Trái tim là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, tuy nhiên, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong. Có một số thói quen phổ biến gây tổn thương cho trái tim một cách không thể ngờ đến.
Ngồi quá lâu
Việc ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể làm tăng 14% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời tăng nguy cơ tử vong sớm lên 40%. Do đó, nếu đặc thù công việc khiến bạn buộc phải ngồi nhiều, hãy cố gắng đứng lên đi lại sau mỗi 1 – 2 giờ. Một vài động tác vận động giữa giờ làm việc cũng có tác dụng giúp lưu thông máu rất tốt.
Xem tivi nhiều – Thói quen gây hại cho tim ít ai để ý
Việc ngồi quá lâu trước màn hình tivi hay internet là “thủ phạm” làm gia tăng các bệnh lý tim mạch như đau tim, đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy những người xem tivi hơn 4 giờ mỗi ngày sẽ tăng 50% nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm so với những người xem ít.
Nhậu quá nhiều
Khoa học chứng minh rằng lai rai nhẹ nhàng chút bia hoặc rượu có thể giúp ích cho tim mạch, nhưng nhậu quá nhiều thì tác hại khôn lường. Không chỉ vậy, ăn nhậu nhiều có thể dẫn đến tăng cân và đe dọa sức khỏe tim mạch.
Ăn uống quá nhiều
Thừa cân do ăn quá nhiều là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim. Hãy cố gắng ăn uống có chừng mực, tránh các khẩu phần quá cỡ, uống nước giải khát thay cho các đồ uống có đường.
Lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn
Không thể phủ nhận sức quyến rũ đến từ xúc xích nướng, gà rán, giăm bông… nhưng thật không may, chúng vô cùng tồi tệ đối với trái tim của bạn. Đây là các thực phẩm có chứa nhiều muối ăn và đặc biệt là chất béo dạng trans (loại mỡ xấu nhất đối với tim mạch). Các bác sĩ tim mạch khuyên chúng ta ăn càng ít chất béo dạng trans thì càng tốt và tốt nhất là không ăn chất béo dạng trans.
Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn trong thực đơn hàng ngày là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiện thịt đỏ
Thịt đỏ là nhóm thực phẩm khoái khẩu được nhiều người ưa thích nhưng nó lại giàu mỡ bão hòa, thủ phạm gia tăng bệnh tim và ung thư ruột kết. Lý tưởng nhất là duy trì thịt đỏ dưới 10% trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Hút thuốc hoặc sống trong môi trường khói thuốc
Hút thuốc là thảm họa “toàn tập” cho trái tim. Thói quen xấu này làm tắc nghẽn dòng máu đến tim và góp phần gây tích tụ các mảng bám ở động mạch.
Lười ăn trái cây và rau củ
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim cần lấy thực vật làm chính. Nghĩa là bạn thường xuyên phải ăn trái cây, rau củ, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, đạm và hạn chế ăn vặt.
Ăn mặn
Càng tiêu thụ nhiều muối, bạn càng có nguy cơ bị cao huyết áp. Cứ 3 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người cao huyết áp. Đây cũng là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ, suy thận và đau tim.
Chủ quan trước bệnh trầm cảm
Nếu biết bản thân đang bị trầm cảm hoặc thường xuyên cảm thấy căng thẳng, stress nhưng không đi gặp bác sĩ tâm lý thì bạn đang gián tiếp làm tổn thương trái tim của mình. Các chuyên gia cho biết những người bị trầm cảm hoặc xuất hiện các triệu chứng trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Trầm cảm được điều trị đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ liên quan đến tim mạch xuống một nửa.
Sống thu mình
Nhiều người muốn sống âm thầm, xa lánh cộng đồng, ngại giao tiếp. Đây không chỉ là tật xấu gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngáy khi ngủ
Ngáy có thể là dấu hiệu cảnh báo một chứng bệnh nguy hiểm chẳng hạn như chứng ngừng thở khi ngủ bởi nó có thể khiến huyết áp tăng vọt bất thường.
Dễ tức giận
Có nhiều lý do giải thích tại sao bạn không nên để cơn tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe, một trong số đó là nó có thể làm tổn thương trái tim. Khi bạn tức giận quá độ, tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn. Nếu không được kiểm soát kịp thời, cơn nóng giận sẽ làm tăng nguy cơ đau tim, thậm chí đột quỵ. Do vậy, dù với bất kỳ lý do gì, bạn cũng đừng để cơn giận làm tổn hại sức khỏe bản thân.
Không khám sức khỏe định kỳ
Rất ít người duy trì thói quen đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, nhưng đây là việc làm rất quan trọng trong việc giữ cho trái tim khỏe mạnh. 80% bệnh tim có thể phòng ngừa được. Muốn vậy, bạn cần đi khám mỗi 6 tháng/lần để được kiểm tra huyết áp, cholesterol, cân nặng và lượng đường trong máu, đồng thời sàng lọc các yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh mỗi ngày để được có một trái tim khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh tật. Đồng thời nên cân bằng giữa các nguồn dinh dưỡng thiết yếu để bảo vệ sức khỏe vùng tim mạch tốt hơn. Đừng quên nên duy trì việc thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và kiểm soát các vấn đề tim mạch.