Khi bị thoái hóa điểm vàng, thị giác của người bệnh sẽ giảm, thế giới xung quanh sẽ trở nên mờ nhạt và méo mó. Thoái hóa điểm vàng ở mắt tuy không gây đau đớn, nhưng khi đã mắc bệnh thì rất khó hồi phục, cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thoái hóa điểm vàng là gì?
Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm (AMD), là một bệnh rối loạn về mắt gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Có hai loại thoái hóa điểm vàng là thoái hóa điểm vàng dạng khô và thoái hóa điểm vàng dạng ướt. Vì người lớn tuổi thường gặp phải cả hai loại bệnh này nên bệnh được gọi chung là thoái hóa điểm vàng do lão hóa.
Nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng ở mắt
Cấu tạo chính của điểm vàng là các carotenoid tạo nên màu sắc của rau củ quả như Lutein và Zeaxanthin. Quá trình lão hóa do tuổi cao cùng sự tác động của môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, chế độ ăn không đảm bảo đã khiến những carotenoid của điểm vàng dần bị thoái hóa, tổn thương gây suy giảm chức năng của điểm vàng, ảnh hưởng lớn đến thị lực của mắt. Đây chính là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt.
Nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng
- Người lớn tuổi.
- Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng phát ra từ màn hình vi tính, ti vi.
- Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh gấp 2 lần hơn nam giới.
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- Mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì…
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh thoái hóa điểm vàng hoặc bệnh về mắt khác.
- Dinh dưỡng thiếu khoa học (ăn quá nhiều mỡ, thịt, thiếu rau xanh)…

Dấu hiệu cảnh báo thoái hóa điểm vàng ở mắt
Ở giai đoạn đầu, thoái hóa điểm vàng thường không có dấu hiệu bất thường nào nên rất khó phát hiện. Khi điểm vàng đã bị tổn hại đáng kể, người bệnh sẽ nhận thấy một số dấu hiệu sau đây:
- Nhìn mờ, nhìn kém ở cả hai khoảng cách xa và gần, đặc biệt khi ánh sáng yếu.
- Không đọc được chữ nhỏ trên sách báo, khó xem tivi hoặc lái xe.
- Thấy trung tâm hình ảnh bị mờ hơn và tối dần đi, chỉ còn là vòng tròn đen.
- Thấy màu sắc của các vật thể trở lên nhạt nhòa và kém tươi tắn.
- Thấy đường thẳng trở thành đường cong hoặc gợn sóng.
Chuẩn đoán thoái hóa điểm vàng
AMD có thể phát hiện được thông qua kiểm tra mắt toàn diện. Kiểm tra bao gồm:
- Kiểm tra thị lực: Bài kiểm tra sử dụng bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách khác nhau.
- Khám mắt có giãn đồng tử (kiểm tra đáy mắt): Với bài kiểm tra này, bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc giúp mở rộng hoặc làm giãn đồng tử, sau đó sử dụng một kính lúp đặc biệt kiểm tra võng mạc và dây thần kinh thị giác nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của AMD cũng như các vấn đề về mắt khác. Sau kiểm tra, tầm nhìn gần có thể bị mờ trong vài giờ.
- Đo nhãn áp (Tonometry): Sử dụng một dụng cụ giúp đo áp suất bên trong mắt. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt khi kiểm tra.
- Dùng lưới Amsler (Amsler grid): Với kiểm tra này, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhìn vào một tờ giấy vẽ ô caro như một bàn cờ. Bệnh nhân sẽ che một mắt và nhìn chằm chằm vào một chấm đen ở giữa lưới. Bệnh nhân có thể mắc bệnh AMD nếu nhìn thấy các đường thẳng trong lưới Amsler bị lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu.
Điều trị thoái hóa điểm vàng ở mắt
Hiện không có phương pháp điều trị nào để khắc phục tổn hại do thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể khô gây ra. Ngừng hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh.
Bổ sung chế độ ăn uống
Thực phẩm chức năng được khuyến nghị cho những người bị thoái hóa hoàng điểm tuổi già trung bình hoặc tiến triển ở một mắt.
Ngoài ra, cần bổ sung các dưỡng chất bao gồm:
- Kẽm, Đồng, Vitamin C, Vitamin E
- Lutein cộng với zeaxanthin
- Beta-carotene hoặc vitamin A
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch (như huyết áp cao) và thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có axit béo omega-3 và ăn nhiều rau lá xanh đậm có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. (3)
Phương pháp điều trị bằng thuốc và thủ thuật laser
- Trong loại thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt, các loại thuốc như ranibizumab, bevacizumab, aflibercept hoặc brolucizumab có thể được tiêm vào mắt để làm cho các mạch máu mới ngừng rò rỉ. Những mũi tiêm này cần được lặp lại sau mỗi 1 đến 3 tháng, có thể làm giảm nguy cơ mất thị lực và giúp khôi phục thị lực đọc ở một phần ba bệnh nhân.
- Laser quang động
- Phẫu thuật hiếm khi được thực hiện đối với thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt.
Điều chỉnh giảm thị lực
- Kính lúp, kính đọc sách, sách điện tử có thể giúp đọc dễ dàng hơn vì chúng cho phép mọi người điều chỉnh kích thước phông chữ và mức độ tương phản.

Phòng ngừa thoái hóa điểm vàng qua lối sống
Nếu biết cách ăn uống, sinh hoạt đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng. Cụ thể, bạn cần áp dụng sớm những hướng dẫn dưới đây:
- Ăn nhiều thực phẩm lành mạnh tốt cho mắt như rau xanh, trái cây màu vàng cam, cá biển sâu, ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế dầu mỡ động vật.
- Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
- Duy trì huyết áp và cholesterol máu ở mức bình thường.
- Không thức khuya.
- Không nhìn trực tiếp ánh nắng hoặc thiết bị điện tử, nên đeo kính chống được tia bức xạ.
- Tập các bài luyện mắt và thể dục, thể thao vừa sức đều đặn hàng ngày.
- Khám định kỳ tại chuyên khoa mắt để phát hiện thoái hóa điểm vàng sớm.
Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý mạn tính tiến triển dần theo thời gian và rất khó để trị khỏi hoàn toàn. Bởi vậy, ngay từ giai đoạn sớm phát hiện, cần chú ý điều chỉnh qua chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày và lựa chọn đúng giải pháp điều trị bằng thuốc hay thảo dược để cải thiện nhanh các triệu chứng thoái hóa điểm vàng và ngăn chặn nguy cơ gây mất thị lực vĩnh viễn về sau. Đồng thời bổ sung đủ dưỡng chất thì vẫn có thể gìn giữ được thị lực tốt, đủ để đảm bảo cuộc sống bình thường.