Tiền sản giật hiện nay là vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của các bà mẹ mang thai. Đối với các em bé, biến chứng này làm cho thai chết lưu, khiến cho trẻ sơ sinh bị chết non, để lại nhiều biến chứng và gây bệnh tật ở trẻ sơ sinh.
Tiền sản giật là bệnh gì?
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể của mẹ và nguy hại cho sức khỏe của thai nhi. Hội chứng thường xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với các triệu chứng như tăng Huyết áp, protein niệu và phù.
Tiền sản giật được xem như biểu hiện ban đầu của hiện tượng sản giật ở phụ nữ mang thai gây nên các cơn co giật toàn bộ thân thể có thể xuất hiện vào thời kỳ chuyển dạ hay khoảng thời gian hậu sản.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh của tiền sản giật. Tuy nhiên, có một số yếu tố sau đây có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện tiền sản giật.
- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
- Di truyền từ người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột,…
- Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ.
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật bao gồm:
- Mang thai lần đầu tiên.
- Tăng huyết áp mạn tính.
- Tuổi tác: việc mang thai khi bạn trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Tiền sử tiền sản giật.
- Bệnh sử: Các bệnh lý như đau nửa đầu, tăng huyết áp mạn tính, tiểu đường, bệnh thận, bệnh về hệ miễn dịch,… làm tăng nguy cơ gây tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
- Yếu tố khác: Thụ tinh trong ống nghiệm, khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn,…
Triệu chứng của tiền sản giật
Các triệu chứng của tiền sản giật có thể là:
- Huyết áp đột ngột tăng cao.
- Có protein trong nước tiểu hay những vấn đề về thận.
- Đau đầu nghiêm trọng.
- Thay đổi thị lực như tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng;
- Đau bụng trên.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Đi tiểu ít.
- Giảm lượng tiểu cầu trong máu.
- Chức năng gan suy giảm.
- Khó thở do có dịch trong phổi.
Ngoài ra, tình trạng bất ngờ tăng cân hay tay chân bị phù cũng xuất hiện, nhưng đây là những triệu chứng thường gặp khi mang thai nên không được tính là biểu hiện phổ biến của bệnh tiền sản giật.
Biến chứng của tiền sản giật
Biến chứng nhau thai bong non
Tiền sản giật có liên quan trực tiếp đến bất thường ở nhau thai, có thể dẫn đến bóc, tách nhau thai ra khỏi thành tử cung trước sinh. Biến chứng này rất nguy hiểm vì nhiều trường hợp xảy ra đột ngột gây chảy máu nặng, thai thiếu oxy và dưỡng chất đe dọa đến tính mạng.
Sản giật
Khi không được kiểm soát, biến chứng sản giật có khả năng xảy ra. Sản giật được xem là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong hàng đầu cho mẹ và bé. Vì thế, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sản giật, bác sĩ cần can thiệp ngay bất kể đang ở tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ.
Biến chứng sản khoa – hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của sản phụ nếu không phát hiện và can thiệp tốt. Biến chứng có thể xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ hoặc sau khi sản phụ sinh.
Biến chứng tim mạch
Thai nhi sinh ra từ mẹ bầu gặp tình trạng tiền sản giật trong thời gian thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những trẻ khác. Đặc biệt là khi mẹ bị tiền sản giật nhiều lần, sinh non hoặc sản giật phải sinh non.
Biến chứng tổn thương cơ quan khác
Tiền sản giật còn gây những tổn thương cho nhiều cơ quan khác như: tim, phổi, gan, thận, mắt, não,… Tùy vào mức độ nghiêm trọng của những cơn tiền sản giật mà sự tổn thương cũng khác nhau.
Chuẩn đoán tiền sản giật
- Đo huyết áp: Với phụ nữ chưa từng bị cao huyết áp thì nếu kết quả 140/90 trở lên được xác định là huyết áp cao. Vì huyết áp thay đổi trong ngày nên bạn sẽ được đo nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để cho ra kết quả chính xác.
- Protein trong nước tiểu: Bạn sẽ làm xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ protein-creatinine (creatinine là chất thải do thận lọc ra) trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu thường xuyên, bao gồm cả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) và xét nghiệm chức năng gan, thận. Việc làm này cũng giúp sàng lọc hội chứng HELLP.
- Các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của em bé: Bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra sự phát triển của em bé, xem bé có đang tăng trưởng tốt hay không.
Sau khi trải qua hàng loạt xét nghiệm, nếu được chẩn đoán bị tiền sản giật, bạn và em bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để hạn chế tối đa biến chứng.
Điều trị
- Có thể điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần 1 ngày.
- Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
- Theo dõi hàng tuần, nếu nặng lên phải nhập viện và điều trị tích cực.
- Nếu thai đã đủ tháng nên chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
- Uống đủ nước (2 – 3l nước mỗi ngày), ăn tăng đạm và ăn nhạt.
Điều trị sản khoa và ngoại khoa:
- Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi chủ động chấm dứt thai kỳ, cần ổn định tình trạng bệnh nhân trong vòng 24-48 giờ.
- Nên sinh thủ thuật nếu đủ điều kiện, hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa hoặc cần nhanh chóng chấm dứt thai kỳ

Phương pháp phòng bệnh
Hiện nay, vì chưa có một nghiên cứu nào chỉ rõ được nguyên nhân gây tiền sản giật nên cũng chưa có một biện pháp nào có khả năng phòng ngừa triệt để biến chứng nguy hiểm này cho bà bầu.
Chính vì vậy, điều quan trọng và cấp thiết nhất chính là dự phòng tiền sản giật. Các chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò thiết yếu, giúp hạn chế tiền sản giật cho mẹ bầu.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nằm nghỉ tại giường với tư thế nghiêng về phía bên trái.
- Bổ sung đầy đủ DHA, EPA để phòng ngừa tiền sản giật. Các sản phẩm chứa hàm lượng Omega-3 gồm: cá hồi, súp lơ, quả óc chó, hạt vừng…
- Mẹ bầu nên bổ sung đủ canxi trong suốt thai kỳ để giảm tới 49% nguy cơ tiền sản giật ở những mẹ bầu có nguy cơ thấp và tới 82% ở những mẹ bầu có nguy cơ cao. Các thực phẩm giàu canxi gồm: sữa, măng tây, đậu bắp, súp lơ xanh…
- Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung vitamin D đầy đủ để giúp giảm 27% nguy cơ mắc tiền sản giật.
- Tập thể dục thường xuyên cũng là biện pháp giúp mẹ nâng cao sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ bị tiền sản giật.
Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ. Chỉ cần bạn biết cách chăm sóc bản thân trước và trong lúc mang thai và hợp tác với bác sĩ điều trị, bạn sẽ có một thai kỳ an toàn, đẩy lùi những rủi ro sức khỏe cho bản thân và em bé.