Viêm đường tiết niệu là bệnh có thể gặp ở bất cứ ai. Tuy nhiên, phụ nữ thường nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới. Viêm đường tiết niệu nữ kéo dài sẽ gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng sinh sản của chị em.
Nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nữ giới
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan của hệ tiết niệu như thận, niệu quản, niệu đạo hay bàng quang. Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu cao hơn nam giới gấp nhiều lần, đặc biệt là những phụ nữ đã quan hệ tình dục thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao hơn.
- Ở nữ giới, niệu đạo hay còn gọi là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài có vị trí quá gần hậu môn. Chính vì thế, những vi khuẩn từ hậu môn, nhất là vi khuẩn E.coli có thể dễ dàng tấn công niệu đạo của phụ nữ và từ đó gây viêm nhiễm. Từ niệu đạo, vi khuẩn gây bệnh sẽ di chuyển ngược lên bàng quang, rồi lên thận,… và có thể gây viêm nhiễm cho tất cả các cơ quan đường tiết niệu.
- Những phụ nữ không biết cách vệ sinh vùng kín, lau ngược từ sau ra trước sẽ vô tình tạo điều kiện cho khuẩn bệnh tấn công niệu đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nữ giới.
- Hơn nữa, niệu đạo ở nữ giới khá ngắn nên vi khuẩn có thể nhanh chóng và dễ dàng hơn trong việc di chuyển lên bàng quang. Đây cũng chính là lý do vì sao nữ giới lại có nguy cơ viêm nhiễm đường tiểu cao hơn nam giới.
- Quan hệ tình dục cũng là một điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bệnh xâm nhập vào vùng kín của phụ nữ và gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Nữ giới bị viêm nhiễm đường tiết niệu thường có nguy cơ cao bị tái phát nhiều lần và chuyển thành mạn tính khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
- Những phụ nữ có cấu trúc hệ tiết niệu bất thường, mắc phải một số bệnh lý khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, nhất là bệnh tiểu đường thì nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu của họ cũng sẽ cao hơn so với những người khác.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh như phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị chấn thương tủy sống, những trường hợp phải điều trị corticoid kéo dài, bệnh nhân bị sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi niệu quản hoặc xuất hiện khối u trong hệ tiết niệu hay một số bệnh làm hẹp đường dẫn tiểu,…
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nữ giới gây ra những triệu chứng gì?
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới có thể gây ra một số triệu chứng như sau:
- Thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu tiện.
- Cảm thấy đau, tức bụng dưới, đặc biệt đau khi tiểu tiện.
- Cảm giác tiểu buốt, tiểu rắt.
- Nước tiểu đục, mùi khai nồng, thậm chí có trường hợp còn tiểu ra máu
- Đau dữ dội ở vị trí thắt lưng.
- Hay tiểu đêm.
- Có biểu hiện sốt, thường sốt nhẹ hoặc sốt cao kéo dài thành từng cơn, khoảng 2-4 ngày.
Phương pháp phòng bệnh
Khi đã hiểu về căn bệnh và nguyên nhân, chị em phụ nữ có thể áp dụng các cách sau để hạn chế nguy cơ viêm đường tiết niệu, bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn:
- Uống nhiều nước để cơ thể có lượng nước tiểu nhiều hơn, tống xuất vi khuẩn ra ngoài.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh vùng kín 1 – 2 lần/ngày đúng cách bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp, tuyệt đối không thụt rửa âm đạo hoặc dùng chất tẩy rửa mạnh.
- Vệ sinh hậu môn từ trước ra sau, tuyệt đối không làm ngược lại.
- Không nhịn tiểu, tình trạng này sẽ khiến nước tiểu ứ đọng và vi khuẩn sinh sôi gây nhiễm trùng.
- Tăng cường ăn các loại hoa quả giàu Vitamin C để tăng cường sức khỏe đường tiết niệu, ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Tránh mặc đồ lót còn ẩm ướt, chưa được giặt sạch hoặc chất liệu nóng, bí.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Khám phụ khoa định kỳ.
Viêm đường tiết niệu ở nữ không điều trị sớm sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, căn bệnh này còn có thể gây nhiều biến chứng khó lường, vì thế không nên chủ quan trong phòng và điều trị bệnh.
Leave a reply