Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là mối lo lắng của nhiều bậc cha mẹ bởi triệu chứng bệnh đa dạng và có thể gây biến chứng nặng nề. Hiểu biết về bệnh lý tay chân miệng là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con yêu.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Khi mắc phải tay chân miệng, trẻ thường xuất hiện những triệu chứng điển hình sau:
- Nổi ban đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông,… Thường thì những nốt ban này sẽ không hề gây đau hay ngứa cho người bệnh và sau một thời gian sẽ chuyển thành các phỏng nước.
- Bị loét ở vùng niêm mạc miệng, nhất là lưỡi và vòm miệng. Điều này sẽ khiến cho người bệnh bị đau và khó khăn trong việc ăn uống.
- Xuất hiện tình trạng sốt nhẹ hoặc cao tuỳ theo thể trạng mỗi người.
Bệnh tay chân miệng trẻ em lây nhiễm như thế nào?
Tay chân miệng có tốc độ lây lan khá nhanh và nhất là trong những ngày đầu tiên nhiễm bệnh. Chính vì vậy, có rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề liệu “người lớn có thể lây tay chân miệng ở trẻ không?”
Virus gây ra bệnh tay chân miệng có thể tồn tại trong dịch tiết của mũi họng, nước bọt, dịch nước ở trên da và phân. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lý này có thể dễ dàng truyền nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, cụ thể là khi:
- Tiếp xúc trực tiếp với người đang bị bệnh tay chân miệng.
- Nuốt hoặc hít phải dịch tiết hay nước bọt của người bệnh.
- Tiếp xúc với dịch của bọng nước ở trên da hoặc phân của người bệnh.
- Sử dụng chung vật dụng hoặc đồ chơi với trẻ đang bị mắc tay chân miệng.
- Lây lan thông qua người chăm sóc trẻ đang bị bệnh.
Với những con đường truyền nhiễm đã kể trên, người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ rất dễ bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng nếu không có biện pháp phòng ngừa hoặc vệ sinh đúng cách.
Biến chứng bệnh tay chân miệng
Về cơ bản, nếu bạn có thể đảm bảo rằng con bạn được điều trị đúng cách thì các biến chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ sẽ hiếm khi xảy ra, bởi các biến chứng về sức khỏe của bệnh tay, chân và miệng không phổ biến. Nếu có xảy ra thì rất nguy hiểm với một số biến chứng như:
- Biến chứng thần kinh: Trẻ có thể sẽ bị viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
- Rung giật cơ, giật mình chới với: Rung giật cơ từng cơn ngắn 1 đến 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu trẻ đi ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
- Ngủ gà, ngủ gật, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
- Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp), liệt dây thần kinh sọ não.
- Rung giật nhãn cầu, co giật, hôn mê – Đây thường là dấu hiệu rất nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
- Tăng trương lực cơ (biểu hiện duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ).
- Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
- Phỏng nước sẽ xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông và tồn tại trong thời gian ngắn.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng không gì hiệu quả hơn là giữ vệ sinh sạch sẽ và bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất. Cụ thể:
- Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay người lớn làm vệ sinh cho trẻ. Tắm gội, thay quần áo cho trẻ mỗi ngày.
- Ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, an toàn, uống nước đun sôi để nguội. Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.
- Các vật dụng của trẻ như khăn lau, áo quần, chén bát cũng như dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nên được ngâm rửa với dung dịch khử khuẩn và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
- Bàn ghế, sàn nhà, tay vịn, cầu thang, nắm cửa, nhất là tại các điểm trông giữ trẻ cần được quét dọn, lau chùi bằng nước sát trùng định kỳ, tương tự với nhà vệ sinh, cống thoát nước.
- Ngoài ra, cha mẹ hay người trông trẻ cần chủ động quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ mỗi ngày. Khi có trẻ phát bệnh, cần nhanh chóng báo cáo cách ly và khử khuẩn để giảm thiểu lây lan sang trẻ khác, tạo thành ổ dịch.
- Đối với các trường hợp nghi ngờ bệnh, cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được thăm khám và theo dõi.
Tay chân miệng là một bệnh lý lây truyền ở trẻ em khá thường gặp. Nguy cơ xảy ra dịch rất cao nếu không nhận biết sớm và kiểm soát tích cực. Xây dựng thói quen giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh là một biện pháp hiệu quả để đề phòng tay chân miệng nói chung, các bệnh lý truyền nhiễm khác nói riêng.
Leave a reply