Sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ sau khi sinh đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ người thân trong gia đình. Bên cạnh những biến chứng sau sinh, phụ nữ cũng có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng về tâm lý, dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh (PND) là một tình trạng rất phổ biến gây ảnh hưởng tới 15% số những người mới làm mẹ. Khi bị trầm cảm sau sinh, phụ nữ thường có cảm giác mệt mỏi, đuối sức, lo lắng, đôi khi cảm thấy cô đơn và bị cô lập.
Tình trạng này có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, thường bắt đầu khoảng ba tuần sau ca sinh nhưng cũng có thể đến nhiều tháng sau đó. Nhìn chung, không có một khung thời gian cố định hoặc công thức nào cho bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
- Thay đổi hooc môn trong cơ thể người mẹ: Sau khi sinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone trước đây đã phát triển như “vũ bão” để hình thành thai nhi sẽ giảm đột ngột. Điều này làm thay đổi tâm trạng ở người mẹ tương tự như hiện tượng thay đổi tâm trạng trước kỳ kinh nguyệt.
- Tâm lý căng thẳng vì một vấn đề gì đó: Điều này thường gặp ở những trường hợp mang thai ngoài kế hoạch chưa chuẩn bị tâm lý đầy đủ hoặc mẹ mắc các bệnh lý, biến chứng sau thai kỳ, những biến cố không mong muốn trong cuộc sống, em bé sinh ra có vấn đề về sức khỏe khiến mẹ lo lắng.
- Có lịch sử bị trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai: Nếu trước đây người mẹ đã từng mắc chứng trầm cảm thì nguy cơ trầm cảm sau sinh sẽ cao hơn các phụ nữ khác.
- Yếu tố đời sống: Thiếu sự giúp đỡ của người thân. Trải qua sự kiện căng thẳng như có người thân vừa qua đời, người thân trong gia đình mắc bệnh, thay đổi nơi ở, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Dấu hiệu nhận biết cơn trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh con
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất khó nhận biết, cho đến khi họ có biểu hiện hành động, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe bản thân. Mọi gia đình có phụ nữ mới sinh cần quan tâm lưu ý những dấu hiệu khởi phát trầm cảm như sau:
- Thay đổi cảm xúc, tâm trạng, chán nản, bồn chồn, ủ rũ.
- Khóc nhiều.
- Ít nói chuyện, xa lánh gia đình và bạn bè.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều.
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm hoặc lặp lại.
- Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích.
- Dễ cáu gắt, khó chịu và tức giận.
- Tâm trạng lo âu mình không phải là một người mẹ tốt.
- Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình.
- Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
- Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử…
Mức độ nguy hiểm của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là căn bệnh phổ biến và là gánh nặng bệnh lý đứng thứ 2 của toàn thế giới:
- Khoảng 280 triệu người đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh trầm cảm.
- 75% tổng số ca bệnh tự tử vì chứng trầm cảm nặng.
- Tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên 15-29 tuổi.
- 5% ca bệnh trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội.
- 22% do nghiện các chất kích thích và cờ bạc.
- 3% do tâm thần phân liệt hay bệnh động kinh.
Làm gì để vượt qua trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện can thiệp sớm, gia đình nên đưa mẹ đến các chuyên gia sức khỏe tâm lý để có hướng điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng gồm:
Tham vấn tâm lý
Chuyên gia sức khỏe tâm lý sẽ sử dụng các liệu pháp hành vi, giúp mẹ nhận ra những vấn đề bản thân gặp phải, từ đó khắc phục những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của mình một cách dần dần. Cùng với đó là liệu pháp tương tác giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ điều trị cho người bệnh.
Điều trị bằng thuốc
Trường hợp trầm cảm sau sinh nặng có thể phải dùng thuốc điều trị như: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm,… Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây tác dụng phụ không tốt nếu lạm dụng hay dùng không đúng, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Bên cạnh điều trị, sự hỗ trợ, động viên từ những người thân, bạn bè của mẹ bị trầm cảm sau sinh là rất quan trọng, giúp cho quá trình hồi phục dễ dàng và hiệu quả hơn. Bản thân người mẹ cũng nên tin tưởng, kiên nhẫn để dần cải thiện triệu chứng bệnh bản thân mắc phải.

Phòng ngừa trầm cảm sau khi sinh
Để phòng ngừa tình trạng trầm cảm sau sinh, mẹ nên thực hiện những điều như:
- Nên dành thời gian cho chính mình. Đừng nên ở nhà quá lâu, thỉnh thoảng nên đi mua sắm và vui chơi cùng bạn bè.
- Nếu ai đó có thể chăm sóc em bé để bạn có thể nghỉ ngơi thì hãy ngủ một chút hoặc thư giãn với một bộ phim yêu thích.
- Vận động và tập các bài tập nhẹ nhàng, vì ở trong nhà thường xuyên sẽ khiến cơ thể uể oải. Đồng thời, tránh quan hệ vợ chồng trong 2-4 tháng sau khi sinh con, tùy theo tình hình hồi phục của cơ thể.
- Nếu kinh tế ổn định thì bạn có thể thuê người giúp việc. Như thế các mẹ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.
- Lối sống lành mạnh bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.
- Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, điều chỉnh mong muốn của bản thân, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.
- Tránh việc tự cô lập bản thân. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hòa mình trở lại với cuộc sống.
- Yêu cầu giúp đỡ: Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè.
Trầm cảm sau sinh là căn bệnh tâm lý phổ biến trong xã hội hiện đại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm hỗ trợ ổn định tâm lý, giúp người mẹ lành bệnh, để có đủ sức khỏe, tinh thần tốt chăm con. Người thân nên đưa sản phụ đi khám bệnh tại các cơ sở uy tín nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.