Tóc giòn có đặc điểm là chẻ ngọn, gãy rụng, thô ráp và khô. Nếu không kịp thời khắc phục, tình trạng gãy rụngcó thể khiến tóc mỏng dần và tăng nguy cơ hói đầu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tóc giòn và dễ gãy
- Thay đổi hormon: Những thay đổi nội tiết thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai và mãn kinh là một nguyên nhân gây ra tóc gãy rụng. Tóc có xu hướng khô và giòn cùng một lúc.
- Ngủ không đủ giấc: Giấc ngủ có ảnh hưởng lớn đến mái tóc của bạn. Nếu bạn là một người hay mất ngủ, tóc của bạn dễ bị hư hỏng và gãy rụng. Trong những trường hợp này, tóc gãy rụng hay gặp ở mặt sau của đầu.
- Stress: Thường xuyên bị stress, ảnh hưởng xấu sức khoẻ của mái tóc dẫn đến tóc bị gãy rụng.
- Thiết bị chăm sóc tóc: Thường xuyên sử dụng máy sấy thổi tóc, máy duỗi thẳng hoặc làm quăn tóc. Sức nóng từ các thiết bị này thâm nhập vào tóc, làm cho tóc trở nên dễ bị tổn thương hơn và nhanh chóng bị gãy rụng.
- Giảm cân: Nếu đột ngột mất quá nhiều trọng lượng trong một khoảng thời gian ngắn, có thể xảy ra tóc gãy rụng. Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng vì sức khoẻ của tóc sẽ ổn định và trở lại bình thường trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
- Thời tiết lạnh và khô hanh: Trung bình vào mùa đông tóc sẽ dễ bị gãy hơn, hoặc nếu sinh sống trong điều kiện thời tiết khô hanh và lạnh có thể khiến da mất đi độ ẩm và tóc trở nên giòn hơn. Khi mất đi độ ẩm tóc thường xuyên có xu hướng dễ gãy rụng và khô xơ.

Các biện pháp giảm rụng tóc tại nhà
Để hạn chế số lượng tóc rụng, bạn có thể áp dụng song song với một số biện pháp cải thiện tại nhà như:
- Sử dụng dầu dừa: Hàm lượng acid béo và vitamin E trong dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm cho tóc, hạn chế tình trạng khô xơ và gãy rụng. Bạn có thể thoa một 1 ít dầu dừa lên chân tóc để tránh tình trạng cháy tóc và chẻ ngọn.
- Dùng lòng đỏ trứng gà: Ngoài việc bổ sung trứng gà vào chế độ ăn, bạn có thể thoa trực tiếp lòng đỏ trứng lên vùng chân tóc. Vitamin H và hàm lượng protein từ thực phẩm này có thể thẩm thấu vào nang tóc, giúp cải thiện tình trạng tóc rụng và yếu.
- Gel nha đam: Nha đam rất đa năng, nó được biết đến với khả năng giải quyết nhiều vấn đề về da nhờ đặc tính kháng khuẩn và tự chữa lành.
- Dầu mè: Theo nghiên cứu, dầu mè có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm và giúp ngăn ngừa rụng tóc. Nó có thể chữa lành tóc hư tổn và cung cấp độ ẩm thêm cho tóc.
- Dầu ô liu: Dầu ô liu rất giàu dưỡng chất cung cấp độ ẩm cho tóc, giúp tóc bóng mượt. Đặc biệt, thành phẩn của dầu ô liu rất giàu vitamin E, phục hồi tóc hư tổn bằng cách khôi phục lớp biểu bì tóc.
Xây dựng chế độ ăn phù hợp
Với những người bị rụng tóc do giảm cân đột ngột, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng,… bạn cần thiết lập lại chế độ ăn uống để phục hồi nang tóc và kích thích tóc mọc trở lại.
Các thực phẩm người bị rụng tóc nên bổ sung, bao gồm:
- Chuối: Với hàm lượng vitamin, kali,… cao, chuối có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho tóc. Thường xuyên bổ sung chuối vào chế độ ăn có thể kích thích các nang tóc hình thành và tránh tình trạng tóc thưa, mỏng,…
- Bơ: Chứa hơn 14 loại vitamin và acid amin, bổ sung bơ có thể kích thích cơ thể sản xuất collagen. Thành phần này không chỉ giúp duy trì làn da căng bóng mà còn tránh tình trạng tóc khô xơ và gãy rụng.
- Thịt bò: Thịt bò cung cấp nguồn đạm và sắt dồi dào cho cơ thể. Ăn thịt bò thường xuyên có thể tăng số lượng hồng cầu tuần hoàn đến nang tóc, duy trì mái tóc chắc khỏe và đen bóng.
- Trứng gà: Trứng gà là một trong những loại thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin H cao (Biotin). Thành phần này thúc đẩy tóc mọc nhanh và cải thiện tình trạng chẻ ngọn, khô ráp,…
- Các loại hạt: Các loại hạt thường chứa hàm lượng vitamin E cao. Loại vitamin này có tác dụng giữ ẩm cho da đầu, tránh tổn thương nang tóc và bảo vệ chân tóc khỏi tác động của thời tiết.

Phòng ngừa tóc giòn và dễ gãy
- Hạn chế sử dụng thiết bị làm tóc hoặc hóa chất lên tóc.
- Cần tránh việc cột và búi tóc quá chặt. Thay vào đó bạn có thể sử dụng các loại kẹp để tránh gây áp lực lên vùng da đầu.
- Không nên gội đầu quá thường xuyên, chỉ nên gội từ 3 – 4 lần/ tuần.
- Đồng thời cần sử dụng dầu gội và dầu xả có thành phần dịu nhẹ để tránh gây tổn thương chân tóc.
- Nên đội mũ hoặc sử dụng dù khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Tránh để tia UVA và UVB tiếp xúc vào da đầu, gây khô tóc và tổn thương biểu bì.
- Sau khi gội đầu, nên sấy tóc khô hoàn toàn. Tuyệt đối không ngủ hoặc tạo kiểu khi tóc còn ướt.
- Hạn chế hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Những thói quen này không chỉ gây hại cho phổi, hệ tiêu hóa,… mà còn khiến nang tóc suy yếu và dễ gãy rụng.
- Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày và giảm khối lượng công việc để tránh căng thẳng thần kinh.
Sẽ rất khó phục hồi nếu tóc bị hư tổn nghiêm trọng, vì vậy khi tóc bắt đầu có dấu hiệu yếu đi, bạn cần phải chú ý hơn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng tóc. Bằng một số điều chỉnh về chế độ ăn uống và lối sống, đồng thời với một số biện pháp khắc phục tại nhà cung cấp những cách hiệu quả và không tốn kém để mang lại độ mềm mượt, độ ẩm và bóng mượt cho tóc, làm tóc chắc khỏe.