Thông liên nhĩ là một dị tật tim bẩm sinh, chiếm 15 – 20% tổng số ca bệnh tim bẩm sinh được ghi nhận. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, trẻ sẽ có thể phát triển bình thường.
Thông liên nhĩ là bệnh gì?
Thông liên nhĩ là tồn tại lỗ thủng bất thường ở vách ngăn giữa 2 tâm nhĩ. Lỗ thủng này làm cho máu ở 2 tâm nhĩ trộn lẫn và làm rối loạn dòng chảy của máu trong tim, hậu quả làm tăng lưu lượng máu lên phổi, gây tăng áp phổi, suy tim…
Có 4 thể bệnh thông liên nhĩ:
- Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (Thông liên nhĩ lỗ thứ phát): Là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm khoảng 2/3 các trường hợp thông liên nhĩ.
- Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất: Đây là 1 phần dị tật trong bệnh lý kênh nhĩ thất, kết hợp với xẻ lá trước van 2 lá.
- Thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch: Do khuyết vách liên nhĩ ở vị trí nối của tĩnh mạch chủ đổ về nhĩ phải, thường kèm theo bất thường tĩnh mạch phổi bán phần đổ về nhĩ phải.
- Thông liên nhĩ thể xoang vành (mất nóc xoang vành): Dị tật tại vị trí thành xoang vành, chạy sau tâm nhĩ trái, tĩnh mạch vành là tĩnh mạch đưa máu từ tĩnh mạch tim đổ về nhĩ phải. Đây là thể hiếm nhất trong các thể bệnh thông liên nhĩ.
Nguyên nhân gây bệnh thông liên nhĩ
Hiện nay, chưa giải thích được nguyên nhân gây thông liên nhĩ, nhưng một số dị tật tim bẩm sinh dường như có yếu tố di truyền.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ em bé sinh ra mắc dị tật tim bẩm sinh bao gồm:
- Nhiễm trùng rubella: Bị nhiễm rubella trong vài tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật tim thai.
- Sử dụng ma túy, thuốc lá, uống rượu hoặc tiếp xúc với một số chất kích thích như cocaine, trong khi mang thai có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
- Bệnh tiểu đường hoặc lupus: Mắc bệnh tiểu đường hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật tim.

Dấu hiệu nhận biết thông liên nhĩ
Nhiều trẻ em có khiếm khuyết vách ngăn liên nhĩ sẽ không có triệu chứng và vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu lỗ thông liên nhĩ lớn, người bệnh có thể có một số dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Trẻ nhanh mệt hơn khi vận động.
- Khó thở khi gắng sức.
- Vã mồ hôi.
- Thở nhanh, nông.
- Tăng cân chậm.
- Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp.
Trẻ lớn và người lớn có bệnh bẩm sinh này có thể bị đau nửa đầu. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh liệu thông liên nhĩ có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này hay không.
Biến chứng bệnh thông liên nhĩ
Các biến chứng nghiêm trọng ít gặp hơn là:
- Tăng áp động mạch phổi: Nếu lỗ thông liên nhĩ lớn không được điều trị, lượng máu đến phổi tăng lên sẽ làm tăng áp lực máu trong động mạch phổi (tăng áp động mạch phổi).
- Hội chứng Eisenmenger: Đây là sự phát triển của tăng áp động mạch phổi do khuyết tật tim bẩm sinh không được điều trị. Bệnh có thể gây ra các biến chứng bao gồm tổn thương tim và phổi vĩnh viễn.
- Thông liên nhĩ thường ít gây biến chứng tăng áp động mạch phổi và đặc biệt là hội chứng Eisenmenger. Do đó, nếu phát hiện phải tầm soát các nguyên nhân khác gây tăng áp phổi hoặc tăng áp phổi tiên phát đi kèm.
Chẩn đoán thông liên nhĩ
Một khi nghi ngờ trẻ bị tim bẩm sinh nói chung và thông liên nhĩ nói riêng, bác sĩ tim mạch có thể yêu cầu những kiểm tra cận lâm sàng sau:
- Siêu âm tim qua thực quản: Đánh giá chính xác các gờ của lỗ thông để xem xét liệu có thể can thiệp bít lỗ thông được hay không.
- X-quang ngực: Có thể cho thấy kích thước tim hoặc những thay đổi trong phổi của con bạn do tăng lưu lượng máu lên phổi.
- Điện tâm đồ: Thấy dấu hiệu tăng gánh thất phải, block nhánh phải.

Biện pháp điều trị thông liên nhĩ
Lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ 2 có thể đóng lại tự nhiên khi đứa trẻ lớn lên. Bác sỹ tim mạch sẽ yêu cầu trẻ khám bệnh định kỳ để đánh giá tiến triển của lỗ thông. Một số trường hợp sẽ được dùng thuốc và chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng lên phổi và tim phải.
- Điều trị nội khoa: Nhiều trẻ có lỗ thông liên nhĩ nhỏ, không có triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Những trẻ có tăng lưu lượng máu sang tim phải gây giãn tim phải hoặc tăng áp lực động mạch phổi sẽ được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu để giảm tiền gánh cho tim phải.
- Phẫu thuật/thủ thuật: Lỗ thông liên nhĩ có kích thước từ trung bình đến lớn sẽ được điều trị bằng cách bít lỗ thông để ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai. Có 2 phương pháp can thiệp: phẫu thuật tim hở (mở ngực để tiếp cận trực tiếp với tim) và thông tim (đưa dụng cụ vào để bít lỗ thông ở vách ngăn liên nhĩ).
Cách chăm sóc
Những thói quen sinh hoạt và lối sống khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát tốt diễn tiến bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng:
- Tập thể dục: Với bệnh nhân thông liên nhĩ, tập thể dục không phải chống chỉ định. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có các biến chứng như loạn nhịp tim, suy tim, tăng áp phổi… việc tập luyện cần được hướng dẫn bởi các bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Chế độ dinh dưỡng: Cân bằng chế độ dinh dưỡng với nhiều nhóm chất, bổ sung thêm rau củ, ngũ cốc và hạn chế cholesterol cũng như chất béo.
- Tránh bị viêm nhiễm: Bệnh tim bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp. Vì vậy cần theo dõi phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc đúng với kê toa để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh thông liên nhĩ
Các thay đổi một số thói quen, biện pháp giúp bạn kiểm soát, phòng ngừa bệnh thông liên nhĩ:
- Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai.
- Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân.
- Chế độ ăn lành mạnh.
- Không sinh con khi tuổi >35.
- Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai.
- Kiểm soát tốt đường huyết.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia khi mang thai.
Thông liên nhĩ là một trong những bệnh lý tim bẩm sinh phổ biến nhất, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và can thiệp bằng phương pháp phù hợp. Trẻ bị thông liên nhĩ, dù đã phẫu thuật hay chưa, đều cần được theo dõi sức khỏe cho đến khi trưởng thành để phát hiện bất thường nếu có.