Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai thường xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. Lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp với các mức độ khác nhau.
Trật khớp cùng đòn là gì?
Khớp cùng đòn được hợp lại bởi đầu ngoài xương đòn và mặt trong của mỏm cùng vai. Trật khớp cùng đòn xảy ra khi bạn té ngã, vai bị va đập trực tiếp hoặc khi bạn nâng vật nặng.
Tùy theo mức độ của chấn thương, trật khớp cùng vai được chia ra làm 6 cấp độ (theo Rookwood):
- Độ I: giãn dây chằng cùng đòn, nhưng dây chằng quạ đòn còn nguyên.
- Độ II: đứt dây chằng cùng đòn và giãn dây chằng quạ đòn.
- Độ III: đứ dây chằng cùng đòn và đứt dây chằng quạ đòn hoàn toàn. Đầu xương đòn lệch 25-100% so với bên còn lại.
- Độ IV: đầu ngoài xương đòn lệch ra sau, vào cơ thang.
- Độ V: đầu ngoài xương đòn lệch 100% so với bên còn lại.
- Độ VI: đầu ngoài xương đòn lệch vào mặt dưới mỏm quạ. Đây là cấp độ chấn thương hiếm gặp.
Nguyên nhân trật xương cùng đòn
Trật khớp cùng đòn xảy ra do té ngã khiến vai bị va đập. Chấn thương có thể xảy ra trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Cơ chế gián tiếp: Xảy ra do người bệnh ngã chống tay. Điều này khiến lực truyền dọc theo trục xương cánh tay đến khớp cùng đòn dẫn đến trật.
- Cơ chế trực tiếp: Chấn thương xảy ra do người bệnh ngã đập vai trong tư thế khớp vai khép khiến mỏm cùng vai bị đẩy vào trong và lệch xuống dưới.
Đối tượng có nguy cơ cao:
- Vận động viên xe đạp.
- Cầu thủ bóng đá.
- Người chơi trượt tuyết.
- Cầu thủ bóng rổ, bóng chày,…

Dấu hiệu và triệu chứng trật khớp cùng đòn
Các triệu chứng bao gồm:
- Sưng.
- Đau.
- Bầm tím.
- Vùng vai nhô cao hơn so với bình thường.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Phương pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán trật khớp cùng vai đòn dựa vào các triệu chứng lâm sàng và biểu hiện trên X – Quang để đưa ra kết luận chính xác.
- Chụp X – quang vai hiện có ở 3 vị trí: Chụp X-quang vai thẳng, X – quang chữ Y và X – quang dưới cánh tay.
- X-quang Zanca: Tương tự như chụp X-quang vai thẳng, nhưng chùm tia được bắn một góc 10 độ so với đầu. Kỹ thuật này giúp nhìn rõ hơn phần đầu của khớp.
- Chụp X – quang stress: Chụp X-quang đường thẳng với quả tạ 4 – 6kg trên tay.

Điều trị trật khớp cùng đòn vai
Điều trị trật khớp cùng đòn vai được thực hiện theo hai phương pháp chính là phẫu thuật và điều trị bảo tồn.
Phương pháp điều trị bảo tồn
Được chỉ định ở người bệnh tổn thương mức độ I, II và người bệnh mức độ III ít vận động. Phương pháp này được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:
- Chườm đá, nghỉ ngơi.
- Mang áo Desault hỗ trợ hoặc đeo túi treo tay từ 4 – 6 tuần.
- Tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ: 4 – 6 tuần đầu tập tầm vận động thụ động khớp vai, tiếp theo là tập tầm vận động chủ động và tăng sức cơ.
Phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật như:
- Phẫu thuật cố định khớp cùng đòn.
- Cố định xương đòn và mỏm quạ.
Khi bị trật (sai) khớp cùng đòn, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để sớm được thăm khám và điều trị đúng phác đồ. Tránh bị những thương tật không đáng có nếu tự ý chữa trị như bóp thuốc, bó thuốc theo các lang băm.
Trật khớp cùng đòn là một trong những chấn thương vai phổ biến ở người trẻ tuổi. Khi phát hiện những dấu hiệu và cơn đau bất thường ở vai, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau.
Leave a reply