng, gây bít tắc ống dẫn sữa.
- Ngực chịu áp lực: Nếu sau sinh mẹ mặc áo ngực quá chặt, quá bó có thể khiến tia sữa bị chèn ép và gây tắc. Ngoài ra, nằm sấp khi ngủ cũng có thể gây nên tình trạng này.
- Ít hút sữa: Bé bú mẹ trực tiếp có thể không bú được hết lượng sữa mà mẹ sản xuất ra. Nếu bạn không hút sữa hoặc hút chưa hết sữa cũng có thể gây tắc tia sữa do lượng sữa dư thừa ứ đọng lâu trong bầu ngực.
- Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa.

Dấu hiệu khi mẹ bị tắc tia sữa
Các biểu hiện của tắc tia sữa thường tiến triển một cách từ từ, tuy nhiên, một vài trường hợp lại trở nên nhanh chóng và rất rõ rệt. Cụ thể như sau:
- Mẹ cảm thấy một hoặc cả hai bên bầu ngực trở nên căng tức, có cảm giác đau nhức. Tình trạng này có chiều hướng tăng lên mỗi ngày.
- Vùng vú của mẹ xuất hiện các khối tròn có bề mặt gồ ghề với những kích thước khác nhau. Khi sờ vào cảm thấy cứng, và đau.
- Lượng sữa tiết ra rất ít hoặc không tiết ra dù mẹ đã chủ động vắt sữa ra bên ngoài.
- Xuất hiện một số nốt sần nhỏ quanh ngực, vùng ngực có cảm giác nóng bất thường khi chạm vào.
- Một vài trường hợp mẹ có thể xuất hiện các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu,…
Tác hại của việc tắc sữa
Tắc tia sữa nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng:
- Sữa ra ít hoặc không ra dẫn đến trẻ không đủ sữa, ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
- Ống dẫn sữa bị tắc nếu không giải quyết cho thông tia sữa, vú trở nên sưng nóng và đỏ, rất đau, kèm theo sốt, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng viêm vú hoặc nặng hơn để tiến triển thành Abscess vú, người bệnh sẽ phải nhập viện để dẫn lưu mủ.
- Mẹ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, lo lắng trầm cảm sau sanh khi không thể cho con bú mẹ do tắc tia sữa.
Cách chữa tắc tia sữa tại nhà
- Sử dụng xơ mướp chữa tắc tia sữa: Xơ mướp có tính bình, vị ngọt, tác dụng thông kinh lạc và giúp thông tuyến sữa. Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy xơ mướp, bỏ hạt rồi phơi khô. Sau đó, đun xơ mướp với nước rồi uống thay nước lọc.
- Chữa tắc tia sữa bằng đu đủ: Với cách này, mẹ chỉ cần lấy quả đu đủ còn non về cắt thành lát mỏng rồi hơ nóng. Sau đó đắp lên bầu ngực sẽ giúp thông tắc tia sữa một cách nhanh chóng và an toàn.
- Sử dụng xôi nếp: Sử dụng xôi nếp để chữa tắc tia sữa là cách được nhiều mẹ áp dụng. Cách thực hiện rất đơn giản. Bạn lấy xôi nếp nóng cho vào khăn vải rồi buộc lại và chườm lên bầu ngực theo nguyên tắc từ ngoài vào trong. Chỗ nào cứng mẹ chườm lâu hơn để sữa được thông.
- Cách chữa tắc tia sữa bằng lược: Đây là một mẹo dân gian được nhiều người truyền lại, cho rằng có hiệu quả thật sự trong việc chữa tắc tia sữa. Khi bị tắc tia, mẹ hãy dùng lược dày và chải đều lên hai bầu ngực, chải từ trong ra ngoài để giúp khơi thông tia sữa đang bị tắc.
- Chườm nóng: Chườm nóng cũng là một cách chữa tắc tia sữa hiệu quả đã được nhiều sản phụ sử dụng. Bạn có thể dùng khăn xô nhúng nước ấm để đắp lên ngực hoặc dùng chai thủy tinh đổ nước ấm vào rồi lăn qua lại bầu ngực. Lưu ý chỉ dùng nước ấm để tránh bị bỏng rát.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế ôm banh hoặc nằm xuống. Điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
- Cho bé bú thường xuyên: Việc bé bú liên tục sẽ giúp khơi thông tia sữa. Đặc biệt, mẹ nên đổi nhiều tư thế bú khác nhau bởi mỗi tư thế sẽ tác động mạnh mẽ đối với một số tia sữa khác nhau. Càng đổi nhiều tư thế thì càng nhiều tia sữa nhận được lực hút mạnh nhất giúp thông tia.
- Massage vú: Sau sinh bà mẹ thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng hai bầu vú, xoa theo vòng tròn theo chiều kim đồng hồ đồng thời xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa. Có thể dùng khăn ấm massage bầu vú khi thấy hai vú căng tức.

Ngăn ngừa tình trạng tắc tuyến sữa
Để hạn chế tình trạng tắc tuyến sữa xảy ra, mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Thường xuyên cho bé bú đúng cữ, sử dụng tay hoặc máy vắt sữa để loại bỏ phần sữa thừa ra bên ngoài. Tránh tình trạng sữa ứ đọng lâu ngày gây tắc, viêm vú.
- Bổ sung đủ hàm lượng nước cần thiết mỗi ngày.
- Không sử dụng áo ngực quá chật, sai kích thước. Hạn chế các tác động gây áp lực nặng nên vùng ngực.
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ cần tránh việc quá căng thẳng, cố gắng giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, lạc quan và vui vẻ nhất có thể.
- Mẹ nên tập các bài thể dục nhẹ như thiền, yoga, đi bộ,…
Tắc tia sữa có thể là ngyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm đáng báo động cho mẹ bỉm. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu tắc tia sữa, mẹ nên nhanh chóng khắc phục, tránh trường hợp phát triển thành viêm nhiễm, áp xe vú gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà nhưng không đem lại hiệu quả, mẹ cần thăm khám và điều trị tại các bệnh viện, cơ sơ y tế uy tín. Tuân thủ lối sống lành mạnh, khoa học giúp mẹ đẩy lùi nguy cơ tắc sữa đảm chất lượng sữa cho bé.