Thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là thoái hóa cột sống cổ là một trong những tên gọi của tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống do nhiều nguyên nhân khác nhau trong công việc, lao động, hoạt động, tuổi tác.
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh gì?
Thoái hóa cột sống cổ hay thoái hóa đốt sống cổ là một dạng bệnh lý về xương khớp, chỉ tình trạng cột sống tại vùng cổ bị thoái hóa do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi đó, các đốt sống, đầu sụn, đĩa đệm và các tổ chức bao hoạt dịch có dấu hiệu hư hỏng, tổn thương, gây ra các cơn đau nhức tại các vị trí kể trên, đặc biệt là khi cử động cổ.
Thoái hóa cột sống cổ là một loại bệnh xương khớp mãn tính. Thông thường, bệnh sẽ tiến triển khá chậm nhưng những tổn thương mà bệnh gây ra rất khó phục hồi. Tình trạng thoái hóa có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống cổ nào. Tuy nhiên, C5, C6, C7 là 3 đốt sống có nguy cơ thoái cao hơn.
Nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ
Khi bệnh xảy ra, vùng xương và sụn ở cổ bị yếu và hao mòn dần do:
- Đĩa đệm ở cột sống cổ có nhiệm vụ lót và giảm chấn giữa các đốt sống bị co lại và khô do mất nước.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Thoái hóa đĩa đệm khiến cột sống sản sinh thêm xương (gai xương). Các gai xương này có thể gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
- Dây chằng bị xơ cứng do lão hóa khiến cổ kém linh hoạt.
Đối tượng có nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ
Dưới đây là những yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ:
- Ít vận động, luyện tập thể thao.
- Ngồi và nằm sai tư thế trong một thời gian dài.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung đầy đủ các chất cần thiết như Magie, Canxi, Vitamin D.
- Di truyền cũng là một nguyên nhân gây bệnh viêm xương khớp cổ.
- Có tiền sử bị chấn thương ở vùng cổ.
- Đặc thù công việc gây áp lực lên cột sống, ví dụ như: công việc có tính chất lặp lại các thao tác hoặc mang vác các vật nặng.
- Thuốc lá, các chất kích thích có hại cho sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh nhân béo phì.
Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ
Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ khác như:
- Nhức đầu.
- Tiếng lục khục hoặc lạo xạo khi quay cổ.
- Đau ở cổ, bả vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay.
- Cánh tay yếu dần.
- Tê và nhói ở cánh tay, bàn tay và ngón tay.
Nếu tình trạng thoái hóa trở nặng, người bệnh còn có thể có những biểu hiện:
- Đi lại khó khăn, mất khả năng thăng bằng.
- Chóng mặt.
- Rối loạn chức năng bàng quang gây tiểu tiện không kiểm soát.

Biến chứng thoái hóa cột sống
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe:
- Rối loạn tiền đình: Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ làm tổn thương lỗ tiếp hợp, mà còn gây thiếu máu não và rối loạn tiền đình, với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và dễ bị ngã tai nạn (với người cao tuổi).
- Thoát vị đĩa đệm cổ: Đốt sống cổ bị thoái hóa lâu ngày không điều trị, có thể chuyển sang thoát vị đĩa đệm cổ. Lúc này quá trình chữa bệnh trở nên khó khăn và nguy cơ rối loạn cảm giác, rối loạn thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ) hay bại liệt là rất cao.
- Yếu và tê ở các vị trí từ cổ trở xuống: Đây chính là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi gai xương và ống xương sống bị thu hẹp thì tủy sống nhanh chóng bị chèn ép. Điều này khiến người bệnh bị yếu liệt các vị trí dưới cổ, kèm theo cơn đau nhức dữ dội.
Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ
Thông thường, thoái hóa đốt sống cổ được chẩn đoán dựa trên các biện pháp khám lâm sàng hoặc xét nghiệm cận lâm sàng.
Khám lâm sàng
- Kiểm tra khả năng vận động của đốt sống cổ.
- Kiểm tra khả năng phản xạ và sức cơ ở hai tay, nhằm phát hiện tác động của thoái hóa lên tủy sống hoặc dây thần kinh.
Các xét nghiệm
- X – quang: Chụp X – quang giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường, gây thoái hóa đốt sống cổ như gai xương hoặc cầu xương. Ngoài ra, X – quang còn loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp hoặc nghiêm trọng hơn đối với bệnh đau đốt sống cổ, điển hình như khối u, gãy xương hoặc nhiễm trùng.
- Chụp CT: Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng tổn thương xương ở mức độ nhỏ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp nhận biết chính xác các khu vực nơi dây thần kinh bị chèn ép.
Biện pháp điều trị bệnh
Thoái hóa đốt sống cổ có nhiều cấp độ bệnh, vì vậy tùy theo mức độ bệnh mà có những phương án điều trị thoái hóa đốt sống cổ thích hợp. Dưới đây là những phương pháp điều trị với mục đích bảo tồn đốt sống cổ.
Thư giãn và nghỉ ngơi
Người bệnh tránh bị stress, hãy dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn. Lưu ý khi nằm, không kê gối quá cao, nên kê gối vừa phải.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Phương pháp này giúp giảm đau và lưu thông máu. Bệnh nhân chườm nóng trước, sau đó chườm lạnh, khi chườm lạnh, cần dùng tấm vải mỏng bọc đá lại rồi mới chườm vào vùng cổ bị đau.
Dùng thuốc
Dùng thuốc là một phương án điều trị cho những bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi có sự cho phép và kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc được dùng như: thuốc giãn cơ (cyclobenzaprine), thuốc chống viêm, giảm đau (nhóm không steroid) hay Corticosteroid và các loại thuốc khác.
Vật lý trị liệu
Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn một số bài tập yoga thoái hóa đốt sống cổ để giúp tăng cường sức mạnh các cơ ở cổ và vai.
Phương pháp phẫu thuật
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng thì việc áp dụng các phương pháp trên chưa thật sự tối ưu. Vì vậy, phẫu thuật là phương án cần thiết để điều trị bệnh. Phẫu thuật với mục đích loại bỏ một phần đốt sống hoặc đĩa đệm, xương bị thoát vị.

Phòng ngừa bệnh
- Nghỉ ngơi thường xuyên.
- Hạn chế cử động cổ.
- Tập các bài tập chuyển động cổ và tăng sức bền.
- Duy trì tư thế tốt trong khi ngồi và đi bộ.
- Giảm thiểu chấn thương cột sống cổ.
- Tránh các môn thể thao đối kháng.
- Tập luyện thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý.
Thoái hóa cột sống cổ gây nhiều phiền toái và làm giảm khả năng vận động trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ và vận động thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho cột sống, đem lại hiệu quả điều trị lâu dài.