Estrogen là một hormone quan trọng đối với sức khỏe của nữ giới và cả nam giới. Tình trạng thừa estrogen, hay còn gọi là estrogen cao, có thể gây ra nhiều bất thường về sức khỏe thể chất, cũng như tinh thần.
Thừa estrogen là gì?
Thừa estrogen là tình trạng nồng độ estrogen tăng cao khi cơ thể hấp thụ quá nhiều loại hormone này hay khi nồng độ progesterone, testosterone giảm xuống. Tình trạng dư thừa estrogen dẫn tới nhiều triệu chứng về sinh lý và tâm lý. Đây cũng là tiền đề làm tăng nguy cơ phát triển những bệnh lý nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, bệnh tuyến giáp, ung thư vú, ung thư buồng trứng…
Estrogen là hormone sinh dục nữ nhưng vẫn có mặt trong cơ thể của nam giới. Phụ nữ có lượng estrogen cao hơn, trong khi đàn ông lại có nhiều testosterone hơn. Với nữ giới, estrogen đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và chức năng sinh sản. Ở nam giới, hormone này cũng rất quan trọng đối với chức năng sinh dục.
Nguyên nhân gây thừa estrogen
- Cơ thể tăng cường sản xuất estrogen hoặc giảm sản xuất một loại hormone khác, chẳng hạn như testosterone hoặc progesterone. Từ đó dẫn tới sự mất cân bằng giữa các hormon sinh dục.
- Rối loạn chuyển hóa estrogen trong cơ thể: Ví dụ, uống quá nhiều rượu có thể làm giảm khả năng chuyển hóa hormone này trong cơ thể. Hay có thể hiểu estrogen không được chuyển thành chất có hoạt tính có lợi cho cơ thể.
- Rối loạn bài tiết estrogen: Ví dụ, khi gan hoạt động kém hiệu quả có thể làm giảm khả năng chuyển hóa và loại trừ estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Do di truyền: Một số trường hợp bị estrogen cao là do di truyền. Nếu trong gia đình có bà hoặc mẹ là người có nồng độ estrogen cao thì rất có thể con hoặc cháu sẽ bị di truyền.
Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe nhất định có thể khiến nồng độ estrogen tăng lên, bao gồm: béo phì, khối u buồng trứng, bệnh gan.

Triệu chứng khi thừa estrogen
Khi nồng độ estrogen trong cơ thể tăng lên, có thể bắt đầu phát triển một số triệu chứng như sau:
Ở nữ giới
- Đầy hơi.
- Sưng và đau ở ngực, có khối u xơ trong vú.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Kinh nguyệt không đều, tăng các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
- Tâm trạng thay đổi, lo lắng và hoảng loạn.
- Tăng cân, đặc biệt là quanh hông và eo.
- Rụng tóc.
- Bàn tay hoặc bàn chân lạnh.
- Khó ngủ hoặc buồn ngủ và mệt mỏi.
- Có vấn đề về trí nhớ.
- U xơ tử cung.
Ở nam giới
- Vô sinh: Estrogen chịu trách nhiệm một phần trong việc tạo ra tinh trùng khỏe mạnh. Khi nồng độ estrogen cao, mức tinh trùng có thể giảm và dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản.
- Vú to: Estrogen có thể kích thích tăng trưởng mô vú. Đàn ông có quá nhiều estrogen có thể dẫn đến ngực lớn hơn.
- Rối loạn cương dương (ED): Đàn ông có lượng estrogen cao có thể gặp khó khăn trong việc cương cứng dương vật.
Các triệu chứng khác (ở cả 2 giới)
- Khí sắc trầm buồn, rối loạn trầm cảm (đặc biệt ở nam), rối loạn lo âu.
- Mệt mỏi.
- Đầy bụng, táo bón.
- Đau đầu.
- Rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ.
- Rụng tóc.
- Làm nặng hơn các bệnh lý có sẵn (ví dụ: hen phế quản, động kinh).
Biến chứng có thể xảy ra khi estrogen cao
Dư thừa estrogen không những ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người bệnh mà còn là tiền đề phát sinh các bệnh lý như:
- Làm xuất hiện cục máu đông.
- Bệnh về tuyến giáp.
- Bệnh u vú lành tính.
- Ung thư buồng trứng.
- Bệnh ung thư vú.
- Đột quỵ.
- Đau tim.
- Trầm cảm (phổ biến ở nam giới).
Điều trị tình trạng thừa estrogen
Phẫu thuật trường hợp người bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể đề xuất cắt bỏ buồng trứng. Vì buồng trứng sản xuất phần lớn estrogen trong cơ thể của nữ giới. Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng khi người bệnh có nguy cơ mắc ung thư vú hay ung thư buồng trứng.
- Dùng những loại thuốc giúp giảm nồng độ estrogen.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh có giảm mức estrogen thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống. Bạn nên ăn các món ít chất béo và giàu chất xơ.
- Giảm cân có thể làm giảm nồng độ estrogen ở người bệnh thừa cân hay béo phì. Điều này là do những tế bào mỡ sản xuất thêm estrogen.
- Nếu thuốc khiến nồng độ estrogen tăng cao, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh người dùng liều thấp hơn hay áp dụng phương pháp điều trị thay thế.

Phòng bệnh tình trạng thừa estrogen
Nếu thừa estrogen không do nguyên nhân bệnh lý gì đặc biệt, hoặc để phòng ngừa tình trạng estrogen máu cao, bạn có thể thử các biện pháp sau tại nhà
- Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút/ngày và không ngưng quá 2 ngày liên tiếp.
- Thiết lập chế độ ăn uống giảm calo nhập vào.
- Hạn chế stress trong đời sống hằng ngày. Bạn có thể tham gia các khóa học đối phó với stress trong cuộc sống, các bài tập thiền, thư giãn.
- Bên cạnh đó, cần hạn chế hoặc ngưng tiêu thụ thức uống có cồn.
- Tránh dùng các chất gây nghiện.
- Tránh tiếp xúc với chất xenoestrogens, thường có trong các sản phẩm nhựa gia dụng hằng ngày.
Nồng độ estrogen tăng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc phải những vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư. Vì thế, khi nhận thấy các triệu chứng kể trên hoặc nghi ngờ mình bị thừa estrogen, bạn nên đi đến bệnh viện để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm liên quan. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.