Tăng áp động mạch phổi là bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, từ sơ sinh cho đến người lớn tuổi. Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị kịp thời hoặc loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh thì sẽ có những nguy cơ biến chứng rất nghiêm trọng.
Tăng áp lực động mạch phổi là bệnh gì?
Tăng áp phổi hay tăng áp động mạch phổi (Pulmonary Hypertension – PH) là tình trạng áp lực trong tuần hoàn phổi. Trong tăng áp lực phổi các mạch máu phổi co thắt hoặc tắc nghẽn dẫn đến phì đại và suy thất phải ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim phải.
Trong cấu tạo của tim, tâm thất phải đảm nhiệm chức năng bơm máu đến phổi thông qua một mạch máu lớn được gọi là động mạch phổi. Tại phổi, máu thải ra carbon dioxide (CO2) và làm giàu oxy (O2). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những tế bào lót động mạch phổi có thể bị thay đổi và thành động mạch trở nên xơ cứng, dày lên; mạch máu trong phổi lúc này bị thu hẹp, tắc nghẽn và bị phá hủy. Tổn thương làm chậm lưu lượng máu qua phổi, gây nên tình trạng tăng áp lực động mạch phổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Khi máu chảy qua tim, các buồng dưới bên phải bơm máu lên phổi thông qua động mạch phổi. Máu giải phóng dioxit cacbon và lấy oxy. Qua các mạch máu trong phổi, máu giàu oxy sẽ đến phía bên trái của tim.
Thường thì tăng áp động mạch phổi được chia làm 2 nhóm bệnh chính, dựa vào nguyên nhân gây bệnh:
Tăng áp động mạch phổi nguyên phát
Không thể xác định được nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi. Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng này gồm:
- Đột biến gen, yếu tố di truyền.
- Tác động của thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.
- Do người bệnh bị dị tật tim bẩm sinh.
- Do một số bệnh lý khác như HIV, xơ gan.
- Do bệnh lý tĩnh mạch, mao mạch (tĩnh mạch phổi bị tắc nghẽn…).
Tuy nhiên, hiện nay, những nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi tự phát hầu hết vẫn chưa được công nhận.
Tăng động mạch phổi thứ phát
Tăng động mạch phổi thứ phát xảy ra phổ biến hơn so với tăng động mạch phổi nguyên phát. Một số nguyên nhân gây nên tăng động mạch phổi thứ phát bao gồm:
- Do một số bất thường liên quan đến tim như bệnh van tim, tâm thất trái phì đại…
- Tình trạng bất thường xảy ra ở phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, ngưng thở khi ngủ…
- Động mạch phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông.
- Các mô liên kết bị rối loạn (xơ cứng bì hay lupus).
- Người bệnh bị tim bẩm sinh hoặc suy tim.
- Các bộ phận khác trong cơ thể bị biến chứng và gây ảnh hưởng tới động mạch phổi như bệnh tuyến giáp trạng, đa hồng cầu nguyên phát…
- Do người bệnh sử dụng thuốc kích thích như cocain.
- Do bệnh gan mãn tính.
- Do bệnh phổi, gây ra sẹo giữa các phế nang trong mô giữa.
- Người bệnh bị thiếu máu tế bào hình liềm.
Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng áp động mạch phổi
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị tăng áp động mạch phổi, nhưng cụ thể các đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao bị bệnh:
- Tăng áp động mạch nguyên phát thường xảy ra với những người trẻ tuổi.
- Ngược lại, người lớn tuổi thường bị tăng áp động mạch thứ phát.
- Tính di truyền: trong gia đình có người thân bị căn bệnh này.
- Những người bị thừa cân, béo phì dễ bị tăng áp động mạch phổi do những người này dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Dấu hiệu nhận biết tăng áp lực động mạch phổi
Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh tăng áp động mạch phổi gồm:
- Khi vận động, tập luyện thể dục, người bệnh sẽ nhanh cảm thấy khó thở, mau kiệt sức.
- Thường cảm thấy mệt mỏi.
- Vùng ngực bị đau thắt.
- Tay, chân, mắt cá chân bị sưng phù.
- Nhịp tim, mạch đập nhanh bất thường.
- Các vết xanh tím xuất hiện ở da và môi.
- Người bệnh thường xuyên cảm thấy chóng mặt, có thể bị ngất xỉu.
- Đối tượng bị bệnh tim, phổi nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng lên.
- Người bệnh cảm thấy chướng bụng, khó tiêu.
Biến chứng tăng áp lực động mạch phổi
Các biến chứng tiềm ẩn của tăng áp lực mạch phổi bao gồm:
- Dày/giãn tim bên phải và suy tim (cor pulmonale): Áp lực trong động mạch phổi cao buộc tâm thất phải phải làm việc nhiều hơn để bơm máu lên phổi trao đổi oxy. Theo thời gian, tâm thất phải dày lên (phì đại tâm thất phải), giãn buồng tim phải và dẫn đến suy tim bên phải, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của nhiều cơ quan và hệ thống.
- Các cục máu đông: Bệnh làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong các động mạch nhỏ ở phổi.
- Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): Nếu không điều trị, tình trạng này có thể làm rối loạn nhịp tim và cuối cùng là gây ra tử vong.
- Chảy máu trong phổi: Tăng áp phổi có thể dẫn đến chảy máu vào phổi và ho ra máu, đe dọa đến tính mạng.
- Các biến chứng khi mang thai: Bệnh rất nguy hiểm cho những người đang mang thai. Nó có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi, thậm chí sảy thai, lưu thai, sinh non.
Vì tăng áp lực mạch phổi có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, đo đó điều cần thiết là người bệnh phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
Chuẩn đoán tăng áp lực động mạch phổi
Thăm khám sức khỏe và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán cho người bệnh:
- Chụp thông khí/tưới máu (Quét V/Q): Kỹ thuật này giúp tìm ra cục máu đông có thể gây ra huyết áp cao trong phổi.
- Điện tâm đồ (ECG): Giúp theo dõi hoạt động của tim, có thể phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc các dấu hiệu tăng áp lực buồng tim phải.
- Chụp X-quang ngực: Cho biết động mạch phổi hoặc buồng tim có giãn hay không và giúp gợi ý các tình trạng khác của phổi, tim.
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định một số nguyên nhân của bệnh hoặc phát hiện các dấu hiệu biến chứng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp dựng lên hình ảnh chi tiết của tim, có thể hiển thị lưu lượng máu trong động mạch phổi và đánh giá hoạt động của tâm thất phải.
- Sinh thiết phổi: Đây là một loại phẫu thuật hiếm được sử dụng, trong đó một mẫu mô nhỏ được lấy ra khỏi phổi. Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra nguyên nhân.
Biện pháp điều trị tăng áp lực động mạch phổi
- Tránh các hoạt động có thể làm nặng thêm bệnh (ví dụ như hút thuốc lá, sống nơi quá cao, mang thai, sử dụng các thuốc cường giao cảm).
- Tăng áp động mạch phổi tự phát và gia đình: Epoprostenol đường tĩnh mạch; các chất tương tự prostacyclin dạng hít, uống, tiêm dưới da hoặc đường tĩnh mạch; thuốc đối kháng thụ thể endothelin đường uống; thuốc ức chế phosphodiesterase 5 đường uống, thuốc kích thích cyclase guanylate dạng hòa tan đường uống; thuốc chủ vận thụ thể prostacyclin (IP2) đường uống.
- Tăng áp động mạch phổi thứ phát: Điều trị các rối loạn tiềm ẩn.
- Ghép phổi.
- Liệu pháp hỗ trợ: Thở oxy, thuốc lợi tiểu, và/hoặc thuốc chống đông.

Phòng ngừa bệnh tăng áp động mạch phổi
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Một trong những điều tốt nhất có thể làm cho bản thân là duy trì hoạt động thể dục thể thao. Việc tập luyện thường xuyên (trong đó chạy bộ là một lựa chọn khá phù hợp) sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn, đem lại khả năng thở ổn định.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với các vấn đề về tim và phổi. Do đó, cần bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc nếu có thể.
- Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn giàu ngũ cốc, trái cây, rau quả, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hơn nữa, tăng tiêu thụ thực phẩm như các loại đậu và carbohydrate phức hợp sẽ có lợi cho sức khỏe. Để duy trì cân nặng hợp lý, cần hạn chế thực phẩm có chứa đường tinh luyện, muối, chất béo bão hòa và cholesterol.