Thiếu máu ở bà bầu là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu thai kỳ. Thiếu máu ở bà bầu gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ và ảnh hưởng đến thai nhi.
Thiếu máu khi mang thai là gì?
Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố trong máu. Khi mang thai đây là hiện tượng thường xuyên gặp phải ở mỗi mẹ bầu. Bởi thế vì khi đi khám thai định kỳ, mẹ bầu hãy đi làm xét nghiệm máu, nhất là vào tam cá nguyệt thứ nhất vào giai đoạn thai 20 tuần.
Nồng độ huyết sắc tố trong máu ở mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của thai nhi. Sự gia tăng thể tích máu trong thai kỳ cũng có thể gây ra thiếu má vì nồng độ huyết sắc tố giảm do bị pha loãng so với bình thường. Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ ăn uống thiếu chất sắt cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu ở bà bầu
- Chế độ ăn uống không cung cấp đủ sắt: Nếu không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt hoặc cơ thể không có khả năng hấp thụ chất sắt sẽ dẫn đến tình trạng mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Thiếu máu trước khi mang thai: Mẹ bầu có nguy cơ bị thiếu máu cao nếu trước khi mang thai từng bị chảy máu kinh nguyệt nặng, bị viêm loét hay từng hiến máu…
- Thiếu máu do thiếu Folate: Folate hay còn gọi là axit folic, một loại vitamin nhóm B tan trong nước có thể giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi khi mang thai.
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12: Thiếu máu do thiếu vitamin B12 là tình trạng cơ thể mẹ bầu không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh do thiếu loại vitamin này. Vitamin B12 là yếu tố cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu. Những tế bào này sẽ mang oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể mẹ bầu.
Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu khi mang thai:
- Có khoảng cách sinh con gần nhau.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Nôn nhiều do ốm nghén.
- Không hấp thu được sắt.
- Ra nhiều kinh nguyệt ở kỳ kinh trước khi mang thai.

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu khi mang thai
Trong trường hợp thiếu máu nhẹ, bạn có thể vẫn cảm thấy bình thường. Trong các trường hợp thiếu máu mức độ vừa và nặng, bạn có thể gặp các biểu hiện sau:
- Cơ thể yếu và mệt mỏi nhiều.
- Da nhợt nhạt.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Thở nhanh.
- Hoa mắt chóng mặt hoặc ngất.
- Thèm ăn những thứ không phải thức ăn như đất sét, phấn hoặc bột ngô.
Thiếu máu trong thai kỳ có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, thiếu máu nhiều khi thai kỳ diễn ra nếu không được khắc phục kịp thời có thể gây nguy hiểm đối với cả mẹ và bé.
Đối với mẹ bầu
- Dễ bị sảy thai trong ba tháng đầu của thai kỳ hoặc thai lưu.
- Vỡ ối sớm gây sinh non.
- Nguy cơ gặp phải các tình trạng như huyết áp thai kỳ, sản giật – tiền sản giật, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản,…
- Thiếu sữa sau sinh.
- Mệt mỏi, suy nhược kéo dài.
Đối với thai nhi
- Thai nhi có có nguy cơ bị suy thai, thai kém phát triển.
- Trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, nhẹ cân, sinh non,…
- Mẹ thiếu máu khi mang thai khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cao hơn bình thường.
- Trẻ có thể cần phải thực hiện các điều trị dưỡng nhi kéo dài đế có thể phát triển bình thường.
- Trẻ gặp nguy cơ với các bệnh lý liên quan đến thần kinh và não bộ như tật vô sọ, chậm phát triển trí tuệ, cột sống chẻ đôi,…

Khắc phục thiếu máu khi mang thai
Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai, bạn hãy thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng thông qua việc bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin C vào chế độ ăn hằng ngày.
- Trong trường hợp cho thấy mẹ bầu bị thiếu máu khi mang thai, bác sĩ sẽ kê đơn các loại dược phẩm bổ sung sắt cho bạn.
- Bổ sung chất sắt dạng viên hoặc dạng nước.
- Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn. Nguồn dinh dưỡng nhiều B12 là các thực phẩm như trứng, thịt và sữa.
- Nếu bà bầu có nồng độ sắt quá thấp, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đôi khi phải truyền máu.
- Bổ sung axit folic. Có thể phối hợp với bổ sung sắt
- Bổ sung vitamin C cũng cần thiết cho quá trình hấp thu sắt.
- Tăng cường sắt qua chế độ ăn uống.
- Sau khi sinh, sản phụ vẫn nên bổ sung chất sắt vì lúc sinh mất máu khá nhiều.
Thiếu máu nhẹ khi mang thai thường chỉ ảnh hưởng đến mẹ. Tuy nhiên nếu không điều trị thiếu máu thì có thể dẫn đến sinh non. Trẻ sơ sinh của mẹ bị thiếu máu thường nhẹ cân và chậm phát triển. Mẹ cũng không nên quá lo lắng vì nếu được chuẩn đoán và phát hiện sớm thì bác sĩ có những tư vấn hoặc phác đồ điều trị phù hợp cho mẹ. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể tự hỗ trợ điều trị bằng chế độ ăn uống trong thai kỳ để cải thiện tình trạng, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Leave a reply