Thiếu máu cục bộ đường ruột là một tình trạng nghiêm trọng vì gây đau đớn, ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của ruột. Trong những trường hợp nặng, giảm lưu lượng máu đến ruột có thể gây tổn thương nhu mô ruột và dẫn đến tử vong.
Thiếu máu cục bộ đường ruột là bệnh gì?
Thiếu máu cục bộ đường ruột là một loạt các tình trạng xảy ra khi sự tắc nghẽn, thường ở một động mạch, làm cho lưu lượng máu đến ruột giảm. Thiếu máu cục bộ đường ruột có thể ảnh hưởng đến ruột non, ruột già (đại tràng) hoặc cả hai.
Thiếu máu cục bộ đường ruột là một tình trạng nghiêm trọng vì gây đau đớn và ảnh hưởng đến hoạt động của ruột. Trong trường hợp nặng, mất máu đến ruột có thể gây tổn hại mô ruột và dẫn đến tử vong.
Thiếu máu cục bộ đường ruột có thể chữa trị được. Để nâng cao cơ hội phục hồi, bạn cần nhận biết các triệu chứng ban đầu và điều trị bệnh kịp thời.
Nguyên nhân thiếu máu cục bộ đường ruột
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột, chẳng hạn như:
- Sự tích tụ mỡ trong động mạch (xơ vữa động mạch).
- Các vấn đề về huyết áp.
- Vấn đề tim mạch.
- Dược phẩm.
- Các vấn đề đông máu.
- Sử dụng ma túy.

Triệu chứng khi bị bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu đường ruột cục bộ có thể phát triển đột ngột (cấp tính) hoặc có thể phát triển dần dần theo thời gian (mạn tính).
Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu đường ruột cục bộ cấp tính bao gồm:
- Đột ngột đau bụng có thể từ nhẹ đến nặng.
- Nhu cầu đi đại tiện cấp thiết.
- Đau, chướng bụng.
- Có máu trong phân.
- Buồn nôn, nôn.
- Sốt.
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu đường ruột mạn tính bao gồm:
- Đau bụng hoặc đầy bụng xảy ra trong vòng 30 phút sau khi ăn và kéo dài 1-3 giờ.
- Đau bụng tăng dần.
- Sợ ăn do đau.
- Sụt cân.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn, nôn.
Thiếu máu cục bộ đường ruột mạn tính có thể trở thành cấp tính, khi đó sẽ xảy ra triệu chứng đau bụng nghiêm trọng liên tục sau khi ăn nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Biến chứng khi mắc bệnh
Các biến chứng của thiếu máu cục bộ đường ruột có thể bao gồm:
- Chết các tế bào ruột: Nếu dòng máu đến ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn và đột ngột, mô ruột có thể chết (hoại tử).
- Thủng ruột: Trên thành ruột có thể hình thành và phát triển một lỗ rò, dẫn đến các chất trong ruột bị rò rỉ vào khoang bụng, gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng (viêm phúc mạc).
- Sẹo hoặc hẹp ruột kết: Đôi khi ruột có thể phục hồi sau chứng thiếu máu cục bộ, tuy nhiên như một phần của quá trình chữa bệnh, cơ thể hình thành mô sẹo làm hẹp hoặc tắc ruột.
Trong một số trường hợp, thiếu máu cục bộ đường ruột có thể gây tử vong.
Chẩn đoán thiếu máu cục bộ đường ruột
Bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm sau nếu nghi ngờ bạn bị thiếu máu cục bộ đường ruột:
- Xét nghiệm máu: Tăng bạch cầu trong công thức máu là một chỉ điểm cho bệnh.
- Hình ảnh học: Có thể làm các xét nghiệm như X-quang, CT-scan hay MRI để loại trừ những chẩn đoán phân biệt.
- Nội soi ống tiêu hoá: Có thể nội soi bằng đường miệng để xem phần trên ruột non hay nội soi đại tràng.
- Chụp mạch máu: Khi này bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào mạch máu để làm nổi bật các mạch máu vùng ruột giúp phát hiện những vùng mạch máu bị hẹp hay tắc nghẽn. Ngoài ra chụp mạch máu còn giúp bác sĩ điều trị vị trí tắc nghẽn bằng những dụng cụ đặc biệt.
- Mổ thám sát: Một số trường hợp cần mổ thám sát để kiểm tra và cắt bỏ mô hoại tử, giúp chẩn đoán và điều trị cùng lúc.
Biện pháp điều trị bệnh
Phương pháp điều trị thiếu máu cục bộ đường ruột bao gồm:
- Thuốc kháng sinh để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Điều trị các tình trạng bệnh cơ bản, chẳng hạn như suy tim sung huyết hoặc nhịp tim bất thường.
- Nếu ruột đã bị tổn thương, bạn có thể phải phẫu thuật để loại bỏ các mô chết.
Thiếu máu động mạch mạc treo cấp tính, phương pháp điều trị bệnh này bao gồm:
- Thuốc kháng sinh và thuốc biệt dược để ngăn ngừa máu đông hình thành bằng cách hòa tan các khối máu đông hoặc làm giãn các mạch máu.
- Phẫu thuật (nếu cần thiết) để loại bỏ khối máu đông, sự tắc nghẽn động mạch hoặc để sửa chữa hay loại bỏ một phần ruột bị tổn thương.

Phòng ngừa bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột
Một số biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột:
- Chọn một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây, rau và ngũ cốc. Tăng số lượng trái cây và rau ăn và làm giảm lượng đường, cholesterol và chất béo.
- Loại bỏ thuốc lá.
- Tăng cường vận động thể dục tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng.
- Nếu mắc bệnh xơ vữa động mạch cần điều trị tích cực tránh gây thuyên tắc làm thiếu máu cục bộ đường ruột.
Thiếu máu cục bộ đường ruột là một bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng ruột và có những trường hợp có thể tử vong. Tốt nhất bạn nên thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, kiểm soát mỡ máu, nhịp tim và huyết áp tốt, tập thể dục và ăn uống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh này. Tuy nhiên khi đã xuất hiện triệu chứng, bạn nên đi gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám cẩn thận. Điều trị sớm có thêm nhiều cơ hội khỏi bệnh, phục hồi tỉnh trạng bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.