Tiểu đêm là căn bệnh phổ biến xuất hiện nhiều ở nữ giới do bàng quang bị rối loạn. Bệnh cần phải được theo dõi và điều trị sớm để không gây nên các biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Tiểu đêm ở nữ giới là gì?
Tiểu đêm ở nữ giới là tình trạng đi tiểu nhiều hơn 1 lần trong giấc ngủ đêm. Một số trường hợp có thể tiểu lên đến 5 – 7 lần. Ngoài tăng tần suất đi tiểu, một số triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện gồm: (1)
- Tiểu rát, tiểu buốt, nóng niệu đạo.
- Thường xuyên buồn tiểu, căng tức bàng quang. Tuy nhiên, khi tiểu, lượng nước rất ít, tiểu không hết. Một số trường hợp nặng có thể tiểu ra cả mủ và máu.
Nguyên nhân gây bệnh
Chứng tiểu nhiều lần ở nữ giới xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, gồm:
Viêm đường tiết niệu
So với nam giới, các chị em có đường tiết niệu ngắn hơn. Do đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu dễ dàng nếu bị viêm nhiễm khi quan hệ tình dục hoặc vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ. Nếu mắc phải tình trạng này, nữ giới sẽ có biểu hiện là tiểu nhiều lần dù ngày hay đêm, tuy nhiên tiểu ít, muốn đi tiếp khi vừa tiểu xong.
Bệnh lý về thận
Tiểu nhiều lần ở phụ nữ là một trong biểu hiện cảnh báo bệnh lý ở thận – đường tiết niệu như: sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi ở tiết niệu hay suy thận mạn tính cũng có triệu chứng thường gặp là gia tăng số lần đi vệ sinh, do đó các chị em cần hết sức lưu ý.
Sa tử cung
Do sinh nở quá gần nhau hoặc sinh nhiều lần khiến nữ giới xuất hiện tình trạng sa tử cung, chèn ép vào bàng quang khiến chị em đi tiểu nhiều lần.
Tiểu đường
Một trong những dấu hiệu sớm của đái tháo đường là đi tiểu nhiều. Vì vậy, khả năng rất cao chị em đang mắc bệnh tiểu đường nếu đi tiểu đêm nhiều lần ở độ tuổi trung niên và cao tuổi.
Bàng quang tăng hoạt
Đây là tình trạng bàng quang hoạt động co bóp quá mức cho phép, gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên, nhiều lần trong ngày và phải ngay lập tức đi tiểu. Người bệnh có thể bị són tiểu nếu nhịn tiểu. Lý do khiến bàng quang tăng hoạt là vì cơ sàn chậu của nữ giới sau quá trình sinh ở suy yếu, do stress, căng thẳng, nội tiết tố thay đổi ở giai đoạn mãn kinh, ngủ không đủ giấc,…
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mạn tính gây ra áp lực lên cơ bàng quang, gây đau bàng quang và đôi khi cảm thấy đau vùng chậu. Ngoài triệu chứng cơn đau, bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ còn có triệu chứng đi tiểu nhiều lần, mót tiểu phải đi ngay.
Ung thư bàng quang
Khối u phát triển sẽ gây chèn ép hoặc gây chảy máu bàng quang dẫn đến đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Do đang mang thai
Ở phụ nữ đang mang thai cũng xuất hiện triệu chứng tiểu nhiều lần. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: dùng thuốc lợi tiểu, yếu tố tâm lý,…
Đối tượng nguy cơ tiểu đêm
Một số người có thể có nguy cơ đi tiểu đêm hơn những người khác. Các đối tượng đó là:
- Người lớn tuổi và phụ nữ có thai.
- Nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến.
- Phụ nữ bị sa tử cung vì sinh đẻ.
- Bệnh nhân viêm bàng quang.
- Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn tính.
- Bệnh nhân tiểu đường.
- Người có khối u xơ cổ tử cung.
- Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Biểu hiện chung của bệnh
Triệu chứng tiểu đêm nhiều lần ở phụ nữ thường bị hiểu nhầm là do uống nhiều nước trước đi ngủ gây nên. Tuy nhiên uống nhiều nước nhưng số lần đi tiểu lại liên tiếp và lặp đi lặp lại trong nhiều đêm thì bạn cần phải thật thận trọng. Biểu hiện chung của bệnh tiểu đêm ở nữ bao gồm:
- Căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, đi tiểu từ 2 lần trở lên mỗi đêm. Thời gian giữa 2 lần tiểu cách nhau quá gần.
- Tiểu đêm liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian 7 đến 14 ngày.
- Đi tiểu kèm theo các triệu chứng như tiểu són, đau tức bụng dưới, rùng mình và biến mất nhanh chóng.
- Nước tiểu chuyển màu có màu sẫm hoặc màu đỏ. Quan sát thấy nước tiểu nổi bọt, nổi váng hoặc xả khó trôi.
- Người bệnh không thể kiểm soát được dòng nước tiểu, nước tiểu rò rỉ ra bên ngoài ngắt quãng. Với người bệnh nặng hơn thì nước tiểu sẽ rò rỉ liên tục cả ngày lẫn đêm.
- Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn trong chuyện chăn gối.
- Cơ thể khó thoát nước, tăng cân đột ngột, chân tay lạnh trong nhiều giờ hoặc sưng phù rất khó chịu.
- Mệt mỏi, chán ăn, hay cáu gắt với những người xung quanh.
Hay tiểu đêm nhiều lần ở nữ gây ảnh hưởng gì?
Tình trạng tiểu đêm nhiều lần gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của nữ giới, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, đồng thời làm sức khỏe suy giảm, đảo lộn giấc ngủ và tinh thần, thể chất suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, tiểu đêm làm tăng nguy cơ mắc những bệnh huyết áp, tim mạch, tăng tỷ lệ đột quỵ ở người lớn tuổi do phải thức nhiều lần trong đêm.
Cách chữa trị hay tiểu đêm ở nữ
Tùy theo nguyên nhân tiểu đêm, người bệnh sẽ được chỉ định hướng điều trị phù hợp như:
- Tác động từ thuốc: Người bệnh nên dùng thuốc sớm hơn vào ban ngày.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Người bệnh nên đi đến các chuyên gia giấc ngủ hoặc bác sĩ tim mạch để có hướng xử trí kịp thời.
- Bệnh lý: Tiểu đêm có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiểu, đái tháo đường… Những trường hợp tiểu đêm do bệnh thường sẽ cải thiện khi bệnh được kiểm soát tốt.
- Mang thai: Thai phụ có thể áp dụng bài tập Kegel để tăng cường các cơ vùng chậu. Bạn thực hiện thắt chặt các cơ để ngừng đi tiểu, giữ nguyên động tác khoảng 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng trong 10 giây, lặp lại 10 lần. Thai phụ nên luyện tập thường xuyên, 3 lần/ngày nhằm kiểm soát tốt hoạt động bàng quang.

Cách phòng ngừa tiểu đêm ở nữ
Để phòng ngừa tiểu đêm ở nữ giới, bạn nên lưu ý:
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ trong thực đơn mỗi ngày.
- Tránh ăn quá nhiều thịt và muối.
- Buổi tối trước khi ngủ cần hận chế ăn những loại trái cây mọng nước, uống nhiều nước hoặc thức uống lợi tiểu (trà, bia, rượu…)
- Không nên ăn nhiều thực phẩm cay nóng hoặc các loại đồ ngọt trước khi đi ngủ.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng hoặc stress trước khi ngủ để dễ vào giấc, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
- Tập thói quen đi tiểu vào giờ cố định, đặc biệt là trước giờ ngủ.
Tiểu đêm nhiều lần ở nữ giới có thể là dấu hiệu một số bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, nếu mỗi đêm đều đi tiểu nhiều hơn 1 lần, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để xác định sớm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nặng. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa chứng tiểu đêm bằng chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt, giúp duy trì sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của mình.