Bệnh thoái hóa khớp háng thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh gây đau, biến đổi cấu trúc khớp, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị tích cực.
Thoái hóa khớp háng là gì?
Thoái hóa khớp háng là một bệnh lý cơ xương khớp chủ yếu gặp ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây nên những cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân.
Không những vậy, nếu người bệnh không có biện pháp can thiệp, kiểm soát tốt ngay từ đầu, thoái hóa có thể gây biến dạng cấu trúc khớp háng dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây khớp háng thoái hóa
Thoái hóa khớp háng chủ yếu là do lão hóa – căn bệnh đi kèm tuổi tác. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh lý này:
- Dị dạng khớp háng bẩm sinh.
- Xương hông bị gãy, rách sụn chêm hoặc có chấn thương tại vùng háng làm cho khớp háng bị bào mòn hoặc suy yếu.
- Vận động cường độ cao: Lao động chân tay thường xuyên, tham gia các môn thể thao phải va chạm hay có tính chất đối kháng với tần suất liên tục,…
- Di truyền.
Ngoài ra, thừa cân cũng có thể góp phần làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn. Mặt khác, có những trường hợp không có những yếu tố nêu trên nhưng vẫn bị thoái hóa khớp háng.
Đối tượng dễ mắc
Khớp háng bị thoái hóa có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp ở những đối tượng như:
- Người cao tuổi.
- Người có tiền sử bị tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng.
- Người có bệnh sử viêm khớp háng.
- Phụ nữ.

Triệu chứng và dấu hiệu thoái hóa khớp háng
Hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp đều có triệu chứng đau nhức. Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh mà tính chất cơn đau có thể thay đổi, ví dụ như:
- Giai đoạn sớm: Cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng bẹn, có thể lan xuống mông, đùi hoặc thậm chí là khớp gối, đồng thời đau tăng khi người bệnh cử động hoặc đứng lâu.
- Giai đoạn sau: Đau dữ dội vào sáng sớm và thường xảy ra khi bệnh nhân đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc khi di chuyển, đồng thời có xu hướng đau mỏi về chiều tối.
- Giai đoạn muộn: Đau nhiều về đêm và thời điểm giao mùa.
Tuy các cơn đau nhức có xu hướng thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi, nhưng chúng lại trở nên dữ dội hơn khi thời gian nghỉ ngơi kéo dài.
Bên cạnh đó, bệnh thoái hóa khớp háng còn kéo theo một số dấu hiệu, biểu hiện khác như:
- Cứng khớp: Thường diễn ra vào sáng sớm hoặc ngồi quá lâu, có thể kèm theo giảm biên độ vận động của khớp.
- Khô khớp: Có âm thanh lạo xạo, lục cục phát ra khi cử động khớp.
- Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày: Gần như không thể thực hiện những động tác đơn giản như đi lại, cúi người, bước vào xe ô tô…
Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?
Khớp háng được che bởi nhiều lớp mô cơ và dây chằng bên ngoài nên những thương tổn ở bộ phận này thường khó nhận biết, đồng thời dễ bị nhầm với tổn thương thắt lưng hoặc xương chậu. Điều này khiến bệnh nhân dễ chọn sai hướng điều trị, từ đó tạo điều kiện cho quá trình thoái hóa ở khớp háng tiếp tục tiến triển và kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như:
- Biến dạng khớp gây tàn phế.
- Nứt, gãy xương hông.
- Teo cơ và dây chằng ở khu vực xung quanh khớp háng.
- Chất lượng giấc ngủ không tốt, dẫn đến sức khỏe tinh thần cũng suy giảm.
- Dễ lo âu, trầm cảm.
- Thừa cân, béo phì và những hệ lụy liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Biện pháp chẩn đoán bệnh
Một số chẩn đoán hình ảnh và kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp háng chính xác:
- Chụp X-quang: Giúp phát hiện các dấu hiệu hẹp khe khớp, mọc gai xương, đặc xương dưới sụn hoặc khuyết xương. Đây là phương pháp đầu tiên được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán viêm xương khớp háng.
- Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc CT scan (chụp cắt lớp vi tính): Nhằm kiểm tra sự thay đổi cấu trúc xương, chẳng hạn như khuyết tật sụn khu trú và tổn thương tủy xương ở xương dưới sụn.
- Xạ hình xương: Hỗ trợ đánh giá tình trạng của mô mềm và xương hông.
- Xét nghiệm máu: Nhằm xác định kháng thể có liên quan đến bệnh lý viêm khớp nào khác không.
Điều trị thoái hóa khớp háng
Thực tế, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Thay vào đó, mục tiêu của những phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc:
- Kiểm soát tình trạng đau khớp dai dẳng.
- Duy trì khả năng đi lại.
- Giảm thiểu tàn phế.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống và giáo dục bệnh nhân.
- Hạn chế độc tính cũng như tác dụng phụ của thuốc.
Hiện nay, các cách điều trị hiệu quả thường được áp dụng có thể kể đến như sau:
Điều trị bằng thuốc: Giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ,… do bác sĩ chỉ định.
Phẫu thuật: Áp dụng khi đã điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả hoặc bệnh có chiều hướng nặng hơn. Các loại phẫu thuật khớp háng thường được áp dụng là:
- Phẫu thuật thay thế khớp háng: Mục đích nhằm loại bỏ khớp háng bị tổn thương để thay bằng khớp nhân tạo nhờ đó mà khả năng hoạt động của bệnh nhân được cải thiện, dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thay một phần hoặc thay thế toàn bộ khớp háng.
- Cắt bỏ gai xương: Nhằm hạn chế rủi ro dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép, khớp bị biến dạng.
- Vật lý trị liệu: Hỗ trợ phục hồi khớp háng.
Như vậy, với băn khoăn thoái hóa khớp háng có chữa khỏi hoàn toàn không thì câu trả lời ở đây là không thể. Dù áp dụng biện pháp điều trị nào thì cũng chỉ giúp cải thiện các triệu chứng và giảm thiểu những biến chứng do bệnh gây ra mà thôi. Việc điều trị chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi bệnh được phát hiện và điều trị từ sớm.

Biện pháp phòng ngừa bệnh
- Nếu mắc bệnh viêm, chấn thương hoặc tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh nên tích cực điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp khi lớn tuổi.
- Hạn chế các cơn đau bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, ốc, cua, dầu cá,… Đồng thời, người bệnh nên duy trì tinh thần thoải mái, đi ngủ sớm và thức dậy sớm.
- Cần điều trị triệt để các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thoái hóa khớp háng như bệnh gút,
Bệnh thoái hóa khớp háng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa khớp háng, người bệnh nên sớm đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Leave a reply