Bị trật khớp gối xảy ra do xương chày và xương đùi lệch khỏi vị trí ban đầu, làm gián đoạn hay không còn gặp nhau ở khớp gối. Tổn thương có thể gây ra rất nhiều biến chứng có hại, vì vậy người bệnh cần nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo trật khớp gối để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời khi bị chấn thương.
Trật khớp gối là gì?
Đầu gối được cấu tạo bởi 3 xương chính là xương chày, xương bánh chè và xương đùi. Hoạt động bình thường của khớp đầu gối chịu ảnh hưởng của 3 hệ xương trên cùng với hệ thống các sụn, dây chằng và các gân trong đầu gối.
Trật khớp gối là tình trạng sai lệch cấu trúc xương ở đầu gối. Cụ thể hơn là lúc này, xương chày và xương đùi lệch khỏi vị trí ban đầu. Chấn thương này hiếm gặp nhưng lại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mạch máu, một số dây chằng và dây thần kinh quan trọng cần được xử lý ngay, để tránh gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Hiện tượng trật khớp gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao… hoặc các hoạt động xoay, vặn người quá mạnh hay bất thường. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trật khớp gối và sai khớp gối nhẹ – tình trạng xảy ra do dây chằng ngoài bị tổn thương nhưng vị trí các xương khớp không bị thay đổi.
Nguyên nhân gây trật khớp đầu gối
Trật khớp gối xảy ra do lực tác động từ bên ngoài như va chạm, té ngã… Lực tác động vào khớp gối quyết định mức độ trật khớp gối nhẹ hay nặng. Cụ thể các nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương như sau:
- Chấn thương thể thao: Các va chạm từ hoạt động thể thao như va chạm lực mạnh với người khác, va chạm với sàn khi đầu gối uốn cong hoặc duỗi quá mức cũng có thể gây trật khớp gối…
- Tai nạn giao thông: Có thể gây ra va chạm của đầu gối với bề mặt cứng.
- Ngã mất kiểm soát: Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chấn thương trật khớp gối, tình trạng xảy ra phổ biến ở vận động viên trượt băng, người chạy nhanh mất kiểm soát ngã với đầu gối cong.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng trật khớp gối thường gặp ở người bệnh bao gồm:
- Sưng đỏ, biến dạng khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
- Cẳng chân bị tổn thương có triệu chứng ngắn hơn và bị lệch khỏi vị trí ban đầu so với chân còn lại.
- Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến vị trí khớp đầu gối đều gây triệu chứng đau dữ dội.
- Xuất hiện âm thanh ở khớp gối khi di chuyển
- Sưng, bầm tím đầu gối nghiêm trọng.
Dựa vào dấu hiệu trật khớp gối và sự dịch chuyển của xương chày so với xương đùi, bệnh lý được chia thành các nhóm như sau:
- Trật ra trước: Đây là loại trật khối có tỷ lệ gặp lớn nhất với 30 – 50% người bệnh bị trật khớp gối. Trong trường hợp này dây chằng chéo sau (PCL) thường bị đứt, 50% người bệnh bị đứt động mạch và nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
- Trật ra sau: Nguy cơ tổn thương mạch máu lớn hơn 40%.
- Trật ra ngoài.
- Trật vào trong.
- Trật khớp thể phối hợp: Trật vào trong hay ra ngoài kết hợp xoay khớp.
Sự nguy hiểm của trật khớp gối
Trật khớp gối là một tình trạng sức khỏe cấp tính, cần được điều trị ngay lập tức. Nếu kéo dài, những cơ quan, bộ phận xung quanh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo, dần dần phát sinh biến chứng không mong đợi. Có thể bao gồm:
- Dây thần kinh mác chung (peroneal nerve) ở bắp chân bị chèn ép do cấu trúc xương sai vị trí, dẫn đến tổn thương và gây tê liệt chi dưới.
- Tắc nghẽn mao mạch nằm phía sau đầu gối, đôi khi có thể vỡ mạch máu.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu phát triển.
Những biến chứng trên, đặc biệt là tắc nghẽn mạch máu, đều có nguy cơ cao khiến người bệnh bắt buộc cưa chân. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thời gian điều trị.
Theo nghiên cứu, khi tắc nghẽn mao mạch ở chân xảy ra, nếu được can thiệp y tế kịp thời (cụ thể hơn là trong vòng 8 giờ), rủi ro phải cưa chân của người bệnh chỉ có 11%. Ngược lại, nếu bệnh nhân trì hoãn việc điều trị qua khoảng thời gian này, tỷ lệ cắt chi sẽ tăng đến 86%.
Xử lý khi bị trật khớp gối
Thông thường, khi đầu gối bị trật khớp, nhiều người thường chườm đá lên vùng bị thương và hạn chế đi lại. Mặc dù vậy, cách này chỉ giúp giảm sưng đau tạm thời, nếu để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng không mong muốn. Tốt nhất, bạn nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác tình trạng và tìm ra hướng điều trị kịp thời.
Điều trị trật khớp gối dựa trên mục tiêu chính là cải thiện triệu chứng đau, ngăn ngừa các biến chứng liên quan và đưa các xương về vị trí ban đầu. Các phương pháp hay cách điều trị trật khớp gối như sau:
Điều trị không phẫu thuật
Với phương pháp này, bác sĩ cần đảm bảo xương bánh chè nằm ở đúng vị trí. Vì vậy, bác sĩ cần thực hiện di chuyển xương bánh chè về đúng vị trí ban đầu. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc an thần khi thực hiện quy trình trên nhằm hạn chế các cơn đau và sự lo lắng của người bệnh.
Sau khi thực hiện di chuyển xương về vị trí ban đầu bác sĩ thực hiện đeo nẹp cho người bệnh với mục đích hồi phục nhanh tổn thương, ngăn ngừa tình trạng lệch xương ở vị trí bánh chè và giữ đầu gối được ổn định, thời gian đeo nẹp khoảng 2 tuần.
Phương pháp điều trị phẫu thuật
Phương pháp điều trị phẫu thuật được áp dụng với hầu hết người bệnh bị trật khớp đầu gối nhằm tránh các tổn thương liên quan. Phương pháp được chỉ định đặc biệt ở người bệnh có đặc điểm sau:
- Rách dây chằng.
- Gãy xương.
- Tổn thương thần kinh.
- Viêm gân.
- Tổn thương mạch máu.
Chỉ định phẫu thuật thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1 – 3 tuần sau chấn thương nhằm mục đích để khớp có thời gian giảm sưng đau và viêm. Người bệnh cần được mang nẹp chân, chăm sóc vết thương như chườm đá, giữ chân nâng cao… trong thời gian chờ phẫu thuật.
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ tổn thương của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi. Thực tế trên lâm sàng phẫu thuật khớp gối cần được thực hiện nhiều hơn một lần để đảm bảo quá trình phục hồi là tốt nhất.
Phục hồi chấn thương
Người bệnh sau khi điều trị trật khớp gối bằng phẫu thuật cần thực hiện một số biện pháp giúp phục hồi tổn thương như sau:
- Sử dụng nẹp đầu gối cho đến khi tổn thương lành hẳn, người bệnh có thể sử dụng các loại nẹp đầu gối cho phép uốn cong đầu gối nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng cứng khớp.
- Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ, thời gian tập phục hồi phụ thuộc vào tình trạng và mức độ tổn thương của người bệnh, chẳng hạn như bài tập tăng cường cơ bắp quanh đầu gối giúp ổn định và tăng cường chuyển động của khớp.
- Trường hợp người bệnh là vận động viên, sau khi phục hồi chức năng khớp gối hoàn toàn có thể quay lại luyện tập môn thể thao trước đây, tuy nhiên hiệu suất không được cao như trước chấn thương.
Nếu tổn thương mạch máu được phát hiện và xử lý kịp thời, khả năng điều trị và phục hồi chấn thương sẽ tích cực. Ngược lại, nếu không phát hiện sớm, việc cắt chi có thể xảy ra.
Trường hợp có tổn thương thần kinh, các chức năng vận động có thể bị ảnh hưởng và không thể phục hồi hoàn toàn.
Quá trình phục hồi chức năng khi trật khớp gối có thể mất từ 9–12 tháng. Một số người đã hoàn thành xong chương trình điều trị phục hồi chức năng vẫn có khi cảm thấy đau, cứng hoặc rối loạn chức năng ở khớp từng bị chấn thương.
Trật khớp gối là một chấn thương hiếm gặp nhưng lại vô cùng nghiêm trọng, người bệnh trật khớp gối cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy trong trường hợp bị các chấn thương đầu gối với các triệu chứng như sưng đỏ đầu gối, đau dữ dội, chảy máu đầu gối… người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.